MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trần Phương Bình: Con đường từ "sếp lớn" đến chiếm đoạt cả ngàn tỷ của Ngân hàng Đông Á

27-11-2018 - 13:47 PM | Tài chính - ngân hàng

Thực trạng Ngân hàng Đông Á tại thời điểm ngày 31/12/2015 là lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.

Sáng 27/11, TAND Tp.HCM đưa Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm), Trần Phương Bình (Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á - DAB) và 22 bị cáo khác ra xét xử liên quan đến vụ án gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á hơn 3.600 tỷ đồng.

Cuối năm 2015, DAB lỗ luỹ kế hơn 31.000 tỷ

Ghi nhận tại cáo trạng, sau khi tiếp nhận hồ sơ từ Công an Tp.HCM, ngày 9/12/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố các bị can để điều tra. 

Xác định ông Trần Phương Bình với vai trò là Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng (HĐTD) DAB, là đối tượng chính đã tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại DAB, qua đó Bình đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho DAB hơn 3.405 tỷ đồng, bao gồm 1.160 tỷ đồng trong việc mua hơn 74.000 cổ phần DAB; 437 tỷ đồng và 650 lượng vàng chi lãi ngoài; hơn 24 triệu USD và hơn 15.000 lượng vàng trong kinh doanh ngoại hối và kinh doanh vàng tài khoản trái phép...

Các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng nêu trên là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DAB tại thời điểm ngày 31/12/2015: Lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng. 

Trần Phương Bình chiếm đoạt hơn 2.057 tỷ của DAB như thế nào?

Theo cáo trạng, thứ nhất, liên quan hành vi lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt của DAB hơn 2.057 tỷ đồng của Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) và Phạm Văn Phước.

Từ năm 2007-2014, để có tiền mua cổ phần DAB, ông Bình chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Xuyến và các bị can thực hiện 9 hành vi phạm tội trong việc lập phiếu thu tiền khống đứng tên Trần Phương Bình và người thân mua cổ phần DAB. Để bù đắp số tiền thu khống, ông Bình chỉ đạo bà Xuyến và các bị can thực hiện các hành vi trái pháp luật bằng cách: xuất quỹ bán vàng, lập hồ sơ cho vay khống để tất toán tiền mua cổ phần.

Ngoài ra, từ năm 2013, Ông Bình còn bắt tay Vũ Nhôm chiếm đoạt gần 490 tỷ DAB bao gồm cho Vũ Nhôm mua 60 triệu cổ phần DAB trong đợt tăng vốn và cho Nhôm hơn 13 triệu USD.

Trần Phương Bình: Con đường từ sếp lớn đến chiếm đoạt cả ngàn tỷ của Ngân hàng Đông Á - Ảnh 1.

Bị cáo Trần Phương Bình.

Năm 2007, chiếm đoạt 374,5 tỷ thông qua mua 5 triệu cổ phần DAB, hiện vẫn đang sở hữu

Theo cáo trạng, từ cuối năm 2007, ông Bình chỉ đạo Nguyễn Đức Vinh xuất quỹ chi 23.252 lượng vàng (không lập chứng từ) và phối hợp với Phòng Kinh doanh DAB bán cho các hiệu vàng bù âm quỹ 374,5 tỷ đồng nêu trên. Đến nay, ông Bình vẫn đang sở hữu số cổ phần này.

Tại Cơ quan điều tra, ông Bình thừa nhận chỉ đạo Vinh lập phiếu thu tiền khống đứng tên Bình và người thân để sở hữu cổ phần DAB, xuất quỹ DAB bán vàng, lập hồ sơ cho vay khống để tất toán tiền mua cổ phần. Đồng thời ông Bình cũng xác định ông Vinh không được hưởng lợi, không được ăn chia từ hành vi chiếm đoạt của Bình.

Năm 2008, chiếm đoạt 234 tỷ thông qua mua gần 6 triệu cổ phần DAB từ Lộc Việt

Sang năm 2008, ông Bình mua lại 5,75 triệu cổ phần DAB của Công ty quỹ Lộc Việt với giá gần 328 tỷ đồng. Để có tiền mua cổ phần, Bình chỉ đạo thu khống hơn 30 tỷ đồng của Nguyễn Hồng Ánh, sử dụng 121 tỷ đồng tiền bán Chung cư cao cấp khối D thuộc Dự án Richland Hill, cho Công ty TNHH Ninh Thịnh (Công ty Ninh Thịnh) và Công ty TNHH thực phẩm thương mại Sao Việt Nam (Công ty Sao Việt Nam), vay 197 tỷ đồng, tổng cộng thanh toán cho Công ty quỹ Lộc Việt (Công ty quỹ Lộc Việt) tổng số 328 tỷ đồng tiền mua cổ phần, sử dụng 20 tỷ đồng để mở tài khoản kinh doanh vàng cho CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Công ty TNHH Tân Vạn Hưng, còn lại 496 triệu đồng Bình sử dụng vào công việc chung.

Sau đó, ông Bình chỉ đạo Phòng ngân quỹ Hội sở và DAB Sở giao dịch lập chứng từ thu khống 204 tỷ đồng để trả 196 tỷ đồng tiền gốc và hơn 8 tỷ đồng tiền lãi cho khoản vay của Công ty Ninh Thịnh và Công ty Sao Việt Nam.

Từ ngày 05/1-24/12/2009, Đỗ Thành Trung lập 7 chứng từ thu khống 67 tỷ đồng; Trần Thế Hùng lập 13 chứng từ thu khống 42 tỷ đồng. Từ việc thực hiện các hành vi nêu trên, Bình đã chiếm đoạt 234 tỷ đồng của DAB. 

Năm 2009, chiếm đoạt hơn 74 tỷ thông qua mua hơn 7 triệu cổ phần DAB 

Tiếp tục, trong 2 ngày 10 và 11/8/2009, ông Bình chỉ đạo lập 6 chứng từ thu khống; tiếp nhận điều chuyển số tiền đã thu khống từ DAB Sở giao dịch về Phòng ngân quỹ Hội sở để Hội sở hạch toán chi dẫn đến âm quỹ số tiền 74 tỷ đồng. Bình sử dụng số tiền này mua 7,4 triệu cổ phần DAB đứng tên Bình và các cá nhân, pháp nhân khác.

Như vậy, ông Bình lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt của DAB 74 tỷ đồng trong việc Bình mua 7,4 triệu cổ phần DAB vào năm 2009.

Năm 2010, chiếm đoạt hơn 274 tỷ thông qua mua hơn 31 triệu cổ phần DAB

Mục đích vay nhằm bổ sung vốn lưu động thanh toán tiền hàng. Cùng ngày DAB Sở giao dịch giải ngân 150 tỷ đồng tiền vay vào Tài khoản số 001528320004 của Công ty Ninh Thịnh mở tại DAB; Công ty Ninh Thịnh chuyển 152,8 tỷ đồng (có 150 tỷ đồng tiền vay và 2,8 tỷ đồng do Nguyễn Kỳ Anh là Giám đốc nộp) vào Tài khoản số 0102650364 của Cao Ngọc Liên (bố vợ Bình) mở tại DAB Sở giao dịch.

Đến năm 2010, ông Bình chỉ đạo ký Hợp đồng tín dụng số H5514/1 ngày 20/12/2010 cho Công ty Ninh Thịnh vay 150 tỷ đồng. Sau đó, Bình chỉ đạo thu khống 151 tỷ đồng để trả 150 tỷ đồng tiền gốc và 1 tỷ đồng tiền lãi cho khoản vay.

Cũng trong năm 2010, ông Bình tiếp tục chiếm đoạt của DAB 122,7 tỷ thông qua mua 16 triệu cổ phần DAB. Được biết, để thanh toán tiền mua cổ phần trong đợt tăng vốn này, ông Bình nhờ Phạm Văn Tân đứng tên vay 100 tỷ đồng của DAB và vay cá nhân Nguyễn Huy Trường Hồng (vợ bị can Nguyễn Hồng Ánh) 83,7 tỷ đồng.

Sau đó, ông Bình chỉ đạo thu khống 122,7 tỷ đồng (80,7 tỷ cùng 42 tỷ) để trả nợ cho khoản vay của Nguyễn Huy Trường Hồng và khoản vay đứng tên Phạm Văn Tân. Cuối mỗi ngày, Ông Vinh chỉ đạo Đỗ Thanh Hùng tiếp nhận điều chuyển số tiền đã thu khống từ DAB Sở giao dịch về Phòng ngân quỹ Hội sở để Hội sở chịu âm quỹ số tiền này.

Năm 2011, chiếm đoạt 23 tỷ thông qua mua hơn 3,4 triệu cổ phần DAB

Năm 2011, để có tiền mua cổ phần DAB của các cổ đông nhỏ lẻ, Bình chỉ đạo lập 5 chứng từ thu khống tổng số 23 tỷ đồng để ông Bình mua 3,4 triệu cổ phần DAB đứng tên Nguyễn Thị Mỹ Linh. lập 4 chứng từ và Đỗ Thanh Hùng lập 1 chứng từ thu khống 23 tỷ đồng vào các ngày 31/3/2011; 31/5/2011; 29/6/2011; 18/7/2011. 

Cuối mỗi ngày, Vinh chỉ đạo Đỗ Thanh Hùng tiếp nhận điều chuyển số tiền đã thu khống từ DAB Sở giao dịch về Phòng ngân quỹ Hội sở để Hội sở để hạch toán dẫn tới âm quỹ số tiền này.

Ngày 29/6-12/7/2012, Nguyễn Thị Mỹ Linh đã chuyển nhượng cho Bình 3,4 triệu cổ phần DAB nêu trên.

Năm 2012, chiếm đoạt 170 tỷ đồng thông qua mua 20 triệu cổ phần DAB

Đến ngày 23/4/2012, ông Bình tiếp tục chỉ đạo lập chứng từ thu khống 50 tỷ đồng đứng tên Đỗ Thanh Hùng để chuyển vào tài khoản thẻ Phạm Văn Tân mở tại DAB Sở giao dịch. Cùng ngày, Phạm Văn Tân chuyển 50 tỷ đồng vào Tài khoản để mua 5 triệu cổ phần DAB đứng tên Phạm Văn Tân cho Bình. Đến 24/4, ông Bình chỉ đạo chuyển nhượng 5 triệu cổ phần DAB cho Công ty Bắc Nam 79 lấy 50 tỷ đồng sử dụng cho mục đích cá nhân.

Chưa dừng lại, trong đợt tăng vốn điều lệ năm 2012, Bình chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Xuyến đứng ra vay tiền để mua cổ phần DAB. Sau đó, Nguyễn Thị Kim Xuyến nhờ Lê Hùng Cường (con rể Xuyến) và Từ Thị Mỹ Linh (Phòng giao dịch Hàm Nghi chi nhánh Quận 1) và Từ Thị Mỹ Linh nhờ 4 cá nhân khác đứng tên vay tổng số 120 tỷ đồng của DAB chi nhánh Đinh Tiên Hoàng để Bình mua 14,5 triệu cổ phần DAB.

Năm 2014, chiếm đoạt gần 11 tỷ đồng thông qua mua cổ phần từ Đầu tư Mạo Hiểm

Ngày 17/7/2014, Lê Tuấn (Giám đốc CTCP Tư vấn Đầu tư Mạo Hiểm) bán hơn 1,4 triệu cổ phần DAB cho Bình với giá gần 11 tỷ đồng. Bình nhờ người khác đứng tên sở hữu số cổ phần này.

Cùng ngày, ông Bình chỉ đạo lập chứng từ thu khống 11 tỷ đồng của Trương Quốc Khánh để thanh toán tiền mua cổ phần. Hiện, Trương Quốc Khánh vẫn đang sở hữu số cổ phần DAB nêu trên. 


Trần Phương Bình: Con đường từ sếp lớn đến chiếm đoạt cả ngàn tỷ của Ngân hàng Đông Á - Ảnh 3.

Bị cáo Vũ nhôm.

Bắt tay Vũ Nhôm chiếm đoạt gần 490 tỷ bao gồm cho Vũ Nhôm mua 60 triệu cổ phần DAB và hơn 13 triệu USD

Được biết, năm 2013, DAB bị thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền, vàng trong kho quỹ, Bình có chủ trương tăng vốn điều lệ DAB từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng để thu hút vốn đầu tư, mong muốn doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, quan hệ đầu tư vào DAB để có tiền xử lý khó khăn tại DAB và để nâng cao thương hiệu, vị thế của DAB.

Do quen biết nhau từ trước, ông Bình và Vũ Nhôm thống nhất Vũ Nhôm mua 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỷ đồng khi DAB tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng vào năm 2014, mục đích để Vũ Nhôm trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DAB.

Nguồn tiền mua cổ phần DAB gồm: Vũ Nhôm thế chấp 220 Lô đất tại TP Đà Nẵng vay 400 tỷ đồng của DAB. Đối với 200 tỷ đồng còn lại, Bình chỉ đạo nhân viên DAB xuất quỹ cho Vũ Nhôm và Vũ Nhôm kí khống chứng từ nộp 200 tỷ vào DAB để Vũ có được 200 tỷ đồng tham gia mua cổ phần của DAB.

Sau đó, ông Bình còn lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt 284 tỷ đồng của DAB trong việc 13,4 triệu USD chuyển cho Vũ Nhôm và chiếm đoạt 11 tỷ đồng thông qua mua 500.000 USD chuyển cho cá nhân khác. 

Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra thu được 5 tờ giấy viết tay của Đỗ Thanh Hùng đã ghi chép lại các khoản thu chi sai nguyên tắc gây thiệt hại cho DAB trong thời gian làm Thủ quỹ Hội sở DAB. Trong đó, từ ngày 11/10/2012 đến ngày 12/3/2015, Đỗ Thanh Hùng đã xuất quỹ chi 12 khoản tổng số 295 tỷ đồng để mua 13,9 triệu USD cho Bình. Sau đó, theo đề nghị của Vũ Nhôm, Bình chuyển 13,4 triệu USD cho Vũ sử dụng.

Ngoài ra, ông Bình cùng Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phạm Văn Phước còn lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt của DAB 400 tỷ đồng.

Nhóm PV

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên