MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Từng phỏng vấn 3.000 ứng viên khác nhau, tôi nhận ra đa số người trẻ đều có chung 3 sai lầm tai hại làm thui chột tài năng, đánh mất cơ hội tỏa sáng

26-05-2019 - 23:18 PM | Sống

Câu chuyện phỏng vấn tuyển dụng của một nhà quản lý lâu năm khiến người trẻ nhận ra, muốn thành công, nhất định phải có được phẩm tính này.

Vài ngày trước, tôi có tham gia một buổi thảo luận riêng tư về cách gây dựng sự nghiệp. Rất nhiều đàn anh thành công và nổi tiếng đã chia sẻ những kinh nghiệm quý giá mà bản thân đã gặt hái được trong suốt quá trình kinh doanh. Nhưng điều khiến tôi ấn tượng nhất là câu chuyện của một nhà quản lý nhân sự chuyên nghiệp về cách đánh giá một nhân viên có tiềm năng hay không.

Cho dù bản thân đã gây dựng sự nghiệp nhiều năm, cũng là một cổ đông góp vốn lớn của công ty hiện tại, nhưng nhà quản lý này vẫn đích thân tham gia vào mỗi một quá trình phỏng vấn của hơn 600 công nhân viên trong doanh nghiệp. Từng phỏng vấn hơn 3.000 ứng cử viên, thiết lập một bản phân tích nguyên nhân thành và bại cho mỗi người, nhà quản lý này đã đưa ra một phán đoán về những phẩm chất khiến người trẻ dễ dàng thất bại trong sự nghiệp của mình. Cụ thể để minh họa, trong câu chuyện của mình, nhà quản lý này kể về quá trình phỏng vấn và bị từ chối của một lập trình viên 34 tuổi.

Có ba lý do chính khiến ứng cử viên này bị từ chối:

1. Không có tầm nhìn dài hạn rõ ràng về cuộc sống nên dù đã 34 tuổi, người này vẫn thường xuyên đổi công tác vì những vấn đề nhỏ nhặt

Trong lý lịch cho thấy, ứng cử viên này đã nhảy việc 5 lần trong 10 năm qua. Trong đó, có hai lần là do không phù hợp với lãnh đạo và đồng nghiệp, một lần vì chênh lệch mức lương (không lớn) giữa hai công ty, một lần vì công việc mới gần nhà và dễ đi lại hơn... Còn trong lần phỏng vấn này, anh ta cũng cho biết nguyên nhân mình tới ứng cử là do biết công ty chuẩn bị được lên sàn chứng khoán nên có tiền đồ tươi sáng hơn.

Từng phỏng vấn 3.000 ứng viên trẻ khác nhau, tôi nhận ra đa số người trẻ đều có chung 3 sai lầm tai hại làm thui chột tài năng, đánh mất cơ hội tỏa sáng - Ảnh 1.

Nhà quản lý cảm thấy rằng, theo đuổi lợi ích của bản thân thì không có gì đáng trách, nhưng chỉ vì những vấn đề nhỏ nhặt như thế mà thường xuyên thay đổi công tác, hiển nhiên, người đàn ông này không có tính kiên định và một tầm nhìn dài hạn cho cuộc sống. Do đó, khả năng chịu áp lực và năng lực chấp hành công việc của anh ta cũng có nhiều vấn đề. Đặc biệt là ở vào độ tuổi này, không gian để tiếp tục bồi dưỡng và phát triển sẽ không đủ lớn.

2. Thiếu suy nghĩ và quyết tâm

Khi nhà quản lý đề ra một số mục tiêu khó khăn để thử thách tư duy, ứng cử viên này liền ấp úng, cho rằng bản thân không thể đạt tới mục tiêu đó, không quên dùng rất nhiều lý do để cường điệu hóa sự khó khăn và bất khả thi của mục tiêu được đề ra.

Nhà quản lý nhận xét: Một người nhân viên chỉ nghĩ "Mình có tài nguyên gì, từ đó làm được điều gì" mà không nghĩ "Mình muốn làm cái gì, cho nên phải đi tìm tài nguyên gì" thì sẽ khó lòng đạt được thành tựu lớn. Hiển nhiên, tiềm lực tương lai của một nhân viên như vậy cũng không có gì nổi bật.

3. Thiếu nghị lực và năng lực nghiên cứu chuyên sâu

Tuy đã công tác nhiều năm trong lĩnh vực chuyên ngành của mình nhưng vị lập trình viên này chỉ đạt kỹ năng ở mức thuần thục chứ không có nghiên cứu gì chuyên sâu hơn. Ngoài ra, với những lĩnh vực không liên quan, anh ta cũng không thể hiện được điều gì sâu sắc, hiển nhiên chứng tỏ năng lực học tập và công tác không quá nghiêm túc. Cho dù 10 năm nữa trôi qua, năng lực của anh ta cũng chỉ có thể dừng lại ở mức kĩ thuật viên lành nghề chứ không thể trở thành trụ cột khai thác và phát triển những nguồn lực mới.

Đến đây, cách tổng kết của nhà quản lý đã khiến tôi ấn tượng cực kỳ sâu sắc. Sự nghiệp của một người sẽ kéo dài bao lâu, 10 năm, 20 năm hay 50 năm, đều dựa vào tiềm lực và tầm nhìn của họ, không vì cái lợi nhỏ trước mắt mà từ bỏ giá trị lâu dài.

Từng phỏng vấn 3.000 ứng viên trẻ khác nhau, tôi nhận ra đa số người trẻ đều có chung 3 sai lầm tai hại làm thui chột tài năng, đánh mất cơ hội tỏa sáng - Ảnh 2.

Không cần nhanh, miễn là đừng dừng lại.

Với một người có mục tiêu vĩ đại, có kiên trì để đạt tới đỉnh thành công, thì dù hiện thực khó khăn và gặp nhiều trắc trở đến mấy, anh ta vẫn sẽ tìm mọi cách để vượt qua và thực hiện mục tiêu của chính mình. Cho nên, mục tiêu càng lớn, sự kiên định càng nhiều, thì tiềm lực phát triển của một người sẽ càng xuất sắc. Ngược lại, nếu bản thân mình còn không biết mình muốn gì, không đặt ra được một tầm nhìn dài hạn thì sẽ bị những ích lợi ngắn hạn thao túng. Ví dụ như vị lập trình viên 34 tuổi kia, hôm nay có thể nhảy việc chỉ vì mức lương cao hơn một chút thì ngày mai cũng có thể nhảy việc chỉ vì địa điểm đi lại thuận tiện hơn, và ngày sau, anh ta sẽ càng có nhiều lý do hơn nữa để tiếp tục thay đổi công tác của mình.

Nhà quản lý từng đặt câu hỏi với chúng tôi rằng: Nếu nhân viên của anh đã hơn 30 tuổi mà chỉ vì một chút chênh lệch nhỏ trong mức lương đã đánh mất lòng trung thành, không thể tập trung nghiên cứu kỹ thuật, học quản lý, giúp đỡ đồng nghiệp và cấp trên hoàn thành nhiệm vụ, anh cho rằng người đó có phải một nhân tài tiềm lực hay không? Có đáng để dành tài nguyên bồi dưỡng anh ta hay không?

Câu trả lời quá rõ ràng. Tất cả chúng tôi đều cho rằng: Không đáng.

Cuộc đời giống như một cuộc thi chạy marathon đường dài. Chỉ có những ai đủ tiềm lực chân chính mới có thể hoàn tất hành trình và đạt thành tích tốt. Không ngừng kiên định tiến về phía trước và thoát khỏi những cám dỗ dọc đường, chúng ta mới có thể đạt tới đích thành công.

*Theo Baidu

Phương Thúy

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên