MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trải nghiệm khi còn trẻ là nền tảng cho thành công ở tương lai: Câu chuyện tuổi 20 của những người giàu có nhất thế giới

14-04-2017 - 07:02 AM | Sống

Hầu hết mọi người đạt được những thành tựu lớn của cuộc đời vào những năm 30, 40 tuổi, hoặc lâu hơn nữa. Không ai có thể thành đạt chỉ sau một đêm. Mọi thành quả đều đến từ quá trình nỗ lực lâu dài và không ngừng nghỉ. Hãy xem những người thành công nhất thế giới làm gì khi họ 20 tuổi để xây nền móng đầu tiên cho cuộc đời.

Steve Jobs lựa chọn từ bỏ trường đại học để theo đuổi đam mê

Rõ ràng, học hành là con đường dẫn đến thành công an toàn hơn. Nhưng đối với một số doanh nhân trẻ, trường đại học là điều không cần thiết. Steve Jobs nổi tiếng từng bỏ dở chương trình học tại trường Reed College và bắt đầu khởi nghiệp với Apple Computers cùng Steve Wozniak trong một chiếc nhà để xe khi ông mới 20 tuổi.

Tại buổi khai giảng cho sinh viên năm cuối ở trường Stanford năm 2005, Steve Jobs giải thích: "Sau 6 tháng học đại học, tôi không thể nhìn thấy giá trị của việc tiếp tục đến trường. Để có thể học đại học, tôi đã dùng toàn bộ số tiền mà cha mẹ đã dành dụm cả đời. Nhưng tôi không biết mình muốn gì và trường đại học sẽ giúp tôi hiểu nó như thế nào. Vì thế, tôi quyết định từ bỏ và tin tưởng rằng: Tất cả sẽ thành công. Thời điểm đó khá đáng sợ, nhưng nhìn lại, tôi cho rằng đó là quyết định tốt nhất mình từng làm. Khi bỏ học, tôi có thể dành thời gian ngồi nghe những môn học bắt buộc chán ngắt để tìm hiểu những điều tôi quan tâm".

20 tuổi, Warren Buffett đã là nhà đầu tư tài ba

Sau khi tốt nghiệp đại học, Buffett đã bắt đầu làm việc cho công ty môi giới của cha mình. Khi 21 tuổi, tổng tài sản của ông đã lên tới 20.000 USD, theo báo cáo của Dividend.com.

Đến 24 tuổi, nhờ “sư phụ” Benjamin Graham giới thiệu, Buffett đã kiếm được một công việc với mức lương hàng năm 12.000 USD. Theo thống kê, đây là con số cao hơn gấp nhiều lần so với thu nhập hàng năm của một gia đình tại Mỹ vào năm 1954. Đến 26 tuổi, Buffett đã có trong tay 140.000 USD.

"Tôi sẽ chỉ cho bạn cách để trở nên giàu có. Hãy đóng cửa lại. Hãy biết sợ hãi những thứ người khác tham lam và tham lam những điều người ta thường sợ hãi", đó là phương châm làm việc xuyên suốt cuộc đời của "ông hoàng chứng khoán".

Howard Schultz - CEO của Starbuck đã cống hiến tuổi trẻ cho nghề bán hàng

Nghề bán hàng sẽ dạy bạn rất nhiều điều để thành công trong tương lai. Khi còn trẻ, hãy làm nghề sale để biết cách tạo ấn tượng tốt từ phút đầu tiên, cách thuyết phục người khác, cách từ chối và rất nhiều thứ khác.

Giám đốc điều hành Howard Schultz của Starbuck đã bắt đầu làm nhân viên bán hàng máy pha cà phê tại công ty Xerox ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Lăn lộn 7 năm trong nghề bán hàng, ông đã giành được vị trí phó Giám đốc phụ trách kinh doanh. Nhưng dù vậy, chưa bao giờ Schultz cảm thấy đủ, ông luôn băn khoăn với câu hỏi cuộc đời: “Tôi luôn tự hỏi mình sẽ làm gì tiếp theo”.

Trong cuốn sách Pour Your Heart Into It, Schultz viết: "Những cuộc gọi lạnh lùng của khách hàng là một người thầy tuyệt vời trong kinh doanh. Nó dạy tôi cách suy nghĩ và bật ra nhiều ý tưởng mới để "chai mặt" hơn nhưng bán được nhiều hàng hơn. Sau nhiều năm, tôi vẫn say mê công việc và luôn hài hước, phiêu lưu trong nghề nghiệp này. Tôi cố gắng để trở thành người giỏi nhất, được khách hàng chú ý nhất và có thể cung cấp cho khách hàng nhiều lợi ích nhất. Tôi muốn giành chiến thắng!"

Chủ tịch điều hành Google Eric Schmidt tìm đam mê trong học tập

Nhiều người thành công không hoàn thành việc học đại học, nhưng chắc chắn đại học là con đường phổ biến và an toàn để có được thành công. Cựu giám đốc điều hành và Chủ tịch điều của Google Eric Schmidt là một trong những người giàu có nhất thế giới và cũng nhiều bằng cấp nhất. Schmidt đã dành cả tuổi trẻ của mình ở trường đại học để nghiên cứu. Ông từng học tại nhiều trường nổi tiếng như Đại học Princeton, trường quốc tế Berkeley và sở hữu nhiều bằng cấp như bằng Tiến sĩ kỹ thuật máy tính, bằng M.S về thiết kế và điều khiển mạng lưới máy tính...

Eric Schmidt chia sẻ rằng, một phần cảm hứng cuộc sống của ông đến từ trường đại học: "Ngày đó, tôi cũng như các bạn... Trường đại học là một thế giới mới, trong phòng thí nghiệm, ở ký túc xá và các buổi hội thảo. Không gian trường học khiến tôi phải suy nghĩ, phải mơ ước". Say mê nghiên cứu ở trường đại học là nền tảng để ông trở thành một người thành công với tập đoàn công nghệ lớn bậc nhất thế giới.

Richard Branson sẵn sàng làm việc 24/7 khi còn 20

Người sáng lập tập đoàn Virgin đã khởi nghiệp với một hãng băng đĩa khi 20 tuổi. Sau đó là một phòng thu năm 22 tuổi và thương hiệu riêng năm 23 tuổi. Năm 30 tuổi, công ty của ông nổi danh toàn cầu.

Richard từng chia sẻ: "Những năm đầu điều hành doanh nghiệp nhỏ với tôi vô cùng khó khăn, khó khăn hơn cả điều hành tập đoàn 400 công ty. Bắt đầu từ số 0, làm việc cật lực 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày trong tuần, đã có lúc tôi dường như phải ly dị vợ. Tất cả với tôi là một cuộc chiến sống còn, là làm việc trong tâm thế “đổ mồ hôi, sôi nước mắt".

Ít ai có thành tựu to lớn khi còn trẻ, nhưng chính sự liều lĩnh, khát khao tìm kiếm thành công và sự nỗ lực của tuổi trẻ là nền tảng cho những tỷ phú gây dựng thành công. Câu chuyện tuổi trẻ của những người thành công nhất thế giới là cảm hứng cho những ai cũng khao khát thành công và đang nỗ lực dành tuổi trẻ của mình cho những điều có ý nghĩa nhất.

Thu Hoài

Lifehack

Trở lên trên