Tổng thống bị lật đổ, chaebol bết bát, cùng nhìn lại năm 2016 hết sức tồi tệ và đáng quên đối với Hàn Quốc
Năm 2016 là tổ hợp của những vụ phá sản, bê bối chính trị và sự trì trệ của nền kinh tế. Tất cả phát đi những tín hiệu mạnh mẽ nhất rằng có lẽ đã đến lúc “hệ thống” từng giúp Hàn Quốc trở thành một cường quốc công nghiệp phải thay đổi.
- 09-12-2016Tổng thống Hàn Quốc tạm thời bị đình chỉ chức vụ
- 26-11-2016Chân dung "Donald Trump Hàn Quốc” - người muốn gặp Kim Jong Un và sẵn sàng "trảm" các chaebol
- 13-11-2016Hàn Quốc: "1 triệu người" biểu tình đòi tổng thống từ chức
2016 là một năm không mấy tốt đẹp, nếu không muốn nói là quá tệ đối với Hàn Quốc
Bắt đầu là vụ thử bom nhiệt hạch gây động đất của Triều Tiên và kết thúc năm là một “bữa tiệc đường phố” với khoảng 800.000 người đổ xuống đường phố thủ đô Seoul để “ăn mừng” việc luận tội Tổng thống Park Geun-hye. Ngay cả với một nước trải qua nhiều thăng trầm như Hàn Quốc thì 2016 vẫn là năm ghi dấu quá nhiều sự kiện.
Năm 2016 là tổ hợp của những vụ phá sản, bê bối chính trị và sự trì trệ của nền kinh tế. Tất cả phát đi những tín hiệu mạnh mẽ nhất rằng có lẽ đã đến lúc “hệ thống” từng giúp Hàn Quốc trở thành một cường quốc công nghiệp phải thay đổi.
Tổng thống bị lật đổ và bữa tiệc ăn mừng của công chúng
Trong vài tuần qua, hệ thống đó – liên minh gồm các chính trị gia và các gia tộc điều hành những tập đoàn chaebol lớn của nước này - đã trở thành tâm điểm của làn sóng giận dữ khi hàng trăm ngàn người biểu tình tụ tập mỗi tuần, yêu cầu Tổng thống Park Geun-hye từ chức.
“Châm ngòi” cho bê bối chính trị của bà Park là sự giận dữ của công chúng về mối quan hệ bị phát giác của bà với người bạn thân Park Choi Soon-sil cùng sự dính líu của những doanh nghiệp lớn nhất của Hàn Quốc. Cơ quan công tố Hàn Quốc đã tiến hành lục soát văn phòng của các tập đoàn lớn và yêu cầu được biết lý do tại sao các tập đoàn này lại quyên góp hàng chục triệu USD vào Quỹ phi lợi nhuận do bà Choi điều hành.
"Thật là nực cười khi mà tôi thấy mình như đang xem một bộ phim," Lee, 26 tuổi, một sinh viên đại học nói. Chàng trai là một trong những người biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội ngày 9/12 khi Quốc hội đã bỏ phiếu để buộc tội bà Park. "Tôi đang nghĩ đến việc tìm một công việc ở nước ngoài. Những người trẻ như tôi quá thất vọng đến nỗi phải nghĩ tới chuyện di cư."
Người dân Hàn Quốc cảm thấy bị phản bội không chỉ bởi mối quan hệ giữa Tổng thống và bà Choi mà còn bởi vì sự trì trệ của nền kinh tế và tình trạng ngày càng có nhiều người thất nghiệp, ông Kim Kwang-doo, một giáo sư kinh tế tại Đại học Sogang ở Seoul nhận định. “Toàn bộ vụ bê bối đã thực sự đánh động đến cảm xúc của tất cả mọi người," ông Kim nói. "Bao nhiêu năm dồn nén của sự tức giận cuối cùng cũng bùng nổ".
Chaebol hết thời
Trong ngắn hạn, bê bối chính trị tạo ra sự bất ổn và đó là điều không tốt chút nào cho nền kinh tế Hàn Quốc. Tuy nhiên, ngay cả trước khi bị các công tố viên cáo buộc có dính líu đến scandal của bà Park, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã phải đối mặt với những “cơn gió ngược” khiến 2016 là một năm rất đáng quên.
Ngay từ tháng Giêng, Hyundai Motor và Kia Motors Corp, 2 hãng xe lớn nhất Hàn Quốc, đã dự báo doanh số bán hàng năm 2016 sẽ tăng trưởng yếu nhất trong 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân được đưa ra là do lực cầu ở Trung Quốc giảm sút và đồng won tăng giá. Vài ngày sau đó, Bắc Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch khiến thế giới chấn động.
Thái độ hiếu chiến của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc – đã ảnh hưởng mạnh mẽ dến các doanh nghiệp Hàn Quốc trong những tháng sau đó. Sau vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc rút khỏi khu Công nghiệp Gaesong, nơi được xây dựng dọc biên giới vào năm 2004 để cải thiện quan hệ giữa hai quốc gia. Việc đóng cửa nhà máy ở Gaesong đã làm thiệt hại hơn 1 nghìn tỷ won (858 triệu USD) vốn đầu tư.
Hoạt động thương mại giảm sút ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Tăng trưởng xuất khẩu đã giảm 21 trên 23 tháng gần đây. Đến tháng Tám, hãng tàu lớn nhất Hàn Quốc, Hanjin Shipping Co., đã đệ đơn phá sản, khiến khối lượng hàng hóa khổng lồ trị giá khoảng 14 tỷ USD “mắc kẹt” trên biển. cạn khoảng 14 tỷ $ đô tiền hàng trên biển.
Tháng sau đó, công nhân tại Hyundai Motor đình công lần đầu tiên trong 12 năm. Tính đến giữa tháng 10, vụ đình công khiến Hyundai thiệt hại khoảng hơn 3.000 tỷ won.
Sau đó là đến lượt “gã khổng lồ bán lẻ” Lotte Group, khi Cơ quan công tố buộc tội Chủ tịch Shin Dong-bin và bốn thành viên khác của gia đình sáng lập về nhiều tội danh bao gồm cả việc trốn thuế và tham ô.
Cuối cùng là sự kiện đến từ tập đoàn lớn nhất. Sau nhiều tuần báo cáo về các vụ nổ pin, Samsung Electronics Co vào tháng Mười đã phải “ khai tử” chiếc smartphone Note 7 của mình với cái giá phải trả là hơn 5 tỷ USD.
“Thời trước, người ta cho rằng các chaebol thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ cũng tạo điều kiện tăng trưởng ", Chong Hoon Park, trưởng nhóm nghiên cứu tại Seoul của Ngân hàng Standard Chartered cho biết." Bây giờ thì sự tăng trưởng khá chậm, vì vậy họ không thể chịu được tham nhũng thêm chút nào nữa. "
Các nhà kinh tế dự đoán tổng sản phẩm quốc nội của Hàn Quốc sẽ tăng 2,7% trong năm nay. Như vậy lần đầu tiên kể từ chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Hàn Quốc tăng trưởng dưới 3,5% trong 5 năm liên tiếp.
"Một trong những thách thức lớn nhất là việc thu hẹp khoảng cách giữa kỳ vọng của nhân dân về sự thay đổi và thực tế của nền kinh tế mà chúng ta đang phải đối mặt", ông Kim tại ĐH Hansung nói. "Nền kinh tế Hàn Quốc ảm đạm trong khi môi trường toàn cầu có quá nhiều bất ổn. Đó là trở ngại lớn nhất ngăn cản Hàn Quốc thực hiện những cải cách có ý nghĩa."
Năm ngoái, nợ hộ gia đình đã lên đến 87% GDP, từ mức 74% của năm 2009. Tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ luôn ở mức cao, trung bình 9,3%, theo nhà kinh tế học của Bloomberg Intelligence Justin Jimenez.
Cha của bà Park, cố Tổng thống Park Chung-hee, chính là người đã nuôi dưỡng mối quan hệ giữa Chính phủ và các tập đoàn. Trong những năm 1970 và 1980, ông tạo nên “kỳ tích sông Hán” giúp nền kinh tế Hàn Quốc cất cánh.
Kể từ đó đến nay, nhiều gia đình đang điều hành các chaebol đã vượt thoát nhiều cơn bão.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990, Hàn Quốc đã phải chấp nhận một gói cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Sự sụp đổ kinh tế - có lúc đồng won đã giảm 50 phần trăm trong hai tháng – làm cho người dân Hàn Quốc phải tự xem xét sâu sắc và họ phần lớn đổ lỗi cho bản thân vì đã làm cho nền kinh tế để trở nên yếu ớt. Hàng triệu người Hàn Quốc quyên góp đồ trang sức của họ (trong đó có 226 tấn vàng) để giúp chính phủ trả nợ cho IMF.
Còn lần này, người Hàn Quốc đang chỉ tay về phía các nhà lãnh đạo và ông chủ của họ. Ngày 06 tháng 12, các nhà lập pháp triệu tập Chủ tịch của 9 chaebol vào quốc hội để thẩm vấn về vụ bê bối với bà Choi.
Thành viên đối lập tập trung sự chú ý vào Jay Y. Lee, người cháu 48 tuổi của gia đình sáng lập Tập đoàn Samsung. Ông Lee và các nhà lãnh đạo chaebol khác phủ nhận rằng họ đã tìm kiếm sự ủng hộ chính trị bằng việc quyên góp, nhưng sau 13 giờ, Lee hứa thay đổi. "Nếu có một liên minh giữa các công ty và chính phủ, tôi sẽ cắt đứt mọi quan hệ," ông nói. "Tôi nghĩ chúng tôi đã mất niềm tin từ các bạn."
Nhiều nhà phân tích cho rằng sự thay đổi đó sẽ đến rất chậm. Các gia đình kinh doanh kiểm soát đế chế của họ thông qua một mạng lưới sở hữu chéo phức tạp và công tác quản trị doanh nghiệp thì thiếu minh bạch.
Cân đo một chút thì có thể thấy tình hình của Hàn Quốc không phải là quá xấu. Nợ chính phủ chỉ ở mức 39% GDP, so với mức trung bình 117% của các nước thuộc nhóm G20, theo Jaejoong Woo, nhà kinh tế học Hàn Quốc cho Ngân hàng America Merrill Lynch nói. Điều đó tạo điều kiện để nước này kích thích tài chính.
Thị trường chứng khoán Hàn Quốc tăng trưởng 3% kể từ đầu năm đến nay, so với mức giảm 0,2% của chứng khoán Nhật Bản hay 2,1% của thị trường châu Âu.
Và có những dấu hiệu cho thấy tình hình đang được cải thiện.
Bốn lãnh đạo các tập đoàn cho biết họ sẽ rút khỏi Hiệp Hội Các ngành Công nghiệp Hàn Quốc, tổ chức vận động hành lang mà các nhà lập pháp cho rằng đã gây áp lực buộc các tập đoàn quyên góp cho quỹ của Bà Choi.
"Hiệp hội các ngành Công nghiệp Hàn Quốc là sợi chỉ nối giữa chính phủ và các tập đoàn - một con đường cho chính phủ truyền tải các chính sách của mình," Ông Kim tại ĐH Hansung nói. "Đối với người đứng đầu của tập đoàn để nói rằng họ sẽ rút từ bỏ tham gia là bước đầu tiên để thực sự thay đổi”.