MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VAMC được tăng vốn lên 10.000 tỷ, hạn chót cho các DNNN hoàn tất thoái vốn khỏi các TCTD là 2018

25-07-2017 - 16:51 PM | Tài chính - ngân hàng

Đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng giai đoạn 2 đưa ra lộ trình khá rõ ràng cho hệ thống ngân hàng trong việc tái cơ cấu cũng như xử lý nợ xấu.

Theo Đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 19/7, lộ trình thực hiện đề án được quy định rõ cho các năm từ nay đến 2020.

Cụ thể, trong năm 2016, toàn hệ thống sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại đối với tổ chức tín dụng yếu kém và TCTD khác; Triển khai rà soát, sửa đổi, bổ sung khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ và xử lý nợ xấu.

Giai đoạn 2017 – 2018, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách về tiền tệ và xử lý nợ xấu; triển khai Basel II áp dụng phương pháp tiêu chuẩn đối với 10 ngân hàng thương mại. Trong giai đoạn này các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước có sở hữu cổ phần, vốn góp tại tổ chức tín dụng phải hoàn thành tiến độ thoái vốn tại các TCTD.

Và đáng chú ý, mô hình tổ chức và hoạt động của VAMC sẽ được hoàn thiện, tăng vốn điều lệ lên 5.000 tỷ đồng, từ mức 2.000 tỷ hiện tại.

Giai đoạn 2019 – 2020, các ngân hàng thương mại phải đáp ứng vốn tự có theo chuẩn Basel II, trong đó ít nhất 12-15 ngân hàng triển khai áp dụng Basel II. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC, không bao gồm nợ của các NHTM yếu kém, phải đưa về dưới 3%. Riêng vốn điều lệ của VAMC được tăng tiếp lên đủ 10.000 tỷ đồng.

Ngoài các điểm đáng chú ý liên quan nợ xấu và Basel II thì việc các doanh nghiệp Nhà nước được yêu cầu phải hoàn tất thoái vốn khỏi tổ chức tín dụng trước khi năm 2018 kết thúc cũng là một điểm quan trọng. Cho đến thời điểm này, việc thoái vốn khỏi TCTD vẫn được các DNNN kêu khó khăn do thị trường chưa phù hợp.

Có thể kể đến còn nhiều trường hợp chưa thoái vốn thành công như EVN vẫn đang nắm cổ phần tại ABBank; VNPT vẫn là cổ đông của MaritimeBank; Tổng công ty Bến Thành còn hiện diện tại ngân hàng OCB; Petrolimex ở PGBank; Tập đoàn dầu khí PVN ở PVcomBank...

Còn VAMC, trong năm 2016 công ty này đã được tăng vốn gấp 4 lần, từ mức 500 tỷ lên 2.000 tỷ. Với cơ chế đã được phê duyệt, vốn điều lệ của công ty này sẽ tiếp tục tăng vọt lên gấp 2,5 lần trong vòng 2 năm tới lên 5.000 tỷ và tiếp tục tăng gấp đôi nữa lên 10.000 tỷ vào năm 2020.

Cùng với nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu thì Đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với hoạt động xử lý nợ xấu cũng như tăng tiềm lực cho VAMC được kỳ vọng sẽ là tổng hợp các biện pháp tạo thành "cây đũa thần" giúp xóa tan nợ xấu và đưa hệ thống ngân hàng về chuẩn trong sạch, lành mạnh vào năm 2020.

Ngọc Thảo

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên