MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM kiến nghị Chính phủ giảm thuế VAT xuống 5% cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19

Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ doanh nghiệp tìm giải pháp hỗ trợ trước tác động của dịch bệnh.

Lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ doanh nghiệp tìm giải pháp hỗ trợ trước tác động của dịch bệnh.

Đặc biệt đối với doanh nghiệp ngành du lịch, kiến nghị kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất, xem xét tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm 2021...

Các nhóm giải pháp được đưa ra tại hội nghị trực tuyến gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với chủ đề TP.HCM đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện "mục tiêu kép", sáng nay (10/6).

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, ngay từ đầu năm, TP đã chủ động đẩy nhanh các giải pháp thực hiện chủ đề năm 2021 "Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư", với mục tiêu tổng quan là tiếp tục thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe toàn dân vừa phục hồi và phát triển kinh tế.

Để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng này, TP đã đề ra nhiều kế hoạch và đề án để phát triển thành phố, nổi bật là Đề án xây dựng đô thị thông minh, xây dựng Trung tâm tài chính, xây dựng và phát triển TP. Thủ Đức. Những đề án này hướng đến mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, ngay khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ ngày 27/4, tại TP xuất hiện các chùm ca lây nhiễm với tổng số 461 trường hợp mắc bệnh, trong đó nghiêm trọng nhất là chùm ca nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, với tổng cộng 404 trường hợp dương tính liên quan đến ổ dịch này.

Dù không mong muốn, nhưng TP đã phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn thành phố và theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Quận 12 từ 00 giờ ngày 31/5/2021.

Theo Chủ tịch UBND TP với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung lòng của người dân, đến nay, TP cơ bản đã kiểm soát được đợt lây nhiễm thứ 4; nhưng với tình hình dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế thành phố nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng đã bị ảnh hưởng rất nặng nề.

3 nhóm giải pháp trọng tâm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp

Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp, trong thời gian tới, TP.HCM xác định tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện "Mục tiêu kép" bằng 3 nhóm giải pháp trọng tâm.

Trước hết, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương.

Thứ hai, triển khai chính sách hỗ trợ của TP về tài chính và phi tài chính. Trong đó, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất, thực hiện các quy định phòng chống dịch; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử và tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu; triển khai có hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường; xây dựng định mức hỗ trợ từng loại dự án, hạng mục, công trình đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP; đẩy mạnh tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước, tìm kiếm các thị trường mới thay thế cho các thị trường truyền thống lâu nay.

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, tổ chức, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Sở Kế hoạch Đầu tư TP đề xuất hỗ trợ hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, nghỉ việc không lương trong thời hạn hợp đồng từ 30 ngày liên tục trở lên; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động /hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc cho người lao động; hỗ trợ người lao động tự do bị mất việc làm; hỗ trợ chi phí tiêm vắc xin; hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch và chi phí tham gia các hội chợ, triển lãm; hỗ trợ trực tiếp đối với các thương nhân kinh doanh tại các chợ truyền thống trên địa bàn.

Thứ ba, kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, điều chỉnh mức hỗ trợ lên 100% kinh phí khi doanh nghiệp tham gia thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại trong nước; điều chỉnh mức hỗ trợ tối đa 100% đối với các chương trình về xúc tiến thương mại điện tử từ ngân sách nhà nước khi doanh nghiệp tham gia.

TP cũng đề xuất Chính phủ xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021; kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất đối với doanh nghiệp du lịch trong năm 2021; xem xét tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm 2021; cho phép doanh nghiệp lữ hành giảm 80% số tiền ký quỹ trong thời gian 2 năm để giúp tạo dòng tiền hoạt động; xem xét kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 80% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm tự nguyện.

Đồng thời, kiến nghị điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng giá điện sản xuất trong năm 2021 và những năm tiếp theo; triển khai, đưa hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch quốc gia đi vào thực tế.

Theo Huyền Trâm

Theo BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên