MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Về quê ăn tết - cơn ác mộng của phụ nữ độc thân Trung Quốc

02-02-2019 - 09:40 AM | Tài chính quốc tế

Bị kỳ thị vì tình trạng độc thân và phải chịu đựng áp lực kết hôn quá lớn, những cô “gái già” – cách gọi những phụ nữ gần 30 tuổi ở Trung Quốc nhưng chưa kết hôn – đang tìm đủ mọi cách để tránh màn “tra hỏi” từ gia đình.

Một số người xin được làm việc vào cả Tết Nguyên đán, dịp lễ lớn nhất Trung Quốc, năm nay rơi vào ngày 5/2. Số còn lại tự bịa ra bạn trai.

Dù vậy, áp lực càng lúc càng lớn hơn. Số người trẻ tuổi đến điều trị lo lắng đã tăng lên đột biến, theo thống kê từ các bệnh viện.

“Năm ngoái vì quá lo sợ nên tôi không về nhà. Năm nay tôi cũng không muốn về, nhưng chẳng cách nào trốn được nữa rồi”, Emily Liu nói. Cô gái 31 tuổi đang làm tại một doanh nghiệp nhà nước và sẽ về quê Đại Liên vào tháng 2.

“Bố mẹ tôi nói, 'Bạn bè người ta bế con hết rồi, con thì đến bạn trai cũng chưa có'”, cô nói. “Đây là chủ đề duy nhất mỗi khi tôi về nhà, rồi họ hàng cũng nói thêm vào nữa. Thật sự rất áp lực”.

Người phụ nữ bị coi là quá lứa ở nhiều nước châu Á nếu họ chưa lấy chồng sau 25 tuổi. Nhưng tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc trong nhiều thập kỷ gần đây cộng thêm sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu đã khiến nhiều phụ nữ lựa chọn theo đuổi sự nghiệp thay vì kết hôn sớm, thậm chí là không kết hôn.

Điều này đã khiến tỷ lệ sinh ở Trung Quốc giảm đáng kể. Theo số liệu thống kê công bố tuần trước, có 15,2 triệu ca sinh trong năm 2018, ít hơn hẳn 2 triệu ca so với năm trước đó.

Chính phủ Trung Quốc, do lo ngại một “quả bom nổ chậm” khi dân số nước này già đi, đã bãi bỏ chính sách sinh một con nhằm khuyến khích các gia đình đông con.

Mặc dù trên thực tế nam giới Trung Quốc đông hơn khoảng 33 triệu so với nữ giới, chính sách một con khiến người dân càng chuộng con trai hơn, khiến phụ nữ trở thành đối tượng cần phải kết hôn thay vì nam giới.

Về quê ăn tết - cơn ác mộng của phụ nữ độc thân Trung Quốc - Ảnh 1.

Ảnh: AFP.

Cũng như các biện pháp tăng tỷ lệ sinh chưa đem lại hiệu quả, chính phủ - và cả các hộ gia đình - đang bất lực trong việc khuyến khích các cô gái trẻ lấy chồng sớm. Số lượng đám cưới tại Trung Quốc đã giảm trong 5 năm liên tiếp, và hiện có 200 triệu người độc thân trên quốc gia này.

Các công ty cũng đang nỗ lực cải thiện tình hình. Họ khuyến khích các nữ nhân viên hẹn hò, và nếu có thể, tiến tới hôn nhân.

Hai công ty điều hành Song Dynasty Town, điểm thu hút khách du lịch ở Hàng Châu, phía nam Thượng Hải, đã cho các nhân viên nữ độc thân trên 30 tuổi nghỉ lễ thêm 8 ngày để họ có thời gian hẹn hò trong dịp Tết, mùa cao điểm của các cuộc xem mặt tại Trung Quốc. Điều này tăng số ngày nghỉ lên 15 ngày. Và nếu có ai kết hôn trước khi năm 2019 kết thúc, họ sẽ được nhận tiền thưởng nhiều gấp đôi so với mọi năm.

Theo 2 công ty này, chính sách “nghỉ phép hẹn hò” là cách họ dành sự quan tâm tới nhân viên.

“Vài nhân viên của chúng tôi đã luôn bận rộn, nên có vẻ sẽ là một ý hay nếu cho họ thêm chút thời gian để hẹn hò”, Huang Lei, giám đốc nhân sự của công ty nói.

Về quê ăn tết - cơn ác mộng của phụ nữ độc thân Trung Quốc - Ảnh 2.

Hành khách chờ lên tàu tại một nhà ga ở Quảng Châu hôm 26/1. Ảnh: EPA.

Tại nơi khác ở Hàng Châu, một trường trung học cũng cho phép giáo viên được nghỉ 2 ngày rưỡi mỗi tháng cho chuyện tình cảm.

Khoảng 40% giáo viên của trường chưa lập gia đình, nên “nghỉ phép tình yêu” được xem như một giải pháp hỗ trợ, hiệu trưởng nhà trường nói với truyền thông địa phương. Giáo viên đã lập gia đình nhưng chưa có con cũng có thể đăng ký nghỉ dưới hình thức “nghỉ phép gia đình”.

Ý tưởng này thu hút nhiều phụ nữ độc thân, mặc dù có vài bình luận trực tuyến cho rằng như vậy là phân biệt đối xử với đàn ông chưa vợ.

“Đây là cơ hội tốt cho những người quá bận rộn để hẹn hò”, Peng Mei, nhân viên văn phòng 38 tuổi ở Thành Đô cho biết. Nhưng kỳ nghỉ cũng có công dụng khác. “Hoặc họ có thể tận hưởng kỳ nghỉ tùy thích vì công ty không yêu cầu chi tiết quá trình hẹn hò”.

Cô cũng có thắc mắc, rằng các nữ nhân viên sẽ hẹn hò với ai đây khi mà nhân viên nam không được phép nghỉ.

Nhiều phụ nữ độc thân sợ hãi việc trở về nhà vào kỳ nghỉ, bị bắt bẻ về tình trạng độc thân và chịu đựng các nỗ lực ghép đôi. 85% người độc thân từ 26 – 30 tuổi cho biết cha mẹ liên tục hối thúc họ kết hôn, theo một thống kê năm ngoái bởi Zhenai.com, một trang web hẹn hò nổi tiếng.

Shen, một phụ nữ 25 tuổi từ Ninh Ba, đã tìm đủ mọi cách tránh sự phiền toán này. Cô dành cả một tháng chỉnh sửa 10 bức ảnh ghép hình mình với ngôi sao Lưu Hạo Nhiên, rồi gửi cho cha mẹ và nói đó là bạn trai mình. Cha mẹ cô đã hết sức vui mừng.

Một người bạn của cha cô sau đó đã đăng về sự kiện này trên WeChat, một ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến.

“Đêm qua, tôi mơ thấy con gái mình lấy chồng. Tôi đã khóc rất nhiều và tỉnh giấc vô số lần”, cha Shen nói trên bài đăng của người bạn. “Tôi đang chuẩn bị sẵn bài phát biểu trong đám cưới con gái”.

Khi Shen thấy bài đăng, cô thực sự cảm thấy tội lỗi và thú nhận sự thật trên Weibo, Twitter của Trung Quốc. Bài đăng của cô đã tạo được sự đồng cảm của hàng triệu người độc thân đang chung cảnh ngộ.

Cha mẹ cô, hoàn toàn hiểu sai ý định, nói rằng đừng lo lắng về màn giả mạo này và cứ tiếp tục tìm đối tượng đi, Shen nói trên Pear Video, một trang chuyên đăng tải các đoạn clip ngắn sau khi câu chuyện của cô trở nên nổi tiếng. Video của cô đã có 200 triệu lượt xem chỉ trong vòng 24 giờ sau khi được đăng.

Một phụ nữ 35 tuổi với tấm bằng tiến sỹ, cô Dong, cũng đang cố tránh mặt cha mẹ và những lời phàn nàn của họ. Cô không chỉ bị coi là quá lứa, mà còn rơi vào nhóm “3 cao”: học vấn cao, thu nhập cao và tuổi cao.

Cô đã chán ngấy việc bị vây quanh bởi họ hàng và những người nhiều chuyện trong suốt kỳ nghỉ, và thay vào đó chọn bầu bạn với công việc. Cô đã xin phép cấp trên được làm việc trong suốt Tết Nguyên đán.

Nhưng sếp cô từ chối yêu cầu này, cho rằng cô còn có việc quan trọng hơn phải làm. Ông cũng tầm tuổi bố mẹ cô, và rõ ràng đồng cảm với họ hơn là với nhân viên.

“Trốn tránh sẽ không làm thay đổi hiện thực. Cô chỉ có thể giải quyết vấn đề bằng cách đối mặt chúng”, Dong trích lại lời cấp trên. “Nghỉ lễ là một dịp tốt để mở rộng quan hệ xã hội, gặp gỡ nhiều người hơn, chủ động tìm kiếm và biết đâu cô sẽ gặp được bạn đời của mình”.

Xem TV cũng không giúp giảm áp lực kết hôn. Nhiều chương trình hẹn hò nổi tiếng mời cả các bậc cha mẹ lên sân khấu chọn vợ, chồng cho con cái họ.

Một chương trình mới lên sóng tại tỉnh Hồ Nam tuần này với tên gọi “Người chồng lý tưởng” cho người cha xem các video hẹn hò của con gái mình và nhận xét về sự thể hiện của họ.

Trong một chương trình nổi tiếng khác với nội dung tương tự, các bậc cha mẹ giục con gái mình kết hôn tới 23 lần trong 3 tập, theo thống kê từ Beijing News. Chương trình này được cho là “gây áp lực”, theo ý kiến một nhà phê bình truyền hình.

Theo Minh Ngọc

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên