MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TQ chơi quân bài "bầu cử Mỹ", liệu TT Trump sẽ đánh đòn "cận hủy diệt" trong thương chiến?

07-09-2019 - 16:44 PM | Tài chính quốc tế

Việc Tổng thống Trump kích hoạt Đạo luật Quyền hạn kinh tế quốc tế khẩn cấp (IEEPA) có thể dẫn đến rủi ro quan hệ Mỹ-Trung rơi vào tình trạng mất kiểm soát.

Trung Quốc dùng quân bài bầu cử

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tiếp tăng quy mô và mức độ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc và liệt nước này vào danh sách thao túng tiền tệ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chính thức lan sang lĩnh vực tài chính. Trong khi đó, theo tờ Tin tức Thế giới, Bắc Kinh cho thấy rõ thái độ không phối hợp với bố trí liên nhiệm của ông Trump.

Sau khi dự thảo thỏa thuận thương mại đổ vỡ vào tháng 5, đồng Nhân dân tệ liên tiếp phá giá để loại bỏ ảnh hưởng từ biện pháp thuế quan của Mỹ, củng cố nền tảng kéo dài đàm phán phục vụ chiến lược "trường kỳ kháng chiến" của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng ra đòn trả đũa nhằm thẳng vào các bang nông nghiệp then chốt vốn được coi là kho phiếu của ông Trump.

Báo trên cho rằng tín hiệu mà Bắc Kinh phát đi là mong muốn ông Trump thất bại trong tranh cử liên nhiệm. Cho nên, có người nói Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện nay không phải can dự vào chiến tranh thương mại với Mỹ mà là chơi quân bài bầu cử với ông Trump.

Nguyên nhân là do Bắc Kinh dần nhận ra mục tiêu tiến hành chiến tranh thương mại của ông Trump không phải nhằm tìm kiếm sự cân bằng về thương mại với Trung Quốc, mà muốn sử dụng quân bài Trung Quốc để giành thêm lá phiếu cử tri nhằm liên nhiệm thành công. Vì ông Trump bị hạn chế bởi vấn đề nhiệm kỳ, trong khi ngày 11/3/2018, Quốc hội Trung Quốc đã thông qua việc gỡ bỏ các giới hạn về nhiệm kỳ của chủ tịch nước, cho nên, Trung Quốc đã chuyển sang chiến thuật đấu tranh lâu dài với Mỹ.

Trong một bản ghi chú sau cuộc họp với khách hàng châu Á hôm 7/8/2019, ông Naka Matsuzawa, trưởng nhóm chiến lược gia của Công ty Tài chính Nomura tại Tokyo (Nhật Bản), cho biết nhiều nhà đầu tư bày tỏ quan điểm rằng, Trung Quốc đã sẵn sàng chấp nhận suy thoái kinh tế (kèm theo đó là suy thoái kinh tế toàn cầu) để ngăn chặn ông Trump tái đắc cử. Trước đó, theo Reuters, trong một cuộc họp tại Phòng Bầu dục vào ngày 26/7/2019, ông Trump nói Bắc Kinh đang sử dụng chiến thuật trì hoãn với hy vọng ứng cử viên của đảng Dân chủ sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2020.

Tiền lệ lịch sử - Tín hiệu tốt cho ông Trump

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không ngừng leo thang, đường cong lãi suất của Mỹ đảo ngược lần đầu tiên kể từ khủng hoảng năm 2008, không chỉ cho thấy lãi suất trái phiếu ngắn hạn cao hơn lãi suất trái phiếu dài hạn, mà còn trở thành chỉ báo về khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Kinh tế Mỹ suy thoái không có lợi cho tổng thống liên nhiệm, đó dường như là thực tế không cần tranh cãi. Nhưng cho dù suy thoái thực sự xảy ra, điều đó không có nghĩa ông Trump hoàn toàn tuyệt vọng.

Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, nước Mỹ chỉ có 2 vị tổng thống theo đuổi liên nhiệm trong năm suy thoái kinh tế là Harry Truman và Jimmy Carter. Kết quả là ông Truman thành công ở lại Nhà Trắng thêm 4 năm còn ông Carter phải ngậm ngùi rời Nhà Trắng.

Ông Truman lên làm tổng thống Mỹ vào năm 1945 sau khi Franklin Roosevelt qua đời. Ba năm sau, Mỹ diễn ra tổng tuyển cử và đối thủ chính của ông Truman là Thống đốc bang New York Thomas E. Dewey. Kết quả, ông Truman không những thắng đối thủ với số phiếu áp đảo mà đảng Dân chủ còn giành quyền kiểm soát cả lưỡng viện trong Quốc hội.

Kỳ tích mà ông Truman lập được có thể giải thích bằng câu chuyện suy thoái kinh tế Mỹ. Số liệu của Viện Nghiên cứu kinh tế Mỹ cho hay tháng 11/1948, Mỹ bắt đầu bước vào suy thoái. Đây cũng là tháng diễn ra tổng tuyển cử, có nghĩa khi bỏ phiếu, cử tri vẫn chưa cảm nhận được tác động của kinh tế suy thoái, thậm chí nhiều người chưa biết kinh tế đã rơi vào tình trạng suy thoái.

Ngược lại, ông Carter không có được sự may mắn đó. Từ tháng 1-7/1980, kinh tế Mỹ trong tình trạng suy thoái, cộng thêm nỗi sợ hãi của người dân Mỹ về cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1979 vẫn chưa tan. Tất cả tạo ra khoảng thời gian đủ để đối thủ Ronald Reagan ra đòn chí mạng nhằm vào các thành tích kinh tế kém cỏi dưới thời Carter làm tan vỡ giấc mơ ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ của ông Carter.

Tình cảnh trái ngược của hai cựu tổng thống Mỹ rõ ràng là một tin tốt lành đối với ông Trump. Kinh tế Mỹ hiện vẫn tăng trưởng ở mức 2,1%. Tổng hợp các dự đoán của thị trường thì tạm thời không quá lo lắng về khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Nếu xảy ra suy thoái, nguy cơ cao nhất là vào nửa cuối năm 2020.

Điều đó có nghĩa ông Trump vẫn có thể làm một số việc như đưa ra một số biện pháp giảm thuế tạm thời, gây sức ép để Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất… nhằm ngăn chặn đà suy giảm kinh tế do tác động của chiến tranh thương mại. Nếu thành công, ông Trump có thể lặp lại tiền lệ của ông Truman.

Cú đánh "cận hủy diệt" của ông Trump

Ông Trump đã tuyên bố nâng mức thuế đối với gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ hằng năm và ra lệnh cho doanh nghiệp Mỹ rời Trung Quốc. Căn cứ pháp luật của mệnh lệnh này là Đạo luật Quyền hạn kinh tế quốc tế khẩn cấp (IEEPA), cho phép tổng thống Mỹ có quyền hạn rất lớn, bao gồm tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và tiến hành giám sát quản lý đối với thương mại quốc tế.

Tính tới ngày 1/3/2019, các đời tổng thống Mỹ đã sử dụng IEEPA 54 lần, trong đó 29 lần vẫn đang thực hiện để đối phó với Triều Tiên, Iran, Nga, Venezuela… Điều này cho thấy ông Trump hoàn toàn có thể sử dụng IEEPA để buộc Trung Quốc phải xuống thang, thậm chí là đối mặt với nguy cơ đổ vỡ.

Nguyên nhân là do với IEEPA, ông Trump có thể ngăn chặn doanh nghiệp Mỹ giao dịch tài chính với đối tác Trung Quốc hoặc làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc bằng phương thức khác. Thậm chí, ông Trump có thể áp thuế đối với cổ phiếu, trái phiếu và các tài sản tài chính khác mà Trung Quốc nắm giữ hoặc mua của Mỹ.

Quan trọng hơn, theo tờ Tin tức Thế giới, nếu ông Trump kích hoạt IEEPA, tịch thu tài sản tại Mỹ của doanh nghiệp và quan chức Trung Quốc, ngăn chặn dòng chảy của đồng USD vào các cơ cấu tài chính Trung Quốc, kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là lợi ích của giới tinh anh nước này sẽ bị tổn hại không khác đòn đánh mang tính hủy diệt là mấy. Thậm chí, đòn tấn công thượng thặng này có thể dẫn tới sự rối loạn trong nội bộ và mất ổn định ở Trung Quốc. Hiệu quả của nó rõ ràng lớn hơn nhiều so với tác động từ biện pháp thuế quan.

Dù ông Trump có quyền kích hoạt IEEPA đối với Trung Quốc, nhưng vấn đề ở chỗ đạo luật này chủ yếu nhằm vào các các quyền không thân thiện, phần tử khủng bố và buôn ma túy. Cho nên, nếu kích hoạt IEEPA đối với Trung Quốc, căng thẳng giữa hai nước sẽ nâng lên tầng nấc mới, rủi ro quan hệ Mỹ-Trung bị đẩy vào tình trạng mất kiểm soát tăng mạnh. Vì vậy, đây có phải là quyết định sáng suốt hay không vẫn bị hoài nghi và cần phải xem xét sự qua lại giữa Washington và Bắc Kinh sau này sẽ diễn biến thế nào.

Theo Gia Hân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên