MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỉnh dậy sau giấc ngủ, người phụ nữ không thể nói, viết và cầm đũa, đi khám mới biết mắc hội chứng nguy hiểm

11-10-2018 - 19:04 PM | Sống

Khi tỉnh dậy, bà Hà nói năng lộn xộn, không thể viết chữ, người nhà nghĩ rằng bà đã tuổi cao nên trí nhớ kém.

Bà Hà (71 tuổi) sống ở Đài Bắc. Cách đây vài ngày, khi tỉnh dậy, bà Hà nói năng lộn xộn, không thể viết chữ, người nhà nghĩ rằng bà đã tuổi cao nên trí nhớ kém. Nhưng đến ngày hôm sau, hành vi cử chỉ của bà Hà vẫn rất kì lạ nên người nhà vội vàng đưa bà đến bệnh viện khám.

Bác sĩ Trần Huệ Huyên - khoa nội thần kinh, bệnh viện Chang'An Hospital, cho biết: "Bà Hà có tiền sử mắc bệnh cao huyết áp, mỡ máu cao. Khi tiến hành chụp cộng hưởng từ bộ não của bệnh nhân thì phát hiện nhánh động mạch não trái bị tắc nghẽn, lượng máu thiếu hụt khiến cho tế bào vùng não bị chết.

Bởi vì nhánh động mạch nằm ở thùy đỉnh nên chức năng bộ não ở vùng này bị suy thoái, gây khó khăn xử lý ngôn ngữ, cách diễn đạt và sử dụng đồ vật. Bác sĩ kết luận tình trạng của bà là do bệnh cao huyết áp, mỡ máu cao dẫn đến tai biến mạch máu não, mắc hội chứng Gerstmann".

Tỉnh dậy sau giấc ngủ, người phụ nữ không thể nói, viết và cầm đũa, đi khám mới biết mắc hội chứng nguy hiểm - Ảnh 1.

Bác sĩ Trần Huệ Huyên giải thích: "Bệnh nhân mắc hội chứng Gerstmann sẽ nhầm lẫn trái phải, mất nhận thức ngón tay, mất khả năng tính toán và viết. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng Gerstmann, xuất huyết não là một trong số nguyên nhân chính".

Tỉnh dậy sau giấc ngủ, người phụ nữ không thể nói, viết và cầm đũa, đi khám mới biết mắc hội chứng nguy hiểm - Ảnh 2.

Nhánh động mạch não trái bị tắc nghẹn

Tỉnh dậy sau giấc ngủ, người phụ nữ không thể nói, viết và cầm đũa, đi khám mới biết mắc hội chứng nguy hiểm - Ảnh 3.

Lượng máu thiếu hụt khiến cho tế bào vùng não bị chết

Bác sĩ Trần Huệ Huyên nhắc nhở thêm: "Triệu chứng tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ bao gồm những dấu hiệu dễ nhận biết như mắt xếch, méo miệng, chân tay vô lực, nói năng và nuốt khó khăn. Khi người bệnh gặp khó khăn về nhận biết thường trì hoãn quá trình điều trị vì lầm tưởng bộ não suy thoái do tuổi tác. Nếu bạn phát hiện người nhà gặp các vấn đề về trí nhớ, ngôn ngữ, diễn giải, nghe nói thì rất có thể là dấu hiệu đột quỵ và cần đưa đến ngay bệnh viện".

Hội chứng Gerstmann là gì?

Hội chứng Gerstmann là một rối loạn thần kinh hiếm gặp, có thể xảy ra do chấn thương não hoặc do rối loạn phát triển.

Hội chứng Gerstmann gồm 4 dấu hiệu:

1. Mất khả năng tính toán - khó thực hiên các phép cộng - trừ đơn giản

2. Mất khả năng viết - khó viết được một câu

3. Nhầm lẫn trái/phải - khó xác định các phần trái - phải trên cơ thể

4. Mất nhận thức ngón tay - khó xác định chính xác từng ngón tay.

Cơ chế phát triển hội chứng Gerstmann

Hội chứng Gertsmann tiêu biểu liên quan đến tổn thương ở hồi góc của thùy đỉnh. Mỗi triệu chứng riêng lẻ trong hội chứng Gertsmann ít có giá trị định khu và có thể xảy ra trong nhiều tổn thương khác nhau. Chưa rõ rằng liệu 4 triệu chứng trong hội chứng Gerstmann có thật sự góp phần tạo nên một đường thần kinh chung không hay chúng chỉ tập hợp cùng nhau trên diện rộng, tổn thương thùy đỉnh ưu thế.

Một nghiên cứu gần đây sử dụng chẩn đoán hình ảnh thần kinh giải phẫu và chức năng ở người bình thường cho thấy rằng vùng đặc trưng của hoạt động não có liên quan tới các thành phần của tứ chứng Gerstmann. Hội chứng Gerstmanncó khả năng là hậu quả của sự hoại tử vùng trung tâm chất trắng dưới vỏ não dẫn đến mất kết nối trong thùy đỉnh.

Nguyên nhân phát triển hội chứng Gerstmann do đâu?

Bệnh nhân sau tổn thương não có thể bị một hoặc cùng lúc nhiều dạng rối loạn ngôn ngữ như: mất ngôn ngữ, rối loạn vận ngôn và mất sử dụng lời nói. Có nhiều nguyên nhân làm não bị tổn thương, trong đó, tai biến mạch máu não là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng mất ngôn ngữ. Tai biến này không chỉ làm mất đi khả năng nói mà còn làm mất khả năng viết của người bệnh.

Ngoài ra, nhiều trường hợp mắc đau nửa đầu kéo dài cũng có thể dẫn đến hậu quả này. Những chấn thương sọ não hở hoặc kín trong chiến tranh hay trong sinh hoạt hằng ngày (tai nạn giao thông, công nghiệp) cũng là nguyên nhân thường gặp của mất ngôn ngữ. Các trường hợp u não cũng có thể gây mất ngôn ngữ và có thể là triệu chứng điển hình của u não thái dương trái.

Nhiễm khuẩn gây ra áp-xe hay lan tỏa (viêm não) có thể gây ra tình trạng bệnh này. Những rối loạn ngôn ngữ có thể hợp thành triệu chứng của một cơn động kinh có ổ khu trú. Nói chung, các hậu quả của tổn thương não, rối loạn giao tiếp làm bệnh nhân khó khăn giao tiếp với người xung quanh, dễ bị cô lập, khó hòa nhập với cuộc sống, lâu ngày có thể dẫn đến bệnh trầm cảm.

Một số thể thường gặp

Rối loạn vận ngôn: là do tổn thương não gây ra những hậu quả như: rối loạn hơi thở, rối loạn phát âm ở thanh quản, rối loạn khả năng cấu âm (phụ âm, nguyên âm), rối loạn độ vang của âm... Đây là tình trạng yếu, liệt của các cơ quan liên quan đến chức năng nói chứ không ở trung khu ngôn ngữ. Do đó, kho ngôn ngữ vẫn còn, khả năng sử dụng ngôn ngữ vẫn nguyên vẹn nhưng lời nói bị "biến dạng" hoặc sai lệch khiến người khác không thể nghe ra những gì bệnh nhân muốn truyền đạt. Người thân, nhờ tiếp xúc lâu ngày có thể hiểu được phần nào những gì người bệnh nói. Trong khi đó, người lạ, bác sĩ thường không hiểu được hoặc hiểu rất ít, khoảng 10-20%.

Nói loạn biệt ngữ: Là một rối loạn được biểu hiện là những từ dùng không sát hợp được thay thế những từ đúng (dùng một từ này cho một từ khác). Ở dạng rối loạn này, bệnh nhân bị mất khả năng "lập trình" phát âm. Biểu hiện điển hình là một âm bị nói sai nhiều kiểu.

Mất ngôn ngữ: Bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ diễn tả thường vẫn có thể hiểu, nhận biết sự vật, người thân nhưng không tìm được từ ngữ thích hợp để truyền đạt cho người nghe. Đối với trường hợp mất ngôn ngữ Wernicke thì tất cả những hoạt động của ngôn ngữ đều bị nhiễu loạn nhưng không có mất vận ngôn.

Trong ngôn ngữ nói xuất hiện các chứng: thiếu từ, nói loạn, những sai lầm về cú pháp; trong những thể nặng còn thấy cả chứng nói biệt ngữ (nói khó hiểu, bịa từ). Mất ngôn ngữ Wernicke nói chung là do tổn thương phần sau của hồi thái dương 1 và 2, hồi góc và hồi trên viền vì những tia thị giác chạy ở phía dưới vùng vỏ não.

Khi những tổn thương lan rộng thì sẽ xuất hiện hội chứng Gerstmann, mất khả năng làm tính, mất khả năng viết, không phân biệt được phải trái, mất nhận thức ngón tay, mất nhận thức định khu bản thân có thể phụ thêm với mất ngôn ngữ.

Tập luyện rối loạn ngôn ngữ như thế nào?

Ngôn ngữ là chức năng rất quan trọng của bộ não con người, là phương tiện và công cụ giao tiếp xã hội rất quan trọng. Đối với bệnh nhân rối loạn ngôn ngữ đòi hỏi một chương trình phục hồi chức năng chuyên sâu cầu kỳ. Rối loạn ngôn ngữ càng nặng nề thì càng ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi chức năng và quá trình điều trị phải kiên trì và lâu dài.

Việc tập luyện có hiệu quả hay không còn tùy từng trường hợp cụ thể. Những tổn thương tiến triển như u não thì rất khó phục hồi. Nếu là mất ngôn ngữ, giảm chất lượng ngôn ngữ do xuất huyết não có tiến triển tốt hơn so với nguyên nhân nhồi máu não. Trong nhồi máu não, chứng bệnh này do tắc nghẽn động mạch nói chung lại có tiên lượng tốt hơn do huyết khối. Nếu mất ngôn ngữ xảy ra trước 10 tuổi thường có khả năng phục hồi tốt, càng già thì càng kém đáp ứng phục hồi.

Nhưng nhìn chung, việc luyện tập phục hồi ngôn ngữ thường đem lại kết quả tốt đối với bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ biểu đạt.

Trước hết, cần khuyến khích bệnh nhân tập nói tự nhiên: Một số từ bệnh nhân có thể nói được một cách tự nhiên như đếm số, bảng chữ cái, ngày tháng…

Đối với trường hợp nhẹ, khuyến khích bệnh nhân chịu khó giao tiếp, hát, kể chuyện, đọc thơ… Đối với trường hợp nặng, bệnh nhân tập nói một số đồ vật xung quanh như: Bàn, ghế, sách, quạt, máy tính… và màu sắc các đồ vật đó. Cho bệnh nhân đọc một số từ, từ ngắn đến dài dần: Ví dụ: xoài, mít - quả xoài, quả mít.

Điều lưu ý, cần thay đổi cách tập và vị trí tập để tránh sự nhàm chán. Không nên tập quá nhiều vào cùng một lúc mà chia ra nhiều lần trong ngày để tránh mệt mỏi, quá sức của bệnh nhân. Tập từ dễ đến khó dần. Tạo ra môi trường vui vẻ, có thể nhiều thành viên tham gia tập cho bệnh nhân. Khi tập, cố gắng cho bệnh nhân nói to nhất có thể. Tập càng sớm càng có lợi, có thể phục hồi được ngôn ngữ.

Nguồn: Health

Theo Mèo Ròm

Helino

Trở lên trên