MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

UBGSTC: Vẫn còn yếu tố hỗ trợ giảm lãi suất cho vay trong quý IV

09-10-2017 - 07:11 AM | Tài chính - ngân hàng

Cơ chế pháp lý về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội là một trong các yếu tố mà Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng sẽ hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất quý này.

Một số ngân hàng gần chạm trần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia về thị trường tài chính 9 tháng đầu năm, thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhìn chung khá tốt.

Tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống đạt khoảng 87,2%, tăng so với mức 87% thời điểm cuối quý II và cao hơn khá nhiều so với cuối năm 2016 (85,47%) và năm 2015 (85,6%). Tỷ lệ LDR bằng VND là 88%, bằng ngoại tệ là 73%.

Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn bình quân của hệ thống TCTD ước khoảng 33,4%, giảm nhẹ so với cuối năm 2016 (34,5%). Tuy vậy, theo Ủy ban Giám sát tài chính, tỷ lệ này tại một số TCTD cao sát mức trần quy định 50% tại Thông tư 06 của NHNN.

Đến nay, NHNN đã hoàn tất lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo sửa đổi lần 2 Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Một trong các nội dung thay đổi quan trọng là việc giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Thông tư 06/2016 sửa đổi Thông tư 36/2014 quy định sẽ giảm tỷ lệ này về mức 40% vào đầu năm 2018 tới đây. Tuy nhiên, nếu dự thảo nay được thông qua, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ ngày 1/1/2018 sẽ giảm từ 50% xuống 45% đối với Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Mức 40% sẽ được áp dụng từ đầu năm 2019.

Vẫn còn yếu tố hỗ trợ giảm lãi suất cho vay trong quý IV

Nhờ thanh khoản khá tốt, lãi suất huy động VNĐ giảm nhẹ. Tính đến tháng 9, lãi suất huy động bình quân giảm 0,03-0,05 điểm % so với cuối quý 2/2017 và tương đương so với thời điểm đầu năm.

Báo cáo của UBGSTCQG cũng cho biết lãi suất cho vay giảm nhẹ, đặc biệt đối với các lĩnh vực ưu tiên. Hiện tại, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm từ 0,5-1%; đối với khách hàng tốt còn khoảng 4-5%/năm.

Theo số liệu của NHNN, tính tới thời điểm cuối tháng 8, mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.

Tiếp tục giữ nguyên nhận định tương tự các tháng trước đó, Ủy ban cho rằng vẫn còn những yếu tố hỗ trợ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong quý IV/2017.

Thứ nhất, áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn do chỉ số Dollar Index đã giảm khá mạnh. Cùng đó, theo Ủy ban, lạm phát nhiều khả năng trong tầm kiểm soát (dưới 4%). Việc phát hành TPCP các tháng cuối năm chỉ còn chưa tới 20% kế hoạch, lợi suất TPCP các kỳ hạn vẫn thấp hơn khoảng khoảng 1-1,5 điểm % so với đầu năm 2017, tạo điều kiện hỗ trợ lãi suất. Cuối cùng, một yếu tố hỗ trợ quan trọng khác đến từ phía cơ chế, pháp lý về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội.

Theo Thanh Thủy

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên