MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước thềm TPP và giờ G cho cải cách

Nếu hoàn tất việc phê chuẩn trong năm 2016, TPP dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2018...

“Đây thực sự là cơ hội lớn, mà theo tôi các doanh nghiệp và đặc biệt là cơ quan Nhà nước của Việt Nam nên trân trọng, để có những bước đi chiến lược”, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam nói với chúng tôi, xung quanh việc thực thi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Lộ trình xóa thuế

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thuế và hải quan, ông đánh giá thế nào về cam kết xóa bỏ thuế quan theo TPP?

Trước hết, phải nhắc lại rằng mục tiêu chung của các hiệp định thương mại tự do (FTA) là tạo dựng mối liên kết kinh tế qua đẩy mạnh thương mại hàng hóa đa chiều và tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp ở các nước thành viên. Với mục tiêu đó, việc thông qua lộ trình xóa bỏ thuế quan chung là biện pháp trực tiếp và cơ bản nhất.

So với các FTA mà Việt Nam đã ký kết với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau đến thời điểm này, thì phần cam kết xóa bỏ thuế quan trong Hiệp định TPP là mạnh mẽ hơn cả.

Cụ thể, hai đối tác lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ và Nhật Bản cam kết xóa bỏ ngay tại thời điểm TPP có hiệu lực là 71% số dòng thuế, tương ứng 75,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào hai thị trường này, đồng thời tiến tới xóa bỏ 95-100% số dòng thuế trong vòng 10 năm kể từ khi TPP có hiệu lực.

Về phần mình, Việt Nam cam kết tại Phụ lục 2-D đưa hơn 6.300 dòng hàng nhập khẩu tương ứng 65% tổng số dòng trên biểu thuế về thuế suất 0% ngay sau khi TPP có hiệu lực. Theo lộ trình giảm thuế, số dòng hàng có thuế suất 0% tại năm thứ 5 là 85% và đến năm thứ 10 là 92%.

Đối với xuất khẩu, TPP yêu cầu mỗi nước cam kết về mức thuế suất cơ sở tại Phụ lục 2C, là mức tối đa mà một bên có thể áp dụng với hàng hóa xuất khẩu sang các nước thành viên. Hơn nữa, các bên tham gia được quyền đơn phương đẩy nhanh lộ trình xóa bỏ thuế quan với từng nước thành viên TPP.

Theo đó, dù hiện tại cam kết lộ trình xóa bỏ thuế xuất khẩu trong thời gian từ 5-15 năm tùy theo mặt hàng, Việt Nam và một số nước có thể đàm phán rút ngắn lộ trình giảm thuế so với cam kết hiện tại.

Với những cam kết xóa bỏ thuế quan mạnh mẽ cho các nước thành viên trong TPP, Việt Nam được coi là một cánh cửa thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài bước ra thế giới phẳng trong quan hệ thương mại với các nước phát triển bên kia đại dương.

Lợi thế thuộc về ai?

Việt Nam được nhiều chuyên gia đánh giá là bên có lợi ích lớn khi tham gia TPP, vậy theo ông, những doanh nghiệp, ngành hàng nào sẽ tận dụng được lợi thế này?

Để đánh giá lợi ích từ TPP cần xét trên cả hai khía cạnh xuất khẩu và nhập khẩu.

Thứ nhất là tăng trưởng doanh thu xuất khẩu tại thị trường các nước thành viên TPP do sản phẩm thỏa mãn xuất xứ từ Việt Nam được hưởng thuế suất thấp hơn, giá bán cạnh tranh hơn ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Thứ hai là doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí nhập khẩu đối với hàng hóa, nguyên liệu đầu vào do thuế nhập khẩu của Việt Nam giảm.

Trên khía cạnh xuất khẩu, những mặt hàng chủ lực của Việt Nam như thủy sản, dệt may, da giày, cao su, cà phê vẫn sẽ nắm lợi thế đón sóng TPP đầu tiên do có tỷ lệ nội địa hóa cao và đã có nhiều năm thâm nhập những thị trường lớn nhất như Hoa Kỳ, Nhật Bản.

Tuy nhiên, do TPP đặt ra nhiều quy tắc xuất xứ chặt chẽ và có tính đặc thù theo ngành hàng nên việc thỏa mãn các quy tắc này sẽ là bài toán lớn nhất và khó khăn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam phải giải quyết nếu muốn tận dụng ưu đãi từ TPP.

Về nhập khẩu, ảnh hưởng của cắt giảm thuế quan sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại hình và mặt hàng nhập khẩu cụ thể của doanh nghiệp. Theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) thì các hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu thuộc diện miễn thuế từ 1/9/2016. Do đó, hàng hóa nhập khẩu theo những loại hình này sẽ không chịu ảnh hưởng từ việc giảm thuế theo TPP.

Ngược lại, doanh nghiệp nội địa nhập khẩu hàng hóa từ các nước TPP cho mục đích tiêu dùng, tạo tài sản cố định, nhập khẩu sản xuất hoặc nhập khẩu để kinh doanh tại thị trường nội địa sẽ là những đối tượng được hưởng lợi từ thuế suất ưu đãi theo TPP.

Có thể thấy đây cũng là một cuộc đua không kém phần sôi động khi những thương hiệu lớn am hiểu về xuất xứ hàng hóa và các vấn đề pháp lý trong TPP tiến hành đẩy mạnh kênh phân phối tại Việt Nam nhằm tận dụng thuế suất thấp.

Ông có thể phân tích kỹ hơn về các tiêu chí xuất xứ để hàng hóa được hưởng ưu đãi về thuế quan?

Quy tắc xuất xứ theo TPP được xem là phức tạp nhất so với các FTA mà Việt Nam đã ký kết cũng như đang đàm phán, do được vận dụng rất linh hoạt giữa các phương pháp tính theo hàm lượng giá trị nội khối (RVC), phương pháp chuyển đổi phân loại hàng hóa và phương pháp dựa trên công đoạn chế biến cụ thể.

Ngoài ra, các nguyên tắc về tỷ lệ không đáng kể (de minimis), xuất xứ đối với bộ sản phẩm/linh kiện và xuất xứ với hàng tân trang cũng là những nội dung mới có ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định xuất xứ hàng hóa.

Dễ thấy những ngành hàng không có quy tắc xuất xứ đặc thù mà Việt Nam đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao như da giầy, thủy sản sẽ có nhiều lợi thế khi xuất khẩu tới các nước TPP do đáp ứng được quy tắc xuất xứ về hàm lượng giá trị nội khối.

Riêng với dệt may, doanh nghiệp phải đảm bảo quy tắc xuất xứ riêng “từ sợi trở đi” để được hưởng ưu đãi thuế quan. Do nhiều doanh nghiệp dệt may hiện vẫn nhập khẩu sợi từ Trung Quốc nên quy tắc này sẽ làm thay đổi căn bản cơ cấu sản xuất trong dài hạn.

Theo đó, doanh nghiệp phải tìm được nhà cung cấp sợi có xuất xứ từ nước thành viên TPP khác với giá cả hợp lý hoặc tự đầu tư vào công đoạn dệt, nhuộm tại Việt Nam - công đoạn mà chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về yếu tố môi trường.

Đây sẽ là bài toán lớn trong việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị đối với các tập đoàn, các công ty lớn, quản lý sản xuất sản phẩm theo phân đoạn ở các quốc gia khác nhau.

Với hàng nhập khẩu, những doanh nghiệp nhập khẩu theo các loại hình phải nộp thuế như đề cập trên đây sẽ cần tìm nhà cung cấp đáp ứng được điều kiện xuất xứ TPP để được hưởng thuế suất ưu đãi.

Đặc biệt, với những nhóm hàng nhập khẩu thuộc diện “thiết yếu” như máy móc, thép, linh kiện ô tô - xe máy, thức ăn chăn nuôi, phân bón mà Việt Nam thường nhập khẩu từ các nước ngoài TPP, việc tìm kiếm nhà cung cấp tin cậy và có giá thành hợp lý trong nội khối càng trở nên quan trọng.

Giờ G cho cải cách

Vậy bên cạnh những vấn đề của doanh nghiệp, ông nghĩ đâu là những điểm mà các cơ quan quản lý của Việt Nam cần chú trọng trong quá trình thực thi TPP?

Với trọng tâm là thương mại hàng hóa, TPP đã tạo thêm động lực và cơ sở cho Việt Nam hiện đại hóa về quản lý hải quan, cải cách và minh bạch các thủ tục hành chính liên quan để thúc đẩy thương mại một cách thiết thực.

Cụ thể là các chương của hiệp định đưa ra yêu cầu rất rõ về những thông tin, thủ tục hành chính mà cơ quan quản lý Nhà nước của các bên phải công bố và cam kết, kèm theo đó là cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh qua một ủy ban thương mại hàng hóa.

Tham gia TPP với tư cách của một nước xuất siêu, rõ ràng các cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ phải chủ động và tích cực hơn khi thực hiện những cam kết về thuận lợi hóa thương mại này để nhận được sự tín nhiệm và đối xử bình đẳng từ các quốc gia thành viên có thị trường rộng lớn.

Với tính chất sâu rộng và toàn diện, sân chơi TPP còn mang đến cho Việt Nam những thách thức và cơ hội nào khác, thưa ông?

TPP có khác biệt căn bản với các FTA Việt Nam đã tham gia, là hướng đến nhiều mục tiêu dài hạn và phát triển bền vững.

Cụ thể, những điều khoản về lao động, đầu tư, tác động môi trường, sở hữu trí tuệ… ngay lập tức sẽ đặt ra yêu cầu cao cho các bên như bắt buộc tham gia các công ước, nghị định thư quốc tế đồng thời với việc thực hiện cam kết riêng tại hiệp định.

Ở chiều ngược lại, các điều khoản trên cũng mở rộng cánh cửa cho hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan nhà nước và cơ hội nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới ứng dụng công nghệ hiện đại đối với doanh nghiệp.

Nội dung hiệp định đã quy định khá cụ thể về cơ chế làm việc và đầu mối liên lạc để thực hiện những mục tiêu này. Đây thực sự là cơ hội lớn, mà theo tôi các doanh nghiệp và đặc biệt là cơ quan Nhà nước của Việt Nam nên trân trọng, để có những bước đi chiến lược.

Dự kiến, TPP sẽ được đệ trình lên Quốc hội Việt Nam để xem xét và phê chuẩn vào kỳ họp trong tháng 7/2016. Nếu Quốc hội Việt Nam và các nước thành viên hoàn tất việc phê chuẩn trong năm 2016, TPP dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2018.

Như vậy, các doanh nghiệp đang hoạt động trong các ngành được hưởng lợi từ TPP cần nghiên cứu kỹ, có tư vấn theo lộ trình để tái cấu trúc chuỗi cung ứng, tái cơ cấu các dự án đầu tư, thực hiện các thủ tục cần thiết để có chứng nhận xuất xứ từ Việt Nam (mẫu theo TPP) cho các sản phẩm xuất khẩu từ năm 2018 trở đi.

Theo Hải Yến

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên