Tôi đi làm... “cò đất”
Chỉ “mon men” trong thế giới “cò đất”, tôi đã giật mình trước nghìn lẻ một chiêu thức để nhà đầu tư xỉa tiền đầy háo hức, giật mình trước cách tạo sóng, tạo sốt giá ảo.
- 22-05-2018Sốt đất Quận 9 (Tp.HCM), môi giới “hét” loạn giá đất thổ cư
- 21-05-2018Quá nóng, giá đất nền thành phố Sầm Sơn “phi mã”
- 21-05-2018“Chóng mặt” với giá đất Tp.HCM 1 năm qua, tăng gấp nhiều lần là thật hay ảo?
KỲ 1: Các chiêu trò tạo “sốt” ảo
Thời đất trong cơn “điên giá”, bán được 1 nền đất dưới 2 tỉ đồng, “cò đất” hưởng hoa hồng 2%, trên 2 tỉ thì 1%. Trừ hết các chi phí cho công ty, “cò” được hưởng 20-30 triệu đồng/nền. Có “cò” siêu hạng, 1 tuần giao dịch thành công 10 nền, thu nhập bằng 2 năm lương viên chức. “Ham chết đi được!” Tôi quyết định khăn gói về quận 9 học nghề “cò đất” với hy vọng đổi đời…
1 tuần làm “cò” bằng cả năm làm công
Thật, cơn sốt đất khiến gã không có “duyên thổ” như tôi cũng ngày đêm nhấp nhổm, toét mắt xem diễn biến giá đất trên các trang web bất động sản. Không nôn nao sao được khi ngay cả gã thợ xây kế nhà tôi, giờ cũng suốt ngày đi săn nền. Năm 2016, hắn “hốt” được 1 nền giá tốt ở Khu dân cư Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TPHCM) do gia chủ ở tỉnh khác không nắm thị trường Sài Gòn, lại cần tiền cho con cái du học phải bán. Đầu năm 2018, hắn bán kiếm lời ngay 1 tỉ, bằng mấy chục năm đi làm thợ hồ.
Không “như lửa đốt” sao được, khi nhìn thấy bạn tôi, 15 năm làm viên chức ở Sài Gòn, tích cóp tằn tiện tới năm 2016 mới mua nổi căn chung cư. Cuối năm, hắn bảo vợ “hoặc ăn cả hoặc ngã về không”, rồi bán chung cư và gom góp vay mượn được hơn 1,5 tỉ, ra ở trọ, lấy tiền đi mua đất quận 9. Một tháng lăn lộn, hắn “lướt sóng “ được 2 mảnh nhỏ, kiếm lời 400 triệu. Với đà đó, gần như hắn chuyển nghề, suốt ngày rong ruổi tìm hiểu mọi ngóc ngách nghề “cạp đất”, đầu tư kiểu “ăn chắc mặc bền”, đi “săn” đất dân rồi bán. Ngoảnh đi ngoảnh lại, 2 năm, tài khoản hắn từ 1,5 tỉ, đã lên 6 tỉ.
Thực ra, hình thức kinh doanh bất động sản như bạn tôi, trong giới gọi là nhà đầu tư thứ cấp hàng F3, F4 kiêm “cò lẻ”, tức tự mua, bán lại vừa săn người có nhu cầu bán, mua để kết nối giao dịch, ăn hoa hồng. “Cò lẻ” kiêm nhà đầu tư nên sẽ “ăn dầy” hơn nhân viên môi giới bất động sản (gọi là “cò sàn”).
Nhưng “cò sàn” thời đất trong cơn “điên giá” cũng thu nhập ngất ngưởng. Thông thường, 1 nền đất giá dưới 2 tỉ đồng (diện tích nhỏ), “cò” lấy 2%, trên 2 tỉ đồng thì 1% (diện tích lớn, giao dịch chậm hơn). Nói chung, mua bán xong 1 nền, trừ hết các chi phí thì “cò đất” còn được 20-30 triệu đồng.
“2 ngày cuối tuần bán mạnh nhất. Bởi đa phần khách hiện nay là đầu tư thứ cấp F3, F4 đến F8, toàn dân công sở tranh thủ ngày nghỉ đi... kiếm thêm. Có tuần em bán được cả 10 nền, cũng được vài... trăm triệu! Còn tính trung bình các tháng thì khoảng 5-7 nền thôi...”. Lê Loan (môi giới bất động sản ở quận 9 - xin không nêu tên thật) khoe. Còn tôi thì cứ như “Từ Hải”. Thu nhập vậy bằng... mấy năm lương viên chức có thâm niên gần 20 năm của tôi rồi!
“Ham chết đi được!”. Vay mượn cùng với tiền tích cóp, tôi quyết về quận 9 với hy vọng kiếm được nền giá tốt, cần thì để ở, không thì “lướt”, tiện tìm nền để kiếm người mua, tức kiêm nghề “cò đất”.
Một dự án " ăn theo" Khu đô thị Đông Tăng Long quận 9 (TPHCM). Ảnh: N.N
Tuyệt chiêu lấy thông tin
Nhưng quả thật, muốn thành “cò đất” phải đủ nghìn lẻ một chiêu thức.
N.T.Hương (xin không nêu tên thật) là 1 môi giới bất động sản, văn phòng ở quận 1 nhưng chuyên giao dịch đất quận 9, thu nhập có tháng bằng 5 năm của tôi, không ngần ngại bật mí cách xác định đối tượng khách hàng: “Anh có biết, dân nơi nào thường mua nền để “lướt sóng” không? Ở sàn em, tới 80-90% người ở Hà Nội và Sài Gòn. Dân Sài Gòn tiền đa phần từ tích cóp hoặc vay ngân hàng nên kỹ hơn, sẵn sàng đội nắng cả ngày đi nhiều dự án so sánh giá. Dân ở Hà Nội thì phần nhiều xem… trên mạng và mua như mua rau ấy. Có chị cuối tuần bay ào vào, sáng ghé văn phòng em đặt cọc mua luôn nền trên... giấy để kịp chiều đi... du lịch miền Tây, không thèm hoặc không kịp xuống xem thực địa.”.
Hương bảo, khi khách để lại số điện thoại liên hệ trên mạng (các trang giao dịch như batdongsan.com, dothi.net vvvv hoặc fanpage của sàn giao dịch hoặc do cá nhân tự lập ra, “cò mạng” (chuyên giao dịch trên mạng xã hội hay web) xin địa chỉ email, hoặc xin kết nối zalo, facebook để gửi thông tin chi tiết dự án.
“Nếu kết nối được thì anh thoải mái lục tung “nhà” người ta lên, thu thập thông tin như địa chỉ, ngành nghề, cơ quan, nhà riêng, gia đình... để đánh giá khả năng tài chính. Nếu không, anh copy số điện thoại đó lên zalo, facebook để lấy dữ liệu đánh giá khả năng tài chính mà “chốt hạ”, hay giới thiệu thêm nơi khác khi khách gọi lại!” - Hương dặn dò.
Mà, dữ liệu khách hàng không chỉ để bán đất. Khi thấy tôi phát cáu bởi hàng chục cuộc điện thoại mời chào mua đất từ tít Nha Trang, Vũng Tàu, Sài Gòn cho tới Đà Lạt, dù chỉ thử đăng ký để lại số điện thoại và email trên fanpage 1 sàn ở Sài Gòn, Đặng Thanh - một “cò đất” cười lớn: “Mấy năm trước tụi em có quy định là sau 3 tháng mới được bán thông tin khách. Giờ sốt quá, anh em (cò đất) có phát bán luôn, cũng kiếm khá tiền đấy! ”.
Tôi bật ngửa, hóa ra chỉ cần tập hợp được khoảng10 hồ sơ khách hàng tiềm năng, “cò đất” có thể bán thông tin cho sale ngân hàng, bảo hiểm và kể cả sàn giao dịch bất động sản khác với giá từ 100-200.000 đồng/ khách tùy giá trị thông tin. Thời người người săn tìm đất, 1 ngày nhận vài chục cú điện thoại, “bèo” thì 1 “cò” cũng thu thập thông tin của 10-15 khách, thong thả bán cũng rủng rỉnh tiền.
Độc chiêu “chốt hạ”, tạo sốt ảo
Học được chút ít vốn liếng nghề, tôi xuống dự án Khu đô thị mới Đông Tăng Long (quận 9) ngó nghiêng 1 nền 160m2. Lập tức, 1 “cò đất” chạy ra: “Anh mua đầu tư hay ở?”. Nghe tôi muốn đầu tư, “cò” rối rít: “Dự án này đang rẻ hơn bên ngoài cả 5-7 giá ( 5-7 triệu/m2). 3 mặt lại giáp đường. Từ đây ra vòng xoay lên cao tốc Long Thành - TPHCM tới An Phú quận 2 chỉ 15 phút, đi quận 1 qua hầm chui Sài Gòn chỉ 30 phút…”.
Tuy nhiên, khi tôi “lật bài” rằng, miếng này là… của tôi, “cò đất” kia đổi giọng: “Thật, anh mua để ở thì tầm dăm ba năm nữa đường xá mới tạm ổn. Lúc đó hy vọng người mua ở về đây nhiều thì ở đỡ... hoang. Ngoài kia có mấy căn biệt thự để hoang cả chục năm nay rồi, phí thật! Giờ bán nhanh còn được vì còn sốt. Để lâu, e lúc vỡ bong bóng thì… À nói nhỏ anh nghe thôi, người ta đang xì xầm khả năng cuối năm nay sẽ vỡ giá đấy!’.
Nghe kể, “cò đất” P.T. Đào cười ha hả “Trình quá kém!”. Tôi trợn mắt: “Thì cậu ấy làm như vậy để đạt một trong kỹ năng của môi giới là làm thế nào để giao dịch được mà?”. Đào tủm tỉm phân tích: “Nếu môi giới câu trước khen hay, câu sau phủ luôn như vậy thì khách sẽ không tin và không bao giờ “chốt hạ” được, thậm chí có ác cảm. “Trình” cao hơn là phải giới thiệu nền khác ngay trong khu vực nhưng có vị trí thuận lợi hơn, hướng hợp tuổi hơn, đường rộng hơn..., rồi khuyên khách nên đổi sang miếng đó, giao miếng cũ lại cho “cò” bán giúp. Còn miếng mới, cũng chưa cần biết của ai và cần bán hay không, chỉ cần khách chốt rồi về mua lại dữ liệu thông tin chủ đất và gạ họ bán. Làm như vậy, không bị ghét, lại có thể ăn hoa hồng 2 miếng đất.
Đào còn chỉ tôi cách “chốt hạ” để “ ăn dày” hơn. Đó là chiêu “giá thu về”. Tức phải “nhìn mặt bắt hình dong”, thấy khách tạng người… nóng tính, muốn “lướt sóng” nhanh thì tiếng là môi giới nhưng thỏa thuận phải như… người mua, ép giá xuống để “chốt” giá thu về. Còn giá bán và giao dịch về sau với người mua sẽ do “cò đất” quyết định. Khi bán được, khách chỉ lên ký giấy tờ giao dịch với người mua và nhận số tiền trên từ sàn. Nếu đạt thỏa thuận này, “cò đất” sẽ tìm nhà đầu tư thứ cấp khác bán với mức giá tăng lên khoảng 2-3 giá ( 2-3 triệu/m2). Không phải bỏ tiền đầu tư đất, “ăn” không chỉ hoa hồng từ chủ đất mà còn phần chênh lệch, quả là lợi đôi đường!
Loay hoay mãi, tôi cũng tìm được 1 lô đất ở quận 9. Mới đặt cọc hôm trước, hôm sau lên trang web batdongsan.com thì thấy tin rao bán chính mảnh đất đó, chênh tới 3 giá (3 triệu/m2). Tức tốc bốc điện thoại hỏi cho ra nhẽ, tiếng đầu dây bên kia cười giả lả; “À, thì em rao giúp anh. Có khách mua thì em hỏi ý anh. Anh bán thì em cảm ơn và xin tí hoa hồng!”. “Thế tôi không bán thì sao?” “ Dạ thì em nói với khách là họ chậm chân rồi, có người khác “hốt” rồi!”. Tôi chỉ biết giơ 2 tay lên trời.
Chiêu đó, theo dân môi giới, kể cả không thành công cũng khiến vị khách hụt miếng đất sẽ “máu” hơn, tức dễ ra tiền nhanh hơn với các lô gần kề. Mặt khác, chiêu này cũng là cách tăng giá đất lên. “Mà mỗi sàn giao dịch cả trăm môi giới. Tầm 5 sàn có dự án gần nhau mà thống nhất “đánh chiến dịch” chiêu này khoảng 1 tuần trên các trang web bất động sản là thành giá mới ngay! Có nhiều trang web này cho khách đăng và... tự chịu trách nhiệm thông tin mà!”. N. Hùng- một môi giới bất động sản - “bật mí”. Nhưng thực tế cũng khó vì thời buổi cạnh tranh giá tốt, chốt nhanh nên không dễ gì các sàn đồng loạt theo chiêu này. Một sàn mà chơi đơn lẻ, không khéo “mất cả chì lẫn chài”, khách nhảy sang sàn giao dịch có nền liền kề giá tốt hơn.
(Còn tiếp)
Lao động