Trái với năm 2018 đen tối, chứng khoán Trung Quốc bật tăng hơn 30% từ đầu năm đến nay
Các số liệu kinh tế khả quan cùng khả năng về việc Mỹ và Trung Quốc sẽ đi đến một thoả thuận thương mại là những yếu tố thúc đẩy tâm lý của các nhà đầu tư.
- 16-04-2019Quốc gia Đông Nam Á này vừa trở thành thị trường chứng khoán tệ nhất thế giới
- 11-04-2019Đây là cách giới đầu tư chứng khoán Trung Quốc 'ăn theo' ảnh chụp hố đen vũ trụ đầu tiên
- 11-04-2019Vượt Nhật Bản, Hồng Kông thành thị trường chứng khoán lớn thứ ba thế giới
Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục trên đà tăng mạnh trong năm nay, trong bối cảnh các nhà đầu tư có tâm lý lạc quan về một thoả thuận thương mại Mỹ - Trung và kỳ vọng rằng nền kinh tế có thể đã lao dốc xuống mức đáy sẽ hồi phục mạnh mẽ.
Kế thúc phiên giao dịch hôm thứ Ba, chỉ số Shanghai Composite chứng kiến mức tăng tới hơn 30% kể từ đầu năm nay. Ngoài ra, chỉ số Shenzhen Component cũng ghi nhận đà tăng mạnh mẽ, hơn 40% trong cùng kỳ. Chỉ số CSI 300, theo dõi các công ty niêm yết lớn nhất trên đại lục, tăng vọt 35%. Trong khi đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones chỉ tăng hơn 12% và S&P 500 là 15%.
Năm ngoái, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã chứng kiến diễn biến tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ, với chỉ số Shanghai Composite giảm khoảng 24,6% so với năm trước ở thời điểm kết thúc năm 2018.
Hôm thứ Tư, Bắc Kinh đã công bố về số liệu tăng trưởng kinh tế có kết quả khả quan hơn dự kiến cho quý đầu tiên của năm 2019. Đây được cho là động lực để thúc đẩy tâm lý lạc quan của thị trường. Số liệu GDP được công bố mới đây nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đạt mức tăng trưởng của quý I/2019 là 6,4% so với cùng kỳ trong 3 tháng đầu năm nay, vượt mức dự đoán của các nhà phân tích là 6,3%.
Một loạt những số liệu được công bố gần đây cũng thể hiện những tín hiệu khả quan đối với kinh tế Trung Quốc, một phần nhờ vào các biện pháp kích thích kinh tế của Bắc Kinh. Hồi tháng 3, Trung Quốc cho biết số liệu xuất khẩu cũng vượt mức ước tính ban đầu và hoạt động sản xuất cũng bất ngờ tăng trưởng.
Trong khi đó, dường như Bắc Kinh đang dần kiến đến một thoả thuận thương mại với Washington, sau một thời gian dài hai nước áp dụng một loạt các khoản thuế quan trừng phạt lên hàg trăm tỷ hàng hoá của nhau hồi năm ngoái.
Các nhà đàm phán Trung Quốc cũng đã đưa ra những đề nghị chưa từng có về vấn đề chuyển giao công nghệ bắt buộc, theo Reuters đưa tin vào tháng trước. Tuy nhiên, hôm thứ Hai, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin cho biết trước mắt hai bên vẫn còn rất nhiều việc cần giải quyết. Theo đó, các nhà đầu tư ngày càng lạc quan và mong đợi về một thoả thuận có thể giải quyết những bế tắc giữa hai cường quốc kinh tế và chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài.
Về tương lai, một chiến lược gia cho biết các con số về kinh tế và tâm lý của các doanh nghiệp cần phải được cải thiện trong 6 tháng tới. Tai Hui, chiến lược gia trưởng tại J.P. Morgan Asset Management khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết: "Chúng tôi bắt đầu nhận thấy các nhà đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ ở Trung Quốc có sự lạc quan hơn đôi chút, nhưng họ vẫn đang ở trong "guồng quay" thoái vốn sau một năm 2018 thực sự đen tối. Vì vậy, hiện tại nguồn vốn của họ vẫn chưa được đưa vào thị trường."
Ông nói thêm: "Tôi nghĩ các số liệu, về cả kinh tế và khu vực doanh nghiệp, sẽ khá quan trọng để thuyết phục các nhà đầu tư Trung Quốc quay trở lại với thị trường. Và đó cũng có thể là vấn đề chính đối với quý II và quý III/2019 đối với thị trường chứng khoán Trung Quốc."