Từng khẳng định có kim cương, sổ đỏ tính bằng ''ký'', nộp thuế đất cả nghìn tỷ, vợ chồng ông chủ Đại Nam đang kinh doanh những gì?
Kim cương tính bằng ký, sổ đỏ tính bằng cân, đóng hơn 1.200 tỷ tiền thuế đất, hiến đất ủng hộ chống dịch 1.000 tỷ đồng,… là những tài sản của vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng - chủ doanh nghiệp Đại Nam.
- 25-03-2022Trong đêm, công an kết thúc việc khám xét biệt thự và một căn nhà khác của bà Phương Hằng, thu giữ nhiều tài liệu
- 24-03-2022Chân dung nữ CEO Nguyễn Phương Hằng vừa bị khởi tố, bắt tạm giam
- 24-03-2022Công an TP.HCM: Bà Phương Hằng nhục mạ người khác, không hợp tác, coi thường pháp luật
Ông Huỳnh Uy Dũng được xem là một trong những doanh nhân thành công khá sớm nhờ bất động sản. Cơ nghiệp của vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng (được biết đến với biệt danh "Dũng lò vôi" và "Hằng Canada") gắn với Công ty cổ phần Đại Nam - nơi bà Hằng đang là người giữ chức Tổng giám đốc điều hành còn ông Dũng là Chủ tịch HĐQT.
Tọa lạc tại 1765A Đại lộ Bình Dương, phường Hiệp An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Đại Nam có thể được coi là siêu dự án tâm linh kết hợp du lịch đầu tiên của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Tiền thân là Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Thanh Lễ, Công ty cổ phần Đại Nam được thành lập vào tháng 3/1996 tại Bình Dương. Tháng 1/1999, công ty này được đổi tên là Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Sóng Thần. Tháng 4/2007, Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Sóng Thần chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Đại Nam.
Đại Nam hoạt động đa ngành với 127 ngành nghề đăng ký. Trong đó, xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư, khu du lịch… là các mảng then chốt đem về tài sản lớn cho ông bà Dũng - Hằng.
Đại Nam và những pháp nhân khác do ông Huỳnh Uy Dũng làm đại diện pháp luật
Cụ thể, về bất động sản, Đại Nam là chủ đầu tư của 7 dự án lớn tại Bình Dương gồm: Khu đô thị Trung tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu tái định cư Sóng Thần 2, Khu nhà ở Sóng Thần 2, Khu nhà ở Sóng Thần 2 mở rộng, Khu đô thị Thương mại dịch vụ Sóng Thần, Khu dân cư Đại Nam - Bình Phước và Khu dân cư Tân An 2. Nhiều người đánh giá những dự án bất động sản này đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị tại tỉnh Bình Dương.
Ngoài đất nhà ở, khu đô thị, 2 khu công nghiệp là Khu công nghiệp Sóng Thần 2 và Khu công nghiệp Sóng Thần 3 cũng thuộc sở hữu của vợ chồng ông Dũng.
Khu công nghiệp Sóng Thần III
Trong buổi livestream trên trang cá nhân ngày 11/5/2021, bà Nguyễn Phương Hằng tiết lộ sau gần 15 năm về chung sống, vợ chồng bà đang sở hữu khoảng 30ha đất khu dân cư đã được cấp sổ đỏ. Theo đó, sổ đỏ hai vợ chồng doanh nhân này có được tính bằng ''ký'': "Tôi ở bao nhiêu căn nhà mặt tiền, sổ đỏ tôi cân ký đó nhưng tôi chưa bao giờ đem điều đó là tự hào" - bà Hằng kể.
Ở một clip đếm sổ đỏ khác, theo lời ông Dũng chia sẻ thì 1 tập có 127 sổ và tập còn lại là 255 sổ, mỗi sổ là một lô đất. Được biết, 127 sổ tương đương với 19.909,6m2 đất trị giá ước tính 1.000 tỷ đồng. Với sở hữu ''khủng'' về bất động sản, Cục Thuế Bình Dương cho biết, năm 2020, Công ty Cổ phần Đại Nam đã nộp 1.234 tỷ đồng tiền sử dụng đất cho ngân sách tỉnh Bình Dương.
Tập sổ đỏ được ông Dũng "lò vôi" mang ra quay chụp
Trong lĩnh vực du lịch, doanh nghiệp của vợ chồng bà Hằng, ông Dũng “lò vôi” hiện đang sở hữu Khu du lịch Đại Nam (Khu du lịch giải trí - tâm linh Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến) rộng 450 ha tại Bình Dương, kinh phí xây dựng lên tới 6.000 tỷ đồng. Đây là một trong những khu du lịch lớn nhất Việt Nam hiện nay, nắm giữ vô số kỷ lục gây tiếng vang cả trong nước lẫn quốc tế.
Ngày 6/5/2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Đại Nam thông báo tạm ngừng hoạt động nhằm chung tay phòng chống dịch Covid-19. Ngay sau đó, xuất hiện tin đồn khu du lịch 6.000 tỷ bị "rao bán" và giải thể. Tuy nhiên ông bà chủ của Đại Nam đã lên sóng xác nhận chuyện không bán Đại Nam cho bất cứ bên nào. CEO của Đại Nam cũng treo thưởng cho ai dám khẳng định, đưa ra bằng chứng về việc bà rao bán khu du lịch này với giá tiền lên đến 20 tỷ.
Khu du lịch Đại Nam rộng 450 ha với vốn đầu tư lên đến 6.000 tỷ đồng.
Năm 2016, vợ chồng bà Phương Hằng tiếp tục đầu tư vào Trường đua Đại Nam. Dự án này có diện tích khoảng 60 ha nằm ngay tại khu du lịch, khoảng 30 ha dành để làm bãi xe có mái che và khán đài cho khách ngồi xem với sức chứa từ 50.000 - 60.000 khán giả. Ước tính nguồn vốn đầu tư cho dự án này khoảng 100 triệu USD.
Được biết, Trường đua Đại Nam khởi công xây dựng vào ngày 26/7/2016 với tổng diện tích khoảng 60ha, hoàn thành vào ngày 29/1/2017. Trường đua Đại Nam là công trình thể thao tốc độ phức hợp đầu tiên tại Việt Nam có sự kết hợp của 5 loại hình: đua ngựa, đua chó, đua mô tô, đua go-kart, jet-ski - biểu diễn fly-board.
Trường đua Đại Nam
Theo tìm hiểu, ngoài Công ty cổ phần Đại Nam, vợ chồng ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng còn liên quan tới loạt doanh nghiệp khác tại Bình Dương như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du lịch Đại Nam Thần Tiên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và Xây dựng Đại Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Tân Khai, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoàng Gia Tân Định.
Đáng chú ý, cặp doanh nhân này còn đánh dấu lấn sân sang lĩnh vực y tế bằng việc xây dựng Công ty Cổ phần Glove Đại Nam - công ty chuyên cung cấp găng tay y tế Nitrile vào tháng 9/2020. Ra đời vào thời điểm dịch diễn biến phức tạp, tuy nhiên bà Nguyễn Phương Hằng tiết lộ số vốn đầu tư cho dự án này lên đến 1 tỷ USD.
Nhà máy của ông chủ Đại Nam có tên gọi Glove Đại Nam (trực thuộc hai công ty là Công ty cổ phần Glove Đại Nam và Công ty cổ phần Glove Hằng Hữu) được xây dựng tại Khu Công nghiệp Sóng Thần 3 thuộc trung tâm Tỉnh Bình Dương. Hằng Hữu cũng chính là tên con trai của ông Huỳnh Uy Dũng.
Theo thông tin trên website của Glove Đại Nam, nhà máy có công suất đạt 36,8 triệu thùng mỗi năm. Trong đó, chủ lực là găng tay Nitrile được làm từ cao su tổng hợp Acrylonitrile Butadiene. Theo ông Dũng chia sẻ, nhà máy được xây dựng với quy mô trước mắt khoảng 30 dây chuyền sản xuất.
Nhà máy Glove Đại Nam từng được chú ý vì trao tặng 20.000 găng tay y tế cho tuyến đầu chống dịch
Ngoài khối tài sản đăng ký doanh nghiệp, ông Dũng và bà Hằng còn sở hữu khối tài sản cá nhân kếch xù gồm kim cương ''tính bằng ký'' và dàn siêu xe đắt đỏ bậc nhất như Rolls-Royce Phantom, Rolls-Royce Ghost Series II, Bentley Mulsanne EWB, Mercedes-Maybach S600,... Mỗi chiếc xe của chủ sở hữu Đại Nam đều có giá lên đến hàng chục tỷ đồng, tính nhẩm cả BST lên đến trăm tỷ.
Tháng 5/2020, ông Huỳnh Uy Dũng tuyên bố ngừng kinh doanh và chuyển vai trò điều hành cho vợ ông là bà Nguyễn Phương Hằng, để tập trung vào công việc thiện nguyện bằng cách bán những tài sản ông đã tạo dựng trong hàng chục năm chinh chiến trên thương trường.
Không chỉ nổi tiếng vì giàu có, vợ chồng chủ Đại Nam còn gây xôn xao dư luận suốt một thời gian dài vì những phát ngôn ''động trời'' của bà Hằng trên mạng xã hội, tác động đến chính quyền và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong nước. Ngày 24/3/2022, bà Nguyễn Phương Hằng chính thức bị Công an TP. HCM bắt tạm giam và khởi tố theo Điều 331, Bộ luật hình sự sau những hành vi của mình. Bà có thể phải đối diện với mức án cao nhất lên đến 7 năm tù giam và nhiều tội danh khác.
Đêm 24/3/2022, lực lượng chức năng đã phong tỏa và kết thúc việc khám xét biệt thự và một căn nhà khác của bà Phương Hằng, thu giữ nhiều tài liệu. Đây cũng là 2 bất động sản có quy mô bề thế tại khu vực trung tâm Tp.HCM.
Cơ quan CSĐT Công an TPHCM khám xét tại căn nhà của bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, ngụ quận 3) tại số 17-19 đường Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, quận 1. Ảnh: Kênh 14
Căn biệt thự tại đường Nguyễn Thông