Vay tiền qua App: Cạm bẫy không lối thoát
Với hình thức vay nhanh gọn và dễ dàng, rất nhiều người đã sập bẫy vay tiền online lâm vào cảnh nợ nần, tán gia bại sản.
- 18-06-2020Kinh hoàng vay tiền qua ứng dụng với mức lãi “cắt cổ”
- 16-06-2020Công an TPHCM 'vạch mặt' các ứng dụng vay tiền có lãi suất cắt cổ
- 12-06-2020Tiền đã sẵn, chờ doanh nghiệp đến vay
Thời gian gần đây, nhiều người dùng mạng xã hội liên tục bị bủa vây bởi những lời quảng cáo mời gọi vay tiền hấp dẫn qua app điện thoại. Mặc dù đã được cảnh báo nhưng hiện nay các app cho vay tiền vẫn phát triển rầm rộ, lộng hành.
Trung tá, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy - Trưởng bộ môn luật hình sự, Học viện An ninh Nhân dân cho biết, tín dụng đen không phải là một vấn đề mới ở nước ta, tuy nhiên một vài năm gần đây các app cho vay tiền với nguồn gốc từ Trung Quốc đã tràn vào Việt Nam gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nhiều người trở thành nạn nhân của các app vay tiền online, hậu quả để lại rất nặng nề, không chỉ ảnh hưởng đến tài chính của người đi vay, mà còn có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của họ, ảnh hưởng đến đời sống cá nhân, gia đình và người thân.
Các website, ứng dụng cho vay trực tuyến rất sẵn trên internet. Ảnh:Kinh tế và Đô thị
Bên cạnh những hậu quả gây ra cho người vay tiền, hình thức vay online biến tướng thành cho vay nặng lãi còn gây ảnh hưởng tới tình hình an ninh, trật tự. Đặc biệt khi các cơ quan chức năng đang triển khai những kế hoạch trấn áp tội phạm có tổ chức, trong đó có tội phạm cho vay nặng lãi.
Thủ đoạn của các app vay tiền online đó là cho vay với số tiền nhỏ, giao động từ 1 – 10 triệu đồng, đưa ra những hình thức rất hấp dẫn, đơn giản về thủ tục nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, số tiền mà người vay phải trả có khi lên tới cả vài chục triệu đồng.
Theo Trung tá Thùy, việc vay tiền quá dễ dàng sẽ đi kèm với rủi ro cao. Các đối tượng biết rõ những quy định của pháp luật về mức lãi suất tối đa khi cho vay. Chính vì vậy, khi giao dịch sẽ không thể hiện mức lãi suất trên hợp đồng mà thay vào đó, người vay sẽ phải chịu một loạt các chi phí khác như phí bảo trì, phí duy trì tài khoản, …
Khi người vay tiền đến hạn mà không trả được nợ, các đối tượng sẽ liên tục gọi điện thoại đe dọa, khủng bố tinh thần người vay, gây nguy hiểm đến tính mạng và thậm chí cả người thân, bạn bè của họ.
“Đặc biệt, mục đích các đối tượng gây áp lực đe dọa người vay không chỉ đơn giản là bởi các khoản nợ, các khoản lãi suất mà ngay sau đó sẽ là những cuộc gọi mời chào từ những app cho vay khác khiến người đi vay mắc bẫy, vay app này để trả nợ app kia dẫn tới tình trạng mức lãi suất ở cấp số nhân khiến họ không còn đủ khả năng trả nợ” – bà Nguyễn Thị Thanh Thùy phân tích.
Mặc dù đã được các cơ quan chức năng cảnh báo và cũng đã để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng, thế nhưng tình trạng cho vay nặng lãi ẩn dưới vỏ bọc các app vay tiền online vẫn đang lộng hành và diễn biến ngày càng phức tạp. Theo Bà Thùy, nguyên nhân của thực trạng này là do sự phát triển của công nghệ thông tin, việc tạo lập một app cho vay tiền vô cùng dễ dàng mà chưa có sự quản lý chặt chẽ; Cùng với đó là quy luật cung – cầu của thị trường.
“Khi các thủ tục cho vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng vẫn còn phức tạp thì người dân với nhu cầu vay vốn cao, đôi khi chỉ là một số tiền nhỏ sẽ tìm đến những app cho vay với thủ tục nhanh gọn. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền mặc dù đã có nhưng chưa sâu, rộng, đặc biệt tại các vùng nông thôn, miền núi.” Điều này khiến cho không ít người dân vì thiếu hiểu biết mà đã tin theo. Cuối cùng phải chịu cảnh nợ chồng nợ”- bà Thùy cho hay.
Theo pháp luật Việt Nam, lãi suất tối đa được quy định là 20%/năm, căn cứ theo điều 201 BLHS năm 2015. Người nào cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất theo quy định thì có thể bị xem xét xử lý về tội cho vay nặng lãi. Vậy nhưng hiện nay trong các giao dịch giữa người vay với các app cho vay, hợp đồng giao dịch thường không đề cập đến mức lãi suất, các đối tượng sẽ dựa vào các loại phí dịch vụ để lấy tiền của người vay, đây chính là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng, lách luật.
Để ngăn chặn những tác động tiêu cực của các app vay tiền online, trung tá Thùy chia sẻ, bản thân những app vay tiền online không xấu nếu như chúng ta có những biện pháp quản lý chặt chẽ. Những app cho vay này có những mặt tích cực, nếu như chúng ta có một khung pháp lý để điều chỉnh nó đi vào quỹ đạo. Đối với người dân, để không rơi vào những cạm bẫy của các app vay tiền online thì cần phải tỉnh táo, chuẩn bị cho mình những kế hoạch tài chính dài hơi, không để bản thân rơi vào hoàn cảnh bị động phải vay tiền một cách gấp gáp.
Liên tiếp những hậu quả đã được cảnh báo, thế nhưng hiện nay các app vay tiền online vẫn có đất phát triển và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực. Để ngăn chặn hiệu quả thực trạng này thì không những cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp chính quyền mà trên hết đó phải là sự tự ý thức của người dân, qua đó chặt đứt chiếc “vòi bạch tuộc” vay tiền online qua app./.
VOV