USD, Nhân dân tệ và đồng rúp đồng loạt quay đầu giảm, Bitcoin rơi sâu, vàng tăng giá
USD biến động mạnh trong phiên 7/6, tăng lên mức cao vào đầu phiên, nhưng giảm về cuối phiên khi thị trường chứng khoán Mỹ rũ bỏ trạng thái ủ ê lúc đầu phiên để hồi phục về cuối phiên.
- 07-06-2022Thống đốc NHNN: 4 tháng đầu năm đã xử lý được gần 55 nghìn tỷ đồng nợ xấu
- 07-06-2022Vì sao ''thừa tiền'' nhưng ngân hàng vẫn tăng lãi suất huy động?
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 7/6 theo giờ Việt Nam giảm 0,117% xuống ở 102,340, chủ yếu do đồng euro tăng 0,07% so với USD lên 1,0702 USD. Tuy nhiên, USD phiên này tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 20 năm so với yen Nhật, có lúc lên tới 132,99 JPY/USD, cao nhất kể từ ngày 3 tháng 4 năm 2002, do đường lối chính sách của hai ngân hàng trung ương khác xa nhau.
Chứng khoán Phố Wall cũng trải qua một phiên nhiều biến động, khi giảm điểm mạnh ngay từ lúc mở cửa, nhưng hồi phục phần nào sau đó, trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ - sẽ công bố vào cuối tuần này, với ước tính lạm phát tháng 5 vẫn tiếp tục tăng, mặc dù giá tiêu dùng cốt lõi, loại trừ lĩnh vực thực phẩm và năng lượng, có thể giảm so theo năm.
Thomas Martin, giám đốc danh mục đầu tư cấp cao của Globalt Investments (trụ sở ở Atlanta, Georgia), cho biết: "Lý do khiến đồng đô la hoạt động tốt trong thời gian qua là do Fed ‘tung hô’ rằng họ sẽ nâng lãi suất lên 50 điểm cơ bản và 50 điểm cơ bản và 50 điểm cơ bản và tất cả đều như vậy".
"Sau đó, đặc biệt là với đồng yên, Nhật Bản nói không, lạm phát không phải là vấn đề, chúng tôi không hiểu, vì vậy chúng tôi không tăng lãi suất, vì vậy chúng tôi không lùi bước để nới lỏng định lượng", ông Martin nói tiếp.
Thị trường tiền tệ đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tuần tới, và sau đó thêm 50 điểm vào tháng 7, thậm chí có thể thêm tương tự vào tháng 9.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda ng tiếp tục lặp lại quan điểm của mình rằng đồng yên yếu có lợi cho nền kinh tế nếu động thái đó không "quá sắc nét", với mục đích bình luận sau khi đồng tiền này giảm xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ.
Đồng yên Nhật kết thúc phiên 7/6 giảm 0,44% so với phiên liền trước, xuống 132,45 JPY/USD, trong khi bảng Anh giao dịch ở mức 1,2575 USD, tăng 0,36% so với phiên liền trước.
Đồng bảng Anh hồi phục so với USD sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tuần so với đồng bạc xanh, khi Thủ tướng Anh Boris Johnson vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm với 211 phiếu ủng hộ và 148 phiếu chống, tương đương 59% tỷ lệ ủng hộ.
Sau khi chạm mức cao nhất gần 20 năm là 105,01 vào ngày 13 tháng 5, chỉ số Dollar index đã giảm trở lại quanh mức 102, mặc dù báo cáo về số việc làm mạnh mẽ công bố hôm 3/6 đã giúp đồng USD tuần qua tăng tuần đầu tiên trong vòng 3 tuần.
Joe Saluzzi, đồng quản lý giao dịch tại Themis Trading ở Chatham, New Jersey, cho biết: "Chỉ số CPI thấp hơn có thể khiến Fed thoát khỏi thái độ diều hâu hung hăng trong tương lai và bạn chắc chắn sẽ thấy một đợt phục hồi của thị trường chứng khoán nếu họ rút lui".
Đồng đô la Australia phiên này tăng 0,35% so với đồng bạc xanh lên 0,722 USD, sau khi Ngân hàng Dự trữ Australia nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 0,85%, mức cao nhất trong 22 năm, và phát tín hiệu sẽ thắt chặt hơn nữa trong nỗ lực chiến đấu để kiềm chế lạm phát gia tăng.
Đồng rúp của Nga đã từ bỏ đà tăng và quay đầu giảm trong phiên vừa qua Bộ Tài chính nước này nới lỏng một chút kiểm soát vốn và sự tập trung của nhà đầu tư chuyển sang việc ngân hàng trung ương Nga dự kiến cắt giảm lãi suất vào cuối tuần.
Bộ Tài chính Nga cho biết các công ty tập trung vào xuất khẩu hiện được phép chuyển ngoại tệ sang tài khoản ở nước ngoài theo một số điều kiện nhất định, một động thái nhằm giúp thanh toán hàng nhập khẩu và ngăn chặn việc đồng rúp mạnh lên.
Kết thúc phiên 7/6, đồng rúp giảm 0,2% so với đồng USD, xuống 61,15 RUB/USD, mặc dù đầu phiên tăng 1%.
Nhân dân tệ cũng giảm khỏi mức cao nhất trong vòng nhiều tháng khi các nhà đầu tư đánh giá tốc độ hồi phục kinh tế của Trung Quốc sau khi Thượng Hải dỡ bỏ phong tỏa.
Trên thị trường giao ngay, nhân dân tệ giảm từ mức cao nhất trong tháng là 6,6391 CNY đạt được hôm 6/6 xuống 6,6650 CNY/USD vào lúc kết thúc ngày 7/6.
So với tiền đồng của Việt Nam, tỷ giá tham khảo USD tại Sở giao dịch NHNN phiên 7/6 mua vào ở mức 22.550 VND/USD và bán ra ở mức 23.250 VND/USD (không đổi cả 2 chiều mua bán); trên thị trường tự do niêm yết ở mức mua vào 23.780 đồng/USD và bán ra 23.850 đồng/USD, giá mua không đổi nhưng giá bán tăng 20 đồng so với phiên trước.
Tuần này, các nhà đầu tư sẽ nhận thông tin từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu về thông báo chính sách tiếp theo (vào thứ Năm, 9/6), và sau đó Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ công bố chính sách của mình vào tuần tới.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin giảm giá mạnh, mất 5,06% trong một phiên, xuống 29.850 USD lúc kết thúc ngày 7/6 theo giờ Việt Nam.
Giá Bitcoin ngày 7/6.
Giá vàng phiên này tăng do áp lực lạm phát tăng thúc đẩy nhu cầu tìm đến nơi trú ẩn an toàn, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 7/6 theo giờ Việt Nam tăng 0,6% lên 1.851,63 USD/ounce, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất một tuần là 1.836,10 USD trong cùng phiên; vàng kỳ hạn tháng 8 tăng 0,6% lên 1.854,00 USD.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metals cho biết: "Vàng đang được hỗ trợ bởi những lo lắng về lạm phát gia tăng, vốn là yếu tố tăng giá trong lịch sử đối với thị trường kim loại".
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk