Tính ưu việt của trả lương theo vị trí việc làm thực hiện từ năm 2021
"Tính ưu việt của trả lương theo vị trí việc làm là bảo đảm thực hiện nguyên tắc “làm công việc gì hưởng lương theo công việc đó”, tiền lương gắn với năng lực, trình độ và kết quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức".
- 26-03-2019Cải cách tiền lương: Phải chịu "đau" tinh giản, phải chọn đúng người đúng việc!
- 13-02-2019Cải cách tiền lương: Nhà nước sẽ không can thiệp lương của DNNN
- 11-02-2019Điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH
Đây là ý kiến của Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh trao đổi với PV Infonet xung quanh những vấn đề bạn đọc quan tâm về đề án trả lương theo vị trí việc làm.
Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh
Ông có thể chia sẻ tính ưu việt của trả lương theo vị trí việc làm, nó sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế nào so với hình thức trả lương như hiện nay?
Ông Vũ Đăng Minh: Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, trong đó tại Điểm 1.3 Khoản 1 Mục II của Nghị quyết đã xác định: “Trong khu vực công, Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp dịch vụ công, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động; thực hiện chế độ đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng theo năng suất lao động, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”.
Tính ưu việt của trả lương theo vị trí việc làm là bảo đảm thực hiện nguyên tắc “làm công việc gì hưởng lương theo công việc đó”, tiền lương gắn với năng lực, trình độ và kết quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, không chỉ phụ thuộc vào thâm niên, kinh nghiệm công tác; khắc phục được những hạn chế của cơ chế trả lương hiện hành như tiền lương còn mang nặng tính bình quân, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy nhiên, để thực hiện được việc trả lương theo vị trí việc làm thì cần phải khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm, coi đây là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương; Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện pháp luật cán bộ, công chức, viên chức; chọn lọc tiếp thu kinh nghiệm tốt của quốc tế, rà soát bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về vị trí việc làm và các tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức gắn với từng vị trí việc làm trong khu vực công để làm căn cứ tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và trả lương đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị trực tiếp xây dựng và hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc, xác định cơ cấu công chức, viên chức, cấp bậc hàm sĩ quan; xác định khung năng lực theo từng vị trí việc làm và tinh giản biên chế theo các nghị quyết của Đảng và quy định của Nhà nước đã được ban hành. Trên cơ sở đó, thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang để thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.
Hiện các bộ, ngành, địa phương xây dựng và hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, bản mô tả công việc, xác định cơ cấu công chức, viên chức và cơ cấu của các đối tượng trong lực lượng vũ trang của đơn vị địa phương mình. Bộ Nội vụ đã ghi nhận phản hồi vướng mắc, khó khăn khi thực hiện đề án này từ các bộ, ngành, địa phương hay chưa, xin ông cho biết những vướng mắc cụ thể là gì?
Ông Vũ Đăng Minh: Đối với các cơ quan, tổ chức hành chính: Thực hiện Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, trên cơ sở đề nghị của Bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ đã phê duyệt danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính của tất cả các Bộ, ngành, địa phương. Theo đó các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện bản mô tả công việc đối với vị trí việc làm đã được phê duyệt.
Trên cơ sở tổ chức triển khai thực hiện, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, rà soát danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính được Bộ Nội vụ phê duyệt, theo đó một số Bộ, ngành, địa phương có kiến nghị bổ sung danh mục vị trí việc làm, điều chỉnh danh mục vị trí việc làm v.v… Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định để điều chỉnh, bổ sung kịp thời bảo đảm được tổ chức triển khai đúng quy định.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập: Thực hiện Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2016, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng và quyết định vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên; các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên được quyết định vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7 (khóa XII) của Đảng, theo phân công của Chính phủ, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đang xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 36/2013/NĐ-CP và Nghị định số 41/2012/NĐ-CP để làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện danh mục vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Với tiến độ các bộ, ngành, địa phương thực hiện như hiện nay, theo ông đến năm 2021chúng ta có thực hiện được việc trả lương theo vị trí việc làm hay không. Trong trường hợp không thực hiện được, Bộ Nội vụ đã tính đến phương án dự phòng?
Ông Vũ Đăng Minh: Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, ngày 16 tháng 8 năm 2018 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó đã phân công nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng quy định cụ thể về cải cách chính sách tiền lương theo quan điểm, mục tiêu, nội dung và giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Ngày 14 tháng 3 năm 2019, dưới sự chủ trì của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã họp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và rà soát, đôn đốc các nhiệm vụ về thực hiện cải cách chính sách tiền lương trong năm 2019 theo Nghị quyết số 107/NQ-CP.
Theo đó, Ban Chỉ đạo sẽ đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm tiến độ và kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền những vướng mắc phát sinh để ban hành chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo từ năm 2021 theo tinh thần của Nghị quyết số 27/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII.
Có thông tin sau khi các bộ, ngành, địa phương thực hiện xác định các vị trí việc làm, biên chế từ các đơn vị đều tăng, điều này có đúng không thưa ông? Bộ Nội vụ triển khai các giải pháp nào để bảo đảm đến năm 2021 giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015?
Ông Vũ Đăng Minh: Khi các Bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, ban đầu có một số đơn vị dự kiến số lượng người lớn hơn so với số hiện có. Sau khi rà soát và hoàn thiện bản mô tả công việc và thực hiện chủ trương tinh giản biên chế của Đảng, Nhà nước, các đơn vị đã điều chỉnh lại. Tuy nhiên còn có một số đơn vị đề nghị tăng biên chế do có nhiệm vụ mới phát sinh hoặc tổ chức mới được thành lập.
Để bảo đảm thực hiện chủ trương tinh giản biên chế (không làm tăng biên chế), biên chế sự nghiệp (số lượng người làm việc) hưởng lương từ ngân sách nhà nước đến năm 2021 giảm 10% so với năm 2015, với trách nhiệm được giao, Bộ Nội vụ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, tổng hợp các kiến nghị, vướng mắc để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Mặt khác khi thực hiện thẩm định số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp của địa phương, Bộ, ngành đã thực hiện giảm theo lộ trình hàng năm để bảo đảm đến năm 2021 đạt mục tiêu, yêu cầu (tinh giản 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với số được cơ quan có thẩm quyền giao năm 2015).
Cụ thể, đến hết 2018 đã giảm 76.143 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập so với số được cơ quan có thẩm quyền giao năm 2015 tại các Bộ, ngành, địa phương (tương ứng giảm 3,87%).
Xin cảm ơn ông !
Infonet