MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trưởng nhóm nghiên cứu vắc-xin AstraZeneca: "Xét nghiệm diện rộng không còn hiệu quả, Anh chỉ nên kiểm soát những F0 có triệu chứng nặng!"

31-08-2021 - 20:00 PM | Tài chính quốc tế

Giáo sư Andrew Pollard - nhà khoa học của Đại học Oxford, trưởng nhóm nghiên cứu vắc-xin AstraZeneca.

Giáo sư Andrew Pollard - nhà khoa học của Đại học Oxford, trưởng nhóm nghiên cứu vắc-xin AstraZeneca.

Các nhà khoa học của Oxford cho biết đã đến lúc Anh phải chấp nhận việc không có cách nào để ngăn chặn virus lây lan trong toàn bộ người dân. Hơn nữa, việc theo dõi những người có triệu chứng nhẹ không còn hữu ích.

Theo nhà khoa học đến từ Đại học Oxford, trưởng nhóm nghiên cứu vắc-xin AstraZeneca - giáo sư Andrew Pollard, biến thể Delta đã phá vỡ cơ hội đạt miễn dịch cộng đồng và việc xét nghiệm trên diện rộng tại Anh không còn hiệu quả.

Các nhà khoa học của Oxford cho biết đã đến lúc Anh phải chấp nhận việc không có cách nào để ngăn chặn virus lây lan trong toàn bộ người dân. Hơn nữa, việc theo dõi những người có triệu chứng nhẹ không còn hữu ích.

Pollard nhận định, rõ ràng rằng, biến thể Delta vẫn có thể lây nhiễm sang những người đã tiêm vắc-xin. Điều này khiến khả năng miễn dịch cộng đồng là điều không thể. Phát biểu trước một cuộc họp có sự tham gia của các nghị sĩ về dịch bệnh, ông Pollard cho biết: "Bất kỳ ai chưa được tiêm vắc-xin đều sẽ nhiễm virus."

Ông nói thêm: "Chúng ta không có biện pháp nào để ngăn chặn sự lây lan. Do đó, tôi cho rằng, chúng ta đang ở trong tình huống không thể tạo ra miễn dịch cộng đồng. Tôi dự đoán, biến thể mới đã xuất hiện và sẽ lây lan mạnh đối với những người đã được tiêm phòng."

Một phân tích của Cơ quan Y tế Công cộng Anh đã chỉ ra rằng, khi những người đã tiêm vắc-xin nhiễm virus, nồng độ virus trong cơ thể họ vẫn tương đương với nhóm chưa tiêm và vẫn có nguy cơ lây bệnh cho người khác.

Paul Hunter - giáo sư Đại học East Anglia và chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm, cho hay: "Khái niệm miễn dịch cộng đồng là không thể đạt được, bởi chúng tôi nhận thấy dịch bệnh sẽ lây lan cả ở nhóm người chưa được tiêm vắc-xin. Số liệu mới nhất cho thấy rằng việc tiêm 2 mũi vắc-xin chỉ có tỷ lệ bảo vệ là 50%."

Ông nói thêm: "Chúng ta cần phải chuyển từ việc báo cáo số ca nhiễm sang số người có triệu chứng nhẹ. Nếu không, chúng ta sẽ tự khiến mình sợ hãi với những con số tăng lên mỗi ngày và đây sẽ trở thành gánh nặng lớn hơn nhiều."

Hồi đầu tháng, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid, cho biết quốc gia này sẽ triển khai tiêm mũi thứ 3 cho người dân từ tháng tới. Tuy nhiên, ông Pollard lập luận rằng việc Anh tiếp tục tiêm mũi thứ 3 sẽ không hiệu quả nếu xét nghiệm diện rộng vẫn được tiếp tục.

Giáo sư đại học Oxford phát biểu: "Tôi cho rằng, khi chúng ta nhìn vào nhóm dân số trưởng thành trong tương lai, nếu chỉ xét nghiệm trên diện rộng và lo ngại về những kết quả đó, chúng ta sẽ ở trong tình huống phải đối phó với một điều gì đó không thể kiểm soát được."

Ông nói thêm: "Điều cần thiết là chuyển sang thử nghiệm theo hướng lâm sàng. Đó là khi mọi người sẵn sàng được xét nghiệm, điều trị và quản lý, thay vì xét nghiệm diện rộng. Nếu ai đó có triệu chứng, họ nên được xét nghiệm. Nhưng đối với những người có liên quan nhưng sức khoẻ vẫn hoàn toàn bình thường, họ vẫn được làm những công việc thường ngày."

Tiến sĩ Ruchi Sinha - bác sĩ khoa nhi tại Imperial College Healthcare NHS Trust, cho biết, việc không tiêm vắc-xin cho trẻ em sẽ không gây ra các vấn đề cho dịch vụ y tế. Bà nói: "Điều quan trọng là gánh nặng của các bệnh nhân nhập viện và cần chăm sóc đặc biệt. Nhóm trẻ em nhiễm SARS-CoV-2 thường có bệnh đi kèm, như béo phì hoặc các vấn đề về thần kinh nghiêm trọng, nhóm này cần được cân nhắc tiêm sớm." 

Tham khảo Telegraph

Chi Lan

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên