MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc vẫn là một nước “nghèo”?

04-09-2017 - 09:28 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc vẫn còn là một nước “nghèo”, ít nhất là theo một số thước đo phổ biến về chất lượng cuộc sống, và tiềm năng có được một bước đại nhảy vọt lên thành quốc gia phát triển.

Bốn thập kỷ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ đã giúp Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, mọi chuyện không hề tốt đẹp như thường được mô tả trên các phương tiện xã hội. Trung Quốc vẫn còn là một nước “nghèo”, ít nhất là theo một số thước đo phổ biến về chất lượng cuộc sống, và tiềm năng có được một bước đại nhảy vọt lên thành quốc gia phát triển.

Chẳng hạn, hãy lấy GDP bình quân đầu người của Trung Quốc làm ví dụ. Trong năm 2016, con số này là 6894,50 USD, thấp hơn mức trung bình của thế giới đến 55%, theo trang web Tradingeconomics.com.

Tuy nhiên, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc hiện gấp gần 600% so với mức kỉ lục của họ vào thời điểm 1962 (132 USD). Điều này nghĩa là phúc lợi xã hội của người dân Trung Quốc đã tăng đáng kể so với hồi năm 1962, một phần là nhờ vào những cải cách của bộ máy lãnh đạo của họ trong bốn thập kỷ qua.

Một số thước đo chủ chốt của Trung Quốc:

Dĩ nhiên, mọi người đều không có cảm giác Trung Quốc nghèo nữa, đặc biệt là với những người đang sống trong khu vực Đông Nam Á và được hưởng lợi nhiều nhất từ sự mở cửa của nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, quốc gia này hiện phải đối mặt với nạn tham nhũng. Ở tiêu chí này, Trung Quốc hiện đang xếp gần những quốc gia nghèo khác như Ấn Độ và Pakistan, nhưng lại cách khá xa những quốc gia giàu có như Mỹ.

Tham nhũng dẫn đến chủ nghĩa thân hữu, giết chết sự cạnh tranh, đổi mới và làm giàu cho những tầng lớp trên của nền kinh tế, gây thiệt hại cho số đông. Điều này không tốt cho tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc và khiến cho quốc gia này cũng chẳng khá hơn gì so với những nền kinh tế thị trường mới nổi khác như Argentina, một quốc gia cứ mãi ngụp lặn giữa ranh giới “mới nổi” và “phát triển” mà chưa bao giờ gia nhập được nhóm các quốc gia giàu có.

Một điều tệ hại nữa là Trung Quốc đang phải hứng chịu tình trạng ô nhiễm. Quốc gia này là nơi thải ra lượng carbon dioxide (tác nhân chính dẫn đến hiệu ứng nhà kính) hàng đầu thế giới, và tình trạng này sẽ không thể sớm thay đổi trong tương lai.

Ô nhiễm làm giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày và giá trị các tài sản quốc gia, như bất động sản. Nếu ô nhiễm tiếp tục diễn ra với tốc độ hiện tại, thì có thể bất động sản sẽ là thứ vô giá trị ở quốc gia này. Các thế hệ trẻ sẽ chọn cách ra đi, thay vì chuyển đến các thành phố ô nhiễm sinh sống, làm giảm nhu cầu dành cho loại tài sản này, khiến cho vấn đề công suất quá mức trở nên tồi tệ hơn, và tăng trưởng kinh tế bị chậm lại.

Nói tóm lại, Trung Quốc đã tiến một bước xa, từ một quốc gia kém phát triển lên thành một nền kinh tế mới nổi, đánh bại Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, họ vẫn còn một chặng đường dài phía trước, cả trong số lượng lẫn chất lượng cuộc sống, trước khi thực hiện bước đại nhảy vọt để trở thành một trong những quốc gia giàu có của thế giới.

Thanh Hải

Forbes

Trở lên trên