MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ukraine loại trừ âm mưu khủng bố trong vụ tai nạn máy bay thảm khốc ở Iran, vận hạn tiếp tục đeo bám Boeing

08-01-2020 - 17:02 PM | Tài chính quốc tế

Đại sứ quán Ukraine ở Iran đã loại trừ nguyên nhân khủng bố trong vụ tai nạn máy bay làm gần 180 người thiệt mạng sáng 8/1, chỉ ra lỗi động cơ khiến chiếc Boeing 737 gặp nạn.

Theo thông tin chính thức từ cơ quan đại diện cho Ukraine ở Tehran, chiếc Boeing 737-800 của hãng hàng không nước này gặp nạn do sự cố với động cơ. "Theo thông tin ban đầu, máy bay rơi do trục trặc động cơ. Tấn công khủng bố hay trúng tên lửa hiện đã được loại trừ", Đại sứ quán Ukraine cho biết.

Hiện tại, Cơ quan Hàng không Dân dụng Iran đang chịu trách nhiệm điều tra vụ tai nạn thảm khốc. Một đội chuyên gia đã được lựa chọn nhằm làm sáng tỏ nguyên nhân sự cố với chuyến bay số hiệu PS752 của hãng hàng không Quốc tế Ukraine, gặp nạn chỉ 2 phút sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế ở Tehran tới Kiev của Ukraine. Hộp đen của máy bay đang được tìm kiếm.

Theo thông báo chính thức của Ukraine International Airlines, chiếc phi cơ gặp nạn được sản xuất năm 2016. Cụ thể, đây là chiếc Boeing 737-800NG có số hiệu đăng ksy UR-PSR. Nó được sản xuất năm 2016. Boeing giao trực tiếp chiếc máy bay này cho hãng hàng không Ukraine International Airlines. Như vậy, chiếc phi cơ gặp nạn có tuổi đời chưa tới 4 năm và được sử dụng bởi duy nhất một nhà khai thác.

Hiện tại, Ukraine International Airlines đã đình chỉ tất cả các chuyến bay đến Tehran. Hãng hàng không cũng đã bày tỏ lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân của vụ tai nạn và cam kết tìm mọi cách để hỗ trợ thân nhân những người thiệt mạng. Tuy nhiên, chính Ukraine International Airlines cũng chưa thể xác định chính xác số người có mặt trên máy bay. Dữ liệu so bộ cho thấy phi cơ có 167 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn lúc gặp nạn.

Ukraine loại trừ âm mưu khủng bố trong vụ tai nạn máy bay thảm khốc ở Iran, vận hạn tiếp tục đeo bám Boeing  - Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn.

Hiện tại, Kiev cho biết trên chiếc máy bay gặp nạn có công dân Iran, Canada, Ukraine, Thụy Điển, Afghanistan, Đức và Anh. Cụ thể, có 82 người Iran, 63 người Canada, 11 người Ukraine, 10 người Thụy Điển, 4 người Afghanistan, 3 người Đức và 3 người Anh. Những con số này đã được Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Vadym Prystaiko công bố.

Vụ tai nạn thảm khốc đã khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cắt ngắn chuyến đi tới Oman để trở về Kiev. Đây là chuyến đi riêng của nhà lãnh đạo Ukraine và gia đình, sử dụng kinh phí cá nhân. Tới thời điểm hiện tại, ông Zelensky chưa có bất cứ tuyên bố chính thức nào về vụ việc.

Trong khi đó, hình ảnh từ hiện trường vụ tai nạn cho thấy những mảnh vỡ máy bay nằm la liệt trên một khoảng diện tích rộng lớn. Sau khi lao xuống, ngọn lửa bao trùm toàn bộ chiếc máy bay khiến nỗ lực cứu hộ bị cản trở cho tới khi ngọn lửa được khống chế. Chiếc máy bay biến dạng hoàn toàn. Chỉ có một vài mảnh vỡ lớn còn nguyên hình dạng.

Hình ảnh đầu tiên tại hiện trường cho thấy những vụ cháy rải rác khắp nơi cùng mảnh vỡ máy bay. Sự cố xảy ra lúc trời vẫn đang nhá nhem. Tuy nhiên, tình trạng chiếc máy bay cho thấy một vụ va đập rất mạnh giữa nó và mặt đất. Dường như chiếc máy bay lao thẳng xuống.

Chiếc máy bay gặp nạn chỉ 2 phút sau khi cất cánh. Vị trí nó rơi xuống là ngoại ô Tehran. Sự việc xảy ra chỉ vài giờ sau khi Iran nã tên lửa vào các căn cứ quân sự Iraq, nơi có lực lượng quân đội Mỹ đang đồn trú để trả thù cho vụ không kích sát hại tướng Qasem Soleimani, nhân vật quyền lực số 2 của Iran. Thời gian và thời điểm khiến nhiều người nghĩ tới một thảm kịch như từng xảy ra với MH17 ở miền đông Ukraine nhiều năm trước.

Tuy nhiên, thông báo sơ bộ của Ukraine đã loại trừ nguyên nhân sự cố là khủng bố hay bị trúng tên lửa. Trong trường hợp này, mọi ánh mắt tập trung về Boeing, nhà sản xuất chiếc 737-800 gặp nạn. Hiện tại, Boeing đang chìm trong cuộc khủng hoảng nghiêm trọng với 2 vụ tai nạn thảm khốc với dòng máy bay Boeing 737 Max làm gần 350 người thiệt mạng.

Ukraine loại trừ âm mưu khủng bố trong vụ tai nạn máy bay thảm khốc ở Iran, vận hạn tiếp tục đeo bám Boeing  - Ảnh 2.

Xác chiếc máy bay biến dạng hoàn toàn sau sự cố.

Sự cố với động cơ đã được chỉ ra là nguyên nhân tai nạn. Tuy nhiên, sẽ cần thêm các cuộc điều tra quy mô và cẩn trọng để xác định xem con người hay thiết kế của động gây ra sự cố thảm khốc. Hiện tại, Boeing từ chối đưa ra bình luận vì cho rằng họ cần thu thập thêm thông tin.

Hiện tại, trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa, cổ phiếu Boeing đã giảm 4,28 USD, tương đương 1,27% giá trị. Mức giảm này đã thổi bay toàn bộ thành quả của nó trong phiên giao dịch ngày 7/1 với mức tăng 1,06%.

Tình trạng căng thẳng giữa Mỹ với Iran sẽ khiến Boeing khó có thể tiếp cận các số liệu về sự cố thảm khốc hay tới hiện trường vụ việc. Tuy nhiên, nếu căng thẳng giữa Mỹ và Iran không tiếp tục leo thang, vấn đề của Boeing có thể sẽ được giải quyết một cách thuận lợi hơn.

Vụ tai nạn xảy ra chỉ vài ngày trước khi tân CEO David Calhoun chính thức lên nắm quyền. Ông Calhoun thay thế Dennis Muilenburg, người bị sa thải tháng 12/2019 sau 1 năm thảm họa với Boeing. Gã khổng lồ trong ngành sản xuất máy bay Mỹ vẫn đang quay cuồng giải quyết hậu quả với phi đội 737 MAX đang bị cấm bay trên khắp toàn cầu. Thậm chí, tình trạng nghiêm trọng đến mức Boeing đã phải ngừng toàn bộ hoạt động sản xuất dòng máy bay này. Thay đổi chỉ có thể đến khi Boeing 737 MAX được cấp phép bay trở lại.

Tham khảo: CNN

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên