MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vải thiều Bắc Giang vào mùa: Lại lo thương nhân Trung Quốc ép giá

16-06-2016 - 10:49 AM | Thị trường

Đầu mùa vải năm nay, do sản lượng vải tại Bắc Giang giảm, giá cả bấp bênh khiến người dân gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân góp phần dẫn đến tình trạng trên là do sự xuất hiện của gần 200 thương nhân Trung Quốc.

Hơn 200 thương nhân Trung Quốc

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, năm nay tổng sản lượng vải thiều ước đạt 130.000 tấn, trong đó vải chín sớm ước tính khoảng 23.000 tấn, chiếm 17,7%.

Mặc dù mới là đầu mùa nhưng tại các điểm thu mua vải tải tập trung ở Bắc Giang như thị trấn Chũ (huyện Lục Ngạn), chợ Kép (huyện Lạng Giang), Đồi Ngô (Lục Nam) đã nườm nượp người, phương tiện đến bán, thu mua vải. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hải quan ngày 15-6 tại các địa điểm trên, từ 6 giờ sáng, người dân đã vận chuyển vải ra các cơ sở thu mua vải tập trung, cảnh ùn tắc kèo dài từ 7 giờ sáng đến 8 giờ 30 phút do các thương lái thường tập trung thu mua với giá cao trong khoảng thời gian này vì vải lúc này là vải hái sớm, đẹp và còn tươi. Hiện tượng tắc đường phổ biến nhất tại các xã Phượng Sơn, Nghĩa Hồ, Hồng Giang, Giáp Sơn.

Theo khảo sát của phóng viên tại Bắc Giang cho thấy, giá vải dao động từ 20.000 - 35.000 đồng/kg tuỳ từng loại vải, thời điểm và địa phương các huyện. Giá phổ biến ở mức 20.000 - 30.000 đồng/kg. Cụ thể tại Tân Yên giá dao động từ 19.000 - 30.000 đồng/kg, Lục Nam từ 15.000 - 25.000/kg, Lục Ngạn từ 15.000 - 35.000 đồng/kg.

Theo chia sẻ của nhiều người dân tại Lục Ngạn, với giá bán như hiện tại người dân trồng vải đã bắt đầu có lãi nhưng qua tìm hiểu của phóng viên, do thời tiết không thuận lợi một số người dân trồng vải bị mất mùa nên có nhiều thiệt hại. Bởi từ đầu tháng 1 trở đi có nhiều ngày rét đậm, rét hại kèm theo mưa lớn khiến nhiệt độ xuống thấp ảnh hưởng đến quá trình phân hoá mầm hoa. Từ giữa tháng 2 đến đầu tháng 4, trời liên tục mưa phùn, nồm nhiều ngày không có nắng, độ ẩm cao nên ảnh hưởng đến quá trình ra hoa, đậu quả.

Do đó thời vụ năm 2016 muộn hơn so với cùng kỳ hàng năm khoảng 10 – 15 ngày. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tổng sản lượng vải thiều năm nay ước giảm 65.000 tấn (khoảng 30%) so với năm 2015. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Bắc Giang, chất lượng vải năm nay cao hơn những năm trước, các công đoạn chuẩn bị cho thu hoạch, tiêu thụ vải thiều dược chuẩn bị kỹ lưỡng. Vào vụ thu hoạch, toàn tỉnh có gần 3.000 điểm thu mua lớn nhỏ, với trên 1.500 thương nhân trong và ngoài nước về thu mua và giám sát tiêu thụ vải thiều. Trong đó, riêng thương nhân người Trung Quốc chiếm trên 200 người.

Theo ghi nhận của phóng viên tại Bắc Giang trong 2 ngày 14 và 15 -5, thương nhân hoạt động tích cực chủ yếu là người Trung Quốc, giá vải do vậy bị chi phối lớn bởi những thương nhân ngoại quốc này. Anh Hà - người dân trồng vải tại huyện Lục Ngạn cho biết: “Giá bán vải hiện nay trên thị trường phụ thuộc chủ yếu vào thương nhân người Trung Quốc do họ thường thu mua với số lượng lớn, giá cao hơn thương nhân trong nước. Nhưng cũng vì thế, giá vải trên thị trường cũng do họ quyết định. Lúc nào ít hàng thì họ đẩy giá thu mua lên cao, hàng nhiều thì bị ép giá xuống thấp, do giữa thương nhân Trung Quốc có sự liên kết ngầm nên giá vải do họ mua rất ít khi có sự chênh lệch”.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều trường hợp khi cân trung bình 100kg vải, thương lái trong nước sẽ trừ lá, quả sâu, dập… từ 10.000 - 12.000 đồng còn thương lái Trung Quốc chỉ trừ 7.000 đồng, (ở đây chưa tính đến việc thương lái trong nước cân sai-PV). Điều này khiến người trồng vải muốn bán cho thương nhân Trung Quốc hơn thương nhân trong nước, dẫn đến tình trạng thương nhân Trung Quốc dễ kiểm soát thị trường mua bán vải ở địa phương.

Đa dạng thị trường

Chia sẻ về những khó khăn trong mùa vải năm nay tại Bắc Giang, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết thêm: “Các thương nhân Trung Quốc là bạn hàng quen thuộc, truyền thống đối với Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn khó khăn do chưa có thông tin một cách cơ bản, bài bản về thị trường tiêu thụ vải thiều tại Trung Quốc, về chính sách biên mậu, về số lượng tham gia giám sát trong thu mua của các thương nhân người Trung Quốc. Đồng thời, còn tình trạng các thương nhân kinh doanh vải thiều không qua hợp đồng chính thức với hợp tác xã, doanh nghiệp cung ứng trên địa bàn tỉnh nên tính ổn định thấp”.

Ngoài ra, theo UBND tỉnh Bắc Giang, hiện nay thiếu các doanh nghiệp có tiềm lực, khả năng xuất khẩu vải thiều tươi đến các thị trường xa, khó tính; cơ sở hạ tầng, giao thông tại các cửa khẩu còn chưa đáp ứng được với lượng hàng hoá xuất khẩu dẫn đến tình trạng ùn tắc. Bên cạnh đó, vải thiều có tính mùa vụ cao, thời gian thu hoạch ngắn, chỉ trong vòng 1,5 tháng song đến nay chưa có giải pháp tối ưu để bảo quản vải trong thời gian dài sau khi thu hoạch để xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, Úc, EU… do đó vận chuyển đến các thị trường này thường phải bằng đường hàng không, chi phí rất cao.

Để tìm đầu ra cho sản phẩm, khắc phục khó khăn, tỉnh Bắc Giang và các cơ quan chức năng đang tìm cách để mở rộng thị trường tiêu thụ vải. Được biết UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức ký kết các chương trình hợp tác tạo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm hàng hoá chủ lực giữa TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có sản phẩm vải thiều Lục Ngạn.

Mặt khác, theo Vụ thị trường trong nước - Bộ Công Thương, thị trường xuất khẩu truyền thống sẽ được mở rộng từ thị trường Trung Quốc sang các nước ASEAN như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Malaysia rồi mở rộng sang Úc, Mỹ, Nhật. Nếu năm 2014 sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc là 95% thì năm 2015 còn 93% và tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm trong năm nay. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ vải trong nước cũng được mở rộng, thể hiện ở sản lượng xuất khẩu năm 2015 chỉ chiếm 45% (năm 2014 là 52%). Với việc đa dạng thị trường tiêu thụ vải trong và ngoài nước đã giúp chủ động thị trường, hạn chế quả vải bị ép giá, không để thương nhân Trung Quốc ép cân, ép giá như thông lệ.

Theo Quang Tấn

Báo hải quan

Trở lên trên