MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Nguyễn Đình Cung: Muốn thoái vốn thành công, không thể vừa chạy vừa nhìn xuống chân

Nhằm thúc đẩy việc thoái vốn nhà nước có hiệu quả từ nay cho đến năm 2020, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: "Cần thay đổi tư duy, không nên vừa chạy vừa nhìn xuống chân mình".

TS Nguyễn Đình Cung
TS Nguyễn Đình Cung
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ
109 bài viết

Trao đổi với chúng tôi về Quyết định 58/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng liên quan đến tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng Chính phủ và Thủ tướng đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ hơn đối với việc sắp xếp lại DNNN.

Bởi lẽ, nếu như so sánh với Quyết định 37/2014/QĐ-TTg trước đó không có một danh mục DNNN nào phải thoái vốn thực sự, không nắm quyết chi phối thì Quyết định mới đã đưa ra 4 danh mục cụ thể số lượng và tỷ lệ phần trăm vốn nhà nước đang nắm giữ. Trong đó, đáng chú ý đến việc số lượng áp đảo 106/240 doanh nghiệp nhà nước chỉ còn giữ 50% vốn, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân cùng tham gia.

“Trừ 103 DNNN nắm giữ 100% vốn, các doanh nghiệp còn lại đều có cổ phần hoá và thoái vốn. Đặc biệt dứt khoát thoái vốn ở những doanh nghiệp, ngành nghề mà nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối đều thuộc loại cổ phần hoá hết. Điều này có nghĩa là việc thoái vốn, cổ phần hoá bây giờ không còn nằm trong tay các Bộ, UBND thành phố trực thuộc Trung ương nữa. Chính phủ đã quyết, đây đã trở thành một danh mục phải làm”, TS. Cung cho biết.

Cũng theo vị Viện trưởng này, đây đã trở thành một quy định pháp luật cụ thể hơn với một thời hạn thực hiện đầy tham vọng.

Cụ thể hơn ở chỗ không chỉ đưa ra số lượng doanh nghiệp, tỷ lệ phần trăm vốn nhà nước nắm giữ mà còn sắp xếp các doanh nghiệp này theo các cơ quan chủ quản. Đồng nghĩa với việc gán trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, việc thoái vốn 137 DNNN trong thời hạn 5 năm cũng là một mục tiêu đầy tham vọng trong bối cảnh nhiều thách thức, khó khăn như hiện nay.

“Trước đến nay chúng ta nói nhiều đến thoái vốn mà không biết thoái được chỗ nào, doanh nghiệp nào cần thoái. Do đó, động thái lần này là một điểm rất tốt. Mình phải biết nó nằm ở đâu thì mới theo dõi, giám sát, đánh giá được việc thực hiện. Có như vậy mới tăng tính công khai, minh bạch, tăng trách nhiệm giải trình... Rõ ràng nó sẽ tạo ra áp lực để thực hiện thoái vốn”, ông Nguyễn Đình Cung nhận xét.

Mặt khác, ông cũng lưu ý để thoái vốn thành công cần phải có sự thay đổi về nhận thức xã hội cũng như nhận thức quản lý. Bởi dù key word là: công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường, không làm thất thoát vốn nhà nước nhưng khi thực hiện vẫn phải có sự linh hoạt.

Giá bán là một ví dụ. Việc thoái vốn doanh nghiệp nhà nước có thể hiểu như bán một món hàng, nếu hôm nay không ai mua thì để kích cầu, có thể giảm giá xuống. Hoặc tuỳ theo tình hình thực tế bán với giá rẻ hơn vì đang cần gấp một khoản vốn đầu tư nhanh trong một khoản thời gian, về lâu về dài sẽ tạo ra lợi lớn hơn.

“Như vậy, xét về tổng thế lợi ích sẽ lớn hơn. Tư nhân vẫn làm như thế, họ có thể bán rẻ ở một thời điểm để thu hồi vốn nhanh, làm việc khác tốt hơn. Đó cũng chính là cơ chế thị trường”, ông nói.

Nhưng để thực hiện được như vậy, người thoái vốn phải có quyền linh hoạt hạ thấp giá xuống. Trên thực tế, thủ tục hành chính cho những việc điều chỉnh như thế đang quá phức tạp, kéo dài trong nhiều tháng khiến cho giá cả không theo kịp với thay đổi của thị trường.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Đình Cung cũng nhấn mạnh cần phải nhìn vào cái tổng thể chứ không phải là những hành vi cụ thể. Bởi nếu nhìn tiểu tiết, không toàn cảnh thì không khác gì vừa chạy vừa nhìn xuống chân mình.

“Ví dụ làm 100 dự án, thành công 95 cái, thất bại 5 cái thì thanh kiểm tra chỉ tập trung vào 5 cái thất bại. Trong đầu tư, làm được như vậy đã là thành công lớn. Cần phải có cái nhìn tổng thể chứ đầu tư thì không tránh khỏi được mất mát, rủi ro”, ông Cung cho biết.

Theo đó, ông cho rằng đấy không mang tính chất thị trường, và không công bằng đối với những người thực hiện thoái vốn ở các DNNN. Nó cũng đồng thời làm mất đi tính sáng tạo, chấp nhận rủi do của người quản lý, đầu tư kinh doanh.

“Cách kiểm tra, phê phán,... chỉ cổ vũ cho những người không làm gì!”, ông nhấn mạnh.

Khi được hỏi về tính khả thi của quyết định mới này, Viện trưởng Viện CIEM cho rằng nó đang ở bước đầu, chỉ có thể nói được rằng nó đang tốt hơn, đang tạo những áp lực để thực hiện cải cách, sắp xếp. Dù lộ trình chưa được cụ thể, nhưng đã có thời hạn, tạo điểm rơi cho các Bộ, ban ngành liên quan nhìn vào đó để thực hiện.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên