MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trí tuệ người giàu: "Trên đời này không có cái gọi là bữa trưa miễn phí", đó là lý do vì sao chúng ta phải biết quản lý tài chính đúng cách!

05-06-2020 - 11:11 AM | Sống

Tại sao chúng ta phải chăm chỉ tiết kiệm tiền + ít chi tiêu?

01

Gần đây, tôi có cảm nhận sâu sắc với câu nói: Trên đời này không có bữa trưa miễn phí.

Ma lực của câu nói này là ở chỗ, mỗi khi tôi chuẩn bị đưa ra quyết định gì đó, nó thường giống như chiếc chuông cảnh báo nhấp nháy đèn đỏ, nhắc nhở tôi xem xét cái giá ẩn chứa phía sau.

Tôi có cô cháu họ chuẩn bị tốt nghiệp đại học, ngắm suốt mấy tháng trời mà vẫn chưa tìm được công việc vừa ý. Nó nghĩ vì bản thân chỉ tốt nghiệp đại học nên không có nhiều sức cạnh tranh, môi trường tìm việc không được tốt, nên quyết định học thêm nghiên cứu sinh.

"Tốt nghiệp đại học cử nhân bình thường lương trung bình cũng chỉ được 6 triệu, tốt nghiệp thạc sỹ lương trung bình phải được 8-10 triệu, lương khởi điểm cao". Nó phân tích đầy phấn khích.

Thực ra đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe thấy vậy. Nếu đặt mức lương trung bình của tiến sỹ, nghiên cứu sinh, cử nhân, cao đẳng cạnh nhau so sánh, mức lương khởi điểm của nghiên cứu sinh đúng là cao hơn so với cử nhân thật.

Nhưng tôi lại không cho là như vậy, bởi sự so sánh này vốn không đúng.

Thạc sỹ phải học thêm 2-3 năm so với cử nhân. Giả sử cử nhân tốt nghiệp với mức lương 6 triệu, làm việc 3 năm, mức lương tăng lên 8-10 triệu là chuyện hoàn toàn bình thường.

Mức lương khởi điểm của thạc sỹ, muốn so sánh thu nhập tiêu chuẩn không phải là cử nhân mới tốt nghiệp mà phải là cử nhân tốt nghiệp đã có 3 năm kinh nghiệm làm việc.

Thêm sự thật tàn khốc nữa là, con gái học xong nghiên cứu sinh vừa đến độ tuổi phù hợp để kết hôn. Mặc dù các công ty luôn miệng nói "không kỳ thị nhân viên nữ", nhưng chẳng còn cách nào khác, vấn đề sinh con của nữ giới trong mắt các nhà tuyển dụng vẫn luôn là một trong những nhân tố cần phải xem xét thận trọng.

Huống hồ bạn còn là một người mới. So đi tính lại, cũng chẳng có chút ưu thế nào.

Dĩ nhiên, nếu như bạn thực sự là người giỏi, những lợi ích từ việc học nghiên cứu sinh mang lại lớn hơn nhiều so với những lợi ích từ kinh nghiệm làm việc, vậy thì tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu, có thể cũng là một sự lựa chọn không tồi.

Nhưng sau khi tốt nghiệp, cạnh tranh vẫn hết sức khắc nghiệt: bạn càng yêu cầu cao về chức vị và tiền lương, cơ hội làm việc sẽ càng ít.

Bất cứ sự lựa chọn nào cũng có chi phí tiềm ẩn, bất cứ sự lựa chọn nào cũng có tổn thất tiềm ẩn.

Nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ George Joseph Stigler từng nói về bản chất của kinh tế học chính là câu nói: "trên đời này không có bữa trưa miễn phí".

Chúng ta từng nghe thấy câu nói này vô số lần, nhưng đáng tiếc là hầu hết chúng ta đều bỏ qua chi phí cơ hội đằng sau lợi ích.

Trí tuệ người giàu: Trên đời này không có cái gọi là bữa trưa miễn phí, đó là lý do vì sao chúng ta phải biết quản lý tài chính đúng cách! - Ảnh 1.

02

Chi phí cơ hội là gì ?

Định nghĩa một cách tương đối chính thức, chi phí cơ hội là chỉ giá trị lớn nhất mà bạn từ nó nếu làm việc gì đó.

Giải thích một cách đơn giản, thì giống như việc tôi thường xuyên khuyên mọi người nên chăm tiết kiệm, ít chi tiêu. Tại sao vậy?

Trong đó, có một điểm quan trọng nhất là, trong tương lai bạn sẽ gặp phải vô số thứ mà bạn muốn có, muốn mua xe, muốn mua nhà, muốn dùng tiền để giải quyết một vấn đề cấp bách nào đó…

Nếu hiện tại bạn càng vung tay quá chán, chi tiêu lãng phí, cơ hội trong tương lai của bạn sẽ càng ít.

Điểm này cũng được thể hiện rất rõ tại nơi công sở.

Tôi có anh bạn tên Sơn chuyên về các giải pháp IT, hơn 30 tuổi Sơn được làm quản lý, rồi từ quản lý thăng cấp lên làm phó giám đốc bộ phận. Năm 35 tuổi, có anh bạn đại học mới khởi nghiệp hơn một năm, rủ về làm cùng. Khiến Sơn trăn trở vô cùng.

Nhảy sang làm cùng bạn đồng nghĩa với việc bỏ đi mọi thứ vừa mới có được sau nhiều năm vất vả. Nếu từ chối, nói đúng như lời Sơn nói đó là: "Cả đời này chắc không còn mấy lần cơ hội như vậy nữa".

Do dự cả nửa năm, cuối cùng Sơn quyết định cắn răng từ bỏ sự nghiệp nhảy sang cùng bạn khởi nghiệp.

Mọi người xung quanh khá khâm phục dũng khí của Sơn. Đừng nghĩ rằng đây là chuyện dễ, cùng với sự tích lũy về năng lực, kinh nghiệm, thời gian, chúng ta bắt đầu bước dần lên đỉnh kim tự tháp, có phạm vi lựa chọn rộng hơn.

Thế nhưng, cơ hội lựa chọn càng nhiều thì chi phí lựa chọn càng lớn, chỉ khiến chúng ta ngày càng thêm bảo thủ.

Ví như Sơn, từ bỏ mức lương gần 30 triệu một tháng, công ty đã làm việc nhiều năm, cơ hội tăng lương + thăng chức, chế độ phúc lợi tuyệt vời… để đổi lấy cơ hội khởi nghiệp mang tính rủi ro cao.

Mỗi quyết định mà bạn đưa ra đều có chi phí.

Thế nên có người nói: Bill Gates nếu nhìn thấy dưới đất có tờ 100 đô, tốt nhất đừng nhặt. Bởi giá trị mà Bill Gates tạo ra trong mấy giây cúi xuống nhặt tiền chắc chắn nhiều hơn 100 đô.

Đối với người bình thường thực ra cũng giống như vậy:

Công ty lớn có nguồn tài nguyên và môi trường tốt, nhưng công ty nhỏ lại được rèn luyện ở nhiều góc độ khác nhau, và bạn chỉ có thể lựa chọn một công ty trong số chúng. Ngành nghề truyền thống ổn định không mang tính chu kỳ, nhưng ngành nghề mới nổi lại có nhiều không gian lợi nhuận, và bạn cũng chỉ có thể chọn một trong hai. Em A xinh đẹp, em B chân dài, em C tính tình điềm đạm, và bạn chỉ có thể chọn một để hẹn hò.

Không có cách nào khác, đại đa số các câu trả lời trong bài toán cuộc đời đều là sự lựa chọn duy nhất. Muốn có được thứ này, sẽ buộc phải từ bỏ thứ khác.

Trí tuệ người giàu: Trên đời này không có cái gọi là bữa trưa miễn phí, đó là lý do vì sao chúng ta phải biết quản lý tài chính đúng cách! - Ảnh 2.

03

Khi chúng ta đưa ra hành động nào đó, nếu biết cách suy nghĩ từ góc độ chi phí, thực ra bạn sẽ hiểu được khá nhiều điều.

Tháng trước, tôi có hẹn đi ăn với cô bạn cấp ba tên Hương. Hương trêu đùa: "Cậu ăn nhiều chút nhé, bữa cơm này không rẻ đâu đấy".

Bởi Hương biết công việc hiện tại của tôi, nếu tính lương theo tiếng là 5 con số (dĩ nhiên tôi không phải là người máy, nếu như đến cả thời gian ăn cơm với bạn cũng không có, thì cuộc sống đâu còn ý nghĩa gì nữa).

Mỗi phút của bạn đều có giá trị tàng hình, rất nhiều người tham rẻ đều thất bại vì điều này.

Tôi có anh bạn đồng nghiệp muốn tìm tài liệu kỹ thuật trên mạng, khó khăn lắm mới tìm được nguồn, bên trong có 50 bài học miễn phí. Vật lộn cả buổi chiều, hết theo dõi trang, chia sẻ trang, cuối cùng cũng tải về được.

Chưa nói đến việc phải vật vã mất mấy tiếng đồng hồ cộng thêm phải nhờ vả bạn bè chia sẻ, 50 bài học miễn phí kia rất có thể chất lượng hết sức bình thường, ngộ nhỡ học xong cũng chẳng có tác dụng gì.

Thử nghĩ xem, 50 bài học ít nhất cũng cần phải 20 tiếng đồng hồ, quy ra tiền lương cũng phải mất vài triệu. Bạn thiệt hay không thiệt?

Số tiền tiết kiệm được vì tham rẻ không thể bù lại chi phí thời gian, vì tham ít mà mất nhiều.

Cùng là 10 phút, bạn dùng để chạy theo những món hàng rẻ chất lượng kém đồng nghĩa với việc bạn mất đi 10 phút để làm những việc có giá trị hơn. Dù là nghỉ ngơi chỉ 10 phút thôi nhưng ít nhất cũng giúp bạn lấy lại chút sức lực.

Đừng tưởng chút thời gian cỏn con mà không làm được gì.

"Nếu bạn không có một buổi sáng tốt lành, bạn sẽ có một ngày tồi tệ".

Nếu bạn không thể nhìn thẳng vào giá trị của 10 phút thì sẽ không thể sắp xếp ổn thỏa 24 tiếng trong ngày. Lâu dần thời gian sẽ giống như nước chảy từ vòi nước chưa khóa chặt, lặng lẽ trôi đi vô vàn khối nước.

Ngay cả muốn trúng vé số đầu tiên cũng phải bước chân ra khỏi cửa (hành động hiệu quả) + bỏ ra 10 nghìn đồng (đầu tư chưa biết) + nhớ ngày mở thưởng (quản lý thời gian)… đều có không ít những yếu tố quan trọng phải suy nghĩ.

Mọi việc đều có giá của nó.

04

Tôi từng đọc một câu chuyện ngụ ngôn khá nổi tiếng: Con lừa của Buridan.

Nếu có hai đống cỏ khô hoàn toàn giống nhau, khoảng cách giữa một con lừa và đống cỏ khô là giống nhau, vậy thì con lừa sẽ bị chết đói vì không biết nên ăn đống cỏ nào.

Trên thực tế, nhân loại với tư cách là người đứng đầu trong chuỗi thức ăn, khi đối mặt với vấn đề tương tự cũng không thông minh hơn con lừa là mấy.

Con người khi đối mặt với nhiều sự lựa chọn, thực ra giống như việc chọn một đống cỏ trong hai đống cỏ. Hai lựa chọn A và B, kết cục không lý tưởng nhất đó là không chọn A, cũng không chọn B, chần chừ không đưa ra sự lựa chọn.

Chúng ta đánh mất những thứ vốn dĩ có được một cách dễ dàng trong sự suy tính thiệt hơn. Tên của nó là "chi phí cơ hội". Thường có 2 nguyên nhân gây ra tình trạng trên:

Một là không muốn trả giá

Rất nhiều người có thói quen hỏi hết người này đến người khác: "Làm gì kiếm được nhiều tiền nhất", "Bây giờ làm gì phù hợp nhất", "Giờ đầu tư vào lĩnh vực AB nào đó liệu còn lợi nhuận không?"….

Ví dụ như viết truyện online, thay vì dằn vặt trăn trở liệu viết truyện online có kiếm ra tiền hay không, chi bằng hãy cứ đăng ký lấy một kênh viết truyện, viết thử vài tháng xem sao. Nếu làm, chỉ cần bỏ chút thời gian công sức đổi lấy một kênh online có tiềm lực. Còn nếu không làm, nhận được chắc chắn = 0.

Youtuber được hay không? Kinh doanh online được hay không? Chỉ khi bạn làm rồi mới biết nó được hay không hoặc phù hợp với mình hay không?

Giống như những gì mà Lôi Quân từng nói: "Chi phí thử sai không cao, nhưng chi phí bỏ lỡ sẽ rất cao".

Hai là căm ghét tổn thất

Trong đó câu nói được coi là điển hình nhất là: "Sớm biết như thế này thì tôi đã…."

Không ít người trẻ thường rơi vào khổ não: Mông lung quá trời, mình nên tiếp tục làm công việc này không? Mình nên học nghiên cứu sinh không? Mình nên đổi nghề không?...

Hết suy nghĩ rồi lại trăn trở lãng phí thanh xuân trong mông lung bất định.

Tuổi càng trẻ càng nên chủ động lựa chọn.

Bởi chi phí cơ hội của bạn thấp, thấp đến nỗi bạn hoàn toàn có thể mua được nó. Cần phải biết rằng, cái giá phải trả khi nhảy việc tuổi ở 35 và nhảy việc ở tuổi 25 là hoàn toàn khác nhau.

Đừng lo lắng đó có phải là sự lựa chọn tốt hay không.

Nhà nghiên cứu lịch sử kinh doanh Trương Tiêu Vũ từng nhắc đến một phương pháp làm việc, khi trước mắt bạn có hai sự lựa chọn gần như nhau, không có sự lựa chọn nào chiếm ưu thế hơn, hãy chọn bừa lấy một cái, rồi nỗ lực biến nó trở thành sự lựa chọn tốt nhất.

Trước khi dốc sức nỗ lực, bạn vốn không biết cái nào tốt. Đã học giỏi thì học trường nào cũng sẽ giỏi. Đã có năng lực thì công ty nào cũng sẽ trả bạn mức lương tương xứng.

Bởi vậy, đã đưa ra quyết định sau khi suy nghĩ kỹ càng, không cần thiết phải phiền não nữa.

Một là, bất cứ sự lựa chọn nào cũng đều có chi phí.

Hai là, đối với người bình thường mà nói, quan trọng nhất không phải là khả năng lựa chọn tốt mà là khả năng biến sự lựa chọn của mình trở nên tốt hơn.

Theo Ngọc Thủy

Báo Dân sinh

Trở lên trên