Trung Quốc giờ đang nhập siêu với rất nhiều nước trên thế giới
Các chuỗi cung ứng và nhu cầu về hàng hóa cơ bản khiến Trung Quốc không còn là nước có thặng dư thương mại khổng lồ với tất cả các nước.
- 19-08-2017Mỹ chính thức điều tra Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ
- 18-08-2017Hàng hóa giá rẻ Trung Quốc đang khiến Ấn Độ phải lao đao
- 18-08-2017Trung Quốc giận dữ vì bị các nước sao chép công nghệ tàu cao tốc
Từ xưa đến nay, trên khắp các mặt báo luôn viết về thặng dư thương mại của Trung Quốc. Tuy nhiên, những thay đổi trong cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc cũng đồng nghĩa cán cân thương mại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không chỉ nghiêng về 1 phía.
Hàn Quốc hiện có thặng dư thương mại 72,2 tỷ USD với Trung Quốc và đang đứng dầu danh sách hơn 40 quốc gia đang xuất khẩu đến Trung Quốc nhiều hơn là nhập khẩu. Theo sau Hàn Quốc là Thụy Sĩ và Australia, theo số liệu của Bloomberg. Ngoài các nước xuất khẩu hàng hóa cơ bản như Iran hay máy móc như Đức, các nền kinh tế nhỏ hơn như Irealand, Phần Lan và thậm chí cả Lào cũng có trong danh sách.
Các nhà máy, công trường xây dựng và xe cộ của Trung Quốc tiêu thụ dầu mỏ, kim loại và các nguyên vật liệu khác từ những nước xuất khẩu hàng hóa trên khắp thế giới, bởi vậy khi kinh tế Trung Quốc “hắt hơi xổ mũi”, đồng đôla Australia hay GDP của Mông Cổ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Australia và Mông Cổ là những nước chủ chốt cung cấp quặng sắt, kim loại quý và than đá cho Trung Quốc. Trong khi đó dầu từ Angola, Oman, Iran và Venezuela giúp xe hơi cũng như xe tải của Trung Quốc có thể chạy trên đường. Turkmenistan thì xuất khẩu sang Trung Quốc một lượng lớn khí đốt. Chile cung cấp kim loại (chủ yếu là đồng). Rượu và quả cherry của các nước Nam Mỹ xuất hiện đầy rẫy trên những kệ hàng trong các siêu thị của Trung Quốc.
Trong khi đó Trung Quốc nhập khẩu từ Thụy Sĩ các mặt hàng dược phẩm, hóa chất, đồng hồ và những công cụ cần có tính chính xác cao. Nam Phi xuất sang Trung Quốc kim cương, vàng và rượu. Brazil là nguồn cung cấp chính về đậu tương, dầu đậu nành, thịt bò và đường trong năm ngoái (theo số liệu Bộ Thương mại trung Quốc). Chỉ trong năm ngoái đất nước đông dân nhất thế giới đã nhập khẩu 38 triệu tấn đậu tương từ Brazil.
Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của New Zealand về thịt cừu, khách hàng lớn nhất của Australia về bột mì và của Chile về hoa quả và các loại hạt.
Nước xuất khẩu lớn nhất thế giới tăng nhập khẩu là 1 dấu hiệu cho thấy các nhà máy hùng mạnh của Trung Quốc đang hỗ trợ cho cả các nền kinh tế khác. Theo tính toán của Bloomberg Intelligence dựa trên tỷ trọng thương mại với Trung Quốc trên tổng kim ngạch xuất khẩu, Hàn Quốc và Malaysia nằm trong nhóm chịu tác động nhiều nhất từ xu hướng này. Ngược lại Nhật Bản và Việt Nam ít bị ảnh hưởng.
Một trong số các mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất là máy móc và hàng điện tử từ Hàn Quốc, Malaysia và Đức, theo dữ liệu của World Bank. Chip bán dẫn từ Hàn Quốc và Malaysia chiếm tỷ trọng lớn, được sử dụng trong các sản phẩm điện tử được lắp ráp tại các nhà máy Trung Quốc.
Chiếc điện thoại iPhone chính là 1 ví dụ minh họa rõ nét chuỗi cung ứng hiện nay. Chúng được lắp ráp ở Trung Quốc nhưng các linh kiện đắt tiền được nhập khẩu từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Đức, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc).
Mối quan hệ thương mại phức tạp và quan trọng giúp Hàn Quốc phần nào chống đỡ được động thái trả đũa của Trung Quốc trước các chính sách mang tính chính trị, ví dụ như việc các doanh nghiệp Hàn bị Trung Quốc tẩy chay vì đồng ý cho Mỹ lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc hồi năm ngoái.
“80% hàng hóa Hàn Quốc xuất khẩu sang Trung Quốc đều là hàng hóa trung gian (tức được sử dụng trong quá trình sản xuất các hàng hóa khác chứ không phải để cho tiêu dùng cuối cùng), do đó hầu hết người tiêu dùng Trung Quốc sẽ không thể nhận biết”, Yang Pyeongseob, chuyên gia nghiên cứu tại Viện chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc nói.