MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng cục Thuế: Sẽ không thể bỏ sót nguồn thu

Với những doanh nghiệp có nghi vấn chuyển giá, trốn thuế, Tổng cục Thuế khẳng định se tìm cách để truy thu và không bỏ sót nguồn thu.

Khẳng định việc quản lý thuế đối với các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài là lĩnh vực mới với cơ quan thuế, song ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính) khẳng định: Phải có biện pháp thu thuế đối với chủ đầu tư những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam khi thực hiện M&A.

Thời gian gần đây chúng ta nói rất nhiều chuyện trốn thuế và lách thuế của các DN, đặc biệt là DN FDI. Ông có thể phân biệt rõ hơn về các hình thức này?

Đây là hai phạm trù, phạm vi khác nhau, hai hành vi khác nhau mặc dù nó đều mang lại lợi ích giống nhau, là gây thiệt hại cho ngân sách Chính phủ.

Tuy nhiên, trốn thuế là hành vi bất hợp pháp, người nộp thuế không nộp thuế cho Nhà nước trong khi lẽ ra phỉa nộp theo đúng luật. Có nhiều trường hợp DN không kê khai đủ, hoặc kê thấp hơn, thì đó là hành vi ăn cắp trắng trợn tiền thuế của nhà nước.

Tránh thuế thì khác và có nhiều dạng. Đây không phải là hành vi bất hợp pháp mà là quyền của người nộp thuế, khi tận dụng kẽ hở để giảm thiểu số thuế phải nộp. Ví dụ nhà đầu tư nước ngoài thấy tại Việt Nam thuế là 10% trong khi ở Nhật Bản là 20% thì họ lựa chọn Việt Nam để đầu tư và giảm thiểu nghĩa vụ thuế.

Hoặc tận dụng cơ hội của các nước trên thế giới, có những thiên đường thuế bằng 0% thì nhiều DN lập ra công ty tại đây và đầu tư vào nhiều. Do đó, cần phải phải cảnh giác với những nước đến từ thiên đường thuế này, vì họ đã được ưu đãi thuế tại nước họ, ta lại cho họ ưu đãi thuế thì vô hình dung ta cho họ thuế, để mất nguồn.

Hình thức thứ ba là né thuế, tức là ban đầu tận dụng tối đa chính sách, sau đó người ta dừng đầu tư. Có những trường hợp nhà đầu tư tận dụng chính sách ưu đãi thuế để đầu tư, nhưng sau khi hưởng xong rồi thì lại "cuốn gói" và rút vốn đầu tư. Như vậy là hành vi đầu tư không chân chính.

Nếu nói như vậy thì nhìn vào trường hợp của Metro hay BigC, hai doanh nghiệp này khi đầu tư vào Việt Nam, họ được hưởng nhiều ưu đãi. Có trường hợp DN liên tục báo lỗ để không phải nộp thuế, và đến nay thì họ đang tính chuyện rời bỏ thị trường. Vậy đây có phải là hành vi né thuế?

Lâu nay thông tin chưa toàn diện. Những DN đến kinh doanh tại Việt Nam có hai phần, bản thân DN đó là thực thể pháp nhân đang hoạt động tại Việt Nam, phần thứ 2 là chủ sở hữu của nó là ai, tức là ông chủ thực sự.

Với những DN trên, nếu thực sự kinh doanh đang có lỗ, thì được chuyển lỗ về các năm sau. Nhưng vấn đề là DN đang lỗ mà chủ đầu tư vẫn bán được với khoản tiền lãi rất to, thì đặt ra vấn đề là ta có thu thuế không?

Một điểm nữa là những DN pháp nhân này đang có hoạt động tại Việt Nam, ngày hôm nay họ lỗ, nhưng tương lai có thể có lãi. Những DN mua lại các DN này, thay vì đầu tư mới hoàn toàn, họ mua lại DN đang thua lỗ nhưng có thương hiệu, thì trong lý thuyết có thuế đối với M&A. Trên thế giới vấn đề này là bình thường nhưng với ta thì là hết sức mới mẻ.

Do đó, tất cả hoạt động liên quan đến chuyển nhượng vốn trực tiếp và gián tiếp liên quan đến sở hữu trí tuệ, thương mại, nhãn hiệu và quyền kinh doanh, thì ví dụ với DN vừa nêu sẽ liên quan đến quyền kinh doanh, thì cơ quan thuế vẫn sẽ thu được thuế ngay cả khi nó có lỗ.

Các bạn yên tâm,chúng ta không thể bỏ sót nguồn thu. DN có lỗ như vậy, chúng tôi phải tìm cách, người ta có lỗ hôm nay, nhưng sau đó sẽ tìm cách thu ở lúc khác, đó là trách nhiệm chung.

Vậy trong thời gian tới cơ quan thuế sẽ tăng cường hoạt động này như thế nào?

Trước hết chúng tôi đặt ra vấn đề rà soát lại luật pháp, đánh giá và tổng kết thực tiễn, xem chính sách nào phù hợp, không phù hợp, từ đó đưa ra ưu đãi nào để lại, ưu đãi nào không cần thì loại bỏ.

Thứ hai, cần tăng cường phối hợp cơ quan Nhà nước, chứ không thể phó mặc mình cơ quan thuế, như chính quyền địa phương, quản lý thị trường, hải quan, quản lý giám sát đầu tư.

Thứ ba là đẩy mạnh công tác truyền thông, để mọi người dân hiểu trốn và tránh thuế là hành vi đáng lên án. Người dân có trách nhiệm khi mua hàng của DN trốn thuế, cũng như Nhà nước có nghĩa vụ kiểm soát, ngăn chặn hoạt động này.

Thứ tư, tăng cường năng lực cho các cơ quan thanh kiểm tra, phải có đủ năng lực, phẩm chất, đặc biệt là thanh kiểm tra và kiểm toán. Có giải pháp quản lý, cảnh báo từ xa để có căn cứ giám sát. Có công cụ về quản lý rủi ro, hóa đơn điện tử, kiểm tra chéo, cảnh báo dài hạn, khai thác cơ sở dữ liệu tập trung.

Đồng thời, tranh thủ lúc ta đang có ưu đãi thuế cao, họ chuyển giá vào thì ta tận dụng là thỏa thuận giá trước, đưa ra tỷ lệ thuế cao để tạo cơ sở nguồn thu cho tương lai.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên