Ước mơ giàu nhanh và thực tại phũ phàng trên chứng trường Trung Quốc
Cú lao dốc khiến 5.000 tỷ USD vốn hóa “bốc hơi” khỏi thị trường đại lục trong năm 2015 đã tác động rất lớn đến 106 triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ trên TTCK Trung Quốc – những người chỉ mới 1 năm trước đã hồ hởi rót rất nhiều tiền vào cổ phiếu.
- 10-06-2016Chính xác mà nói: Trung Quốc không phải “một” nền kinh tế
- 09-06-2016Trung Quốc: Robot trỗi dậy, công nhân ra đường
- 07-06-2016Trung Quốc có thể đối mặt với đại khủng hoảng
Tham vọng làm giàu từ thị trường chứng khoán của Fang Tao đã tắt ngấm khi một nửa số tiền mà anh rót vào cổ phiếu đã “không cánh mà bay” trong năm ngoái. Đã gần 1 năm trôi qua kể từ khi chứng khoán Trung Quốc lao dốc và bây giờ chỉ cần hòa vốn là Fang cũng đã cảm thấy hài lòng.
So với khi chứng khoán Trung Quốc đạt đỉnh vào tháng 6 năm ngoái, chàng trai 28 tuổi đang làm việc trong 1 nhà máy may ở Thượng Hải đã cắt giảm khoảng 15% tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư. Fang nhận định hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy chỉ số Shanghai Composite Index sẽ sớm quay trở lại thời kỳ hoàng kim dù Chính phủ Trung Quốc đã làm rất nhiều việc để hỗ trợ thị trường.
Cú lao dốc khiến 5.000 tỷ USD vốn hóa “bốc hơi” khỏi thị trường đại lục trong năm 2015 đã tác động rất lớn đến 106 triệu nhà đầu tư nhỏ lẻ trên TTCK Trung Quốc – những người chỉ mới 1 năm trước đã hồ hởi rót rất nhiều tiền vào cổ phiếu. Nhà đầu tư có cái nhìn thực tế hơn về thị trường và không chạy theo bong bóng đầu cơ là một tín hiệu rất tích cực về sự lành mạnh của chứng khoán Trung Quốc, nhưng kéo theo đó là một hệ lụy tiêu cực: các công ty gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn để đối phó với núi nợ cao kỷ lục.
“Mọi người đã nhận ra rằng thị trường không thể tăng điểm mãi mãi. Tạo ra một thị trường vốn lành mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp là thách thức khổng lồ đối với Chính phủ. Hoạt động phát hành cổ phiếu và tài trợ trực tiếp thông qua thị trường vốn đã suy giảm đáng kể”, Steve Wang – chuyên gia đến từ Reorient Financial Markets – nhận định.
Hoạt động IPO ở Trung Quốc đã bùng nổ trong năm 2015 và bây giờ đang nguội lạnh trở lại
Tầm ảnh hưởng của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên TTCK Trung Quốc lớn hơn bất kỳ thị trường lớn nào khác trên thế giới. Họ chiếm tới hơn 80% khối lượng giao dịch trên các sàn Thượng Hải và Thâm Quyến. Tỷ lệ ở Mỹ chỉ là 15%.
Bong bóng trên TTCK Trung Quốc bắt đầu phình to vào cuối năm 2014, khi các nhà hoạch định chính sách nước này nâng cao tầm quan trọng của thị trường chứng khoán và các kênh truyền thông nhà nước chạy một loạt bài báo ủng hộ người dân chơi chứng khoán. Số tài khoản mới được mở ra cũng như dư nợ ký quỹ đều tăng cao kỷ lục.
Tuy nhiên, khi thị trường đảo chiều cơn ác mộng thực sự đã ập đến. Chỉ số Shanghai Composite giảm hơn 30% chỉ trong 1 tháng và sau đó mức giảm lên đến 49%. Trong nỗ lực bảo vệ nền kinh tế đang tăng trưởng ở tốc độ thấp nhất 25 năm, Chính phủ Trung Quốc đã cho phép hàng trăm mã cổ phiếu ngừng giao dịch, cấm các cổ đông lớn bán ra và yêu cầu các quỹ quốc doanh tăng cường mua vào.
Cơn hoảng loạn không chỉ dừng lại ở Trung Quốc mà còn lan ra cả thế giới. Thậm chí Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Janet Yellen) cho rằng thị trường Trung Quốc biến động quá mạnh chính là một lý do để Fed trì hoãn tăng lãi suất hồi tháng 9 năm ngoái.
Chỉ trong 9 tháng, giá trị vốn hóa của TTCK Trung Quốc tăng gấp đôi và sau đó lại giảm một nửa
Thế nhưng chính sự can thiệp của Chính phủ vào thị trường là một trong những lý do khiến nhất khiến Zhang Kai quay lưng lại với cổ phiếu. Năm nay 28 tuổi và là chuyên viên phân tích tài chính cho một công ty tư vấn ở Bắc Kinh, Kai đã bán rút ra gần như toàn bộ 1,5 triệu nhân dân tệ (tương đương 229.000 USD) mà cậu và bố mẹ đã đầu tư vào cổ phiếu.
Kai cho biết anh chẳng còn niềm tin vào thị trường nữa. Kai từng suy nghĩ rằng mình là một nhà đầu tư chuyên nghiệp và do đó sẽ thắng lớn khi đối mặt với những nhà đầu tư non nớt thiếu kinh nghiệm tràn ngập trên TTCK Trung Quốc. Thế nhưng, rõ ràng là sự thực không phải như vậy. Những biện pháp can thiệp của Chính phủ đã khiến thị trường méo mó.
Wu Yuetian – người đang sống ở Hàng Châu và làm việc trong ngành cho vay trực tuyến – cũng có những trải nghiệm tương tự. Anh có 40.000 nhân dân tệ mắc kẹt trong những cổ phiếu cho đến nay vẫn đang ngừng giao dịch. Cuối cùng anh đổ tiền nhàn rỗi vào WMP – những sản phẩm đầu tư mang lại lợi suất cao (8-10%) nhưng cũng chứa đầy rủi ro. Tuy nhiên Wu cho rằng sản phẩm này còn an toàn hơn cổ phiếu.
Nhà đầu tư Trung Quốc quay lưng với thị trường chứng khoán, nhưng không phải là họ đang quay lưng với hoạt động đầu cơ. Nhiều người chuyển hướng sang thị trường bất động sản và hàng hóa. Giá nhà mới ở Thâm Quyến đã tăng vọt 62% trong năm vừa qua. Giá mọi hàng hóa (từ quặng sắt, thép, thậm chí là trứng) giao dịch trên các sàn giao dịch hàng hóa tương lai của Trung Quốc cũng đã tăng mạnh trước khi đảo chiều từ cuối tháng 4.
Wang cho rằng sự biến động của thị trường hàng hóa cho thấy nhà đầu tư nhỏ lẻ trên TTCK Trung Quốc vẫn còn phải học hỏi rất nhiều, nhưng hi vọng là tâm lý chơi chứng như đánh bạc sẽ giảm đi theo thời gian.
“Những cái cây không thể cứ lớn lên mãi mãi và cao đến tận trời được. Thị trường chứng khoán cũng vậy, không có thị trường nào tăng điểm mãi mãi”, Wang nói.