“Trảm” nhà thầu yếu kém trong thi công cao tốc Bắc - Nam
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định xử lý nghiêm các nhà thầu yếu kém theo quy định của hợp đồng.
- 25-08-2022Đường sắt cao tốc Bắc-Nam công nghệ giống tàu Shinkanshen có gì đặc biệt?
- 16-08-202217 năm lận đận của dự án Đường sắt cao tốc Bắc - Nam
- 14-08-2022Trình Bộ Chính trị xem xét chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam
- 06-05-2020Vốn tín dụng cho cao tốc Bắc - Nam: Khó khăn và... rất khó khăn
- 03-10-2019Ngân hàng sẽ cố gắng vốn cho dự án cao tốc Bắc Nam trong khả năng, đảm bảo an toàn
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định xử lý nghiêm các nhà thầu yếu kém theo quy định của hợp đồng.
Ngày 23/8, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) ra Thông báo số 340 về kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Theo đó, đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Giám đốc các Ban Quản lý dự án phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết vướng mắc về nguồn vật liệu đắp, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, không gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Đối với các dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Bộ trưởng nhấn mạnh đây là 4 dự án bắt buộc phải cơ bản hoàn thành trong năm 2022 theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng yêu cầu Giám đốc các Ban Quản lý dự án 7, Thăng Long, đường Hồ Chí Minh chỉ đạo nhà thầu tăng cường máy móc, nhân lực, các mũi thi công để về đích đúng hạn.
Công trường đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu thuộc cao tốc Bắc Nam
Đối với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm việc với các địa phương để giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng và nguồn cát còn thiếu trong tháng 8.
Giải quyết vấn đề vật liệu, giá
Đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2, Bộ trưởng yêu cầu Giám đốc các Ban quản lý dự án khẩn trương làm việc với các địa phương liên quan để khảo sát, điều tra vị trí, trữ lượng, chất lượng các mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải bảo đảm đáp ứng yêu cầu của Dự án. Nếu để xảy ra tình trạng thiếu vật liệu (đất, cát) như giai đoạn 1, Giám đốc các Ban quản lý phải chịu trách nhiệm.
Các ban quản lý dự án thực hiện khảo sát bảo đảm yêu cầu thiết kế, tổ chức lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán... bám sát mốc tiến độ được Cục Quản lý xây dựng (Bộ GTVT) thống nhất. Trong đó, lưu ý một số dự án thành phần có khối lượng thực hiện khảo sát địa chất chưa đạt 50%.
Liên quan đến nguồn vật liệu xây dựng, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ sửa Nghị quyết 18 của Chính phủ về triển khai thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.
Theo đó, UBND tỉnh có trách nhiệm “công bố giá các loại vật liệu xây dựng thông thường theo thẩm quyền và quy định pháp luật. Kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng thông thường”.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 gồm 11 dự án thành phần, với chiều dài 654 km. Trong đó 8 dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách và 3 dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong 8 dự án đầu tư công, dự án Cao Bồ - Mai Sơn (Ninh Bình) hoàn thành.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, dài 729 km, chia thành 12 dự án thành phần trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau. Tất cả dự án trong giai đoạn 2 đều thực hiện đầu tư công.
BizLive