MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ giá USD/VND đã qua "cơn bĩ cực"?

05-12-2016 - 14:32 PM | Tài chính - ngân hàng

Tỷ giá USD/VND đến cuối năm sẽ có thêm các áp lực tăng giá do nhu cầu vào mùa cao điểm cho ngoại tệ để thanh toán và đầu cơ. Ngoài ra, khả năng lớn Fed sẽ gia tăng lãi suất trong tháng 12 sẽ là yếu tố quan trọng làm giảm giá trị đồng VND vào cuối năm.

Thời gian gần đây, thị trường ngoại hối Việt Nam đã trải qua giai đoạn biến động nhất kể từ đầu năm nay. Tỷ giá USD/VND đã duy trì đà tăng mạnh trong vòng nửa cuối tháng 11.

Theo phân tích của chuyên viên vĩ mô CTCK Bản Việt (VCSC), đồng USD tăng giá và nhu cầu cao hơn cho ngoại tệ trên thị trường trong nước là 2 nguyên nhân chính khiến đồng VND trượt giá Đồng USD mạnh hơn, được thúc đẩy từ số liệu kinh tế tích cực tại Mỹ và kế hoạch kích thích tài khóa của ông Trump, dẫn đến khả năng lớn Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 12.

Diễn biến này, cùng với giá trị đồng Nhân Dân tệ (CNY) – trượt giá 2% kể từ ngày 8/11, đạt mức 6,9 CNY/USD ngày 23/11, mức thấp nhất trong 8 năm – đã tạo ra áp lực giảm giá lớn đối với VND do đây là 2 loại tiền tệ có tỷ trọng lớn nhất trong giỏ ngoại hối của Việt Nam. Đồng VND đã được kiểm soát ở mức ổn định trong thời gian dài trong khi đồng CNY liên tục trượt giá trong năm nay.

Nếu đồng tiền VND tiếp tục duy trì ổn định, Việt Nam sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc và thâm hụt thương mại với Trung Quốc sẽ gia tăng. Một lý do khác là nhu cầu USD lớn để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu và thanh toán nợ vào thời điểm cuối năm. Nhu cầu cho USD cũng được thúc đẩy bởi sự kỳ vọng sự tăng giá của đồng tiền này sẽ khiến các NĐT nắm giữ hoặc mua USD để đầu cơ trong tương lai.


Tỷ giá USD/VND. Nguồn: Bloomberg.

Tỷ giá USD/VND. Nguồn: Bloomberg.

Theo số liệu thương mại được được công bố bởi Tổng Cục Hải quan, sau khi ghi nhận mức thâm hụt thương mại 445 triệu USD trong tháng 10, Việt Nam tiếp tục ghi nhận thâm hụt 570 triệu USD trong nửa đầu tháng 11, làm giảm thặng dự thương mại từ đầu năm còn 2,7 tỷ USD. Việc thâm hụt thương mại trở lại làm giảm thăng dự thương mại từ đầu năm, góp phần làm giảm nguồn cung USD, tạo ra thêm áp lực giảm giá cho VND.

Tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục gia tăng?

"Chúng tôi kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục gia tăng và có thể trượt giá 2-3% trong năm 2016", báo cáo VCSC nhận định.

Tỷ giá USD/VND đến cuối năm sẽ có thêm các áp lực tăng giá do nhu cầu vào mùa cao điểm cho ngoại tệ để thanh toán và đầu cơ. Ngoài ra, khả năng lớn Fed sẽ gia tăng lãi suất trong tháng 12 sẽ là yếu tố quan trọng làm giảm giá trị đồng VND vào cuối năm. Thâm hụt thương mại dự kiến trong 2 tháng cuối năm sẽ làm giảm nguồn cung ngoại tệ.

Mặt khác, có một vài yếu tố có thể là yếu tố trung hòa áp lực trượt giá của đồng VND. Vốn FDI giải ngân mạnh mẽ (11 tháng 2016: 14,3 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ), dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tương lai gần, dòng vốn kiều hối dồi dào ước tính đạt 12 tỷ USD hoặc cao hơn trong năm nay, dự báo thăng dự thương mại vào cuối năm, và lượng vốn ngoại tệ lớn thu được đợt thoái vốn nhà nước khỏi các các công ty quốc doanh sẽ làm gia tăng nguồn cung USD.

NHNN sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình bình ổn tỷ giá

NHNN có thể sử dụng chính sách tiền tệ để ổn định tỷ giá khi có đà tăng nóng. Mức gia tăng của lãi suất liên ngân hàng (lãi suất qua đêm 1,15% ngày 24/11) và lãi suất tín phiếu (kỳ hạn 14 ngày: 1,6%, 28 ngày: 2,5% ngày 24/11) phản ánh nguồn cung tiền tệ đang được thắt chặt, có thể sẽ giúp giữ giá đồng VND so với USD. Ngày 17/11, NHNN chính thức kéo dài hoạt động cho vay ngoại tệ cho đến ngày 31/12/2017 thay vì chỉ kéo dài đến cuối năm nay như kế hoạch trước đây. Sự kéo dài này dự kiến sẽ làm giảm áp lực cho nhu cầu USD để thanh toán nợ ngoại tệ vào cuối năm nay. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối cao hơn 40 tỷ USD giúp NHNN có thể can thiệp vào thị trường khi cần thiết để cân bằng cung cầu đồng USD.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên