MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Điểm sáng không phản ánh toàn bộ bức tranh nền kinh tế"

Xét cả về lý luận và thực tiễn, nếu chỉ nhìn vào chỉ số CPI và GDP để nói rằng tổng cầu "yếu" hay "khỏe" thì vẫn chỉ là cảm nhận định tính.

Gần đây có ý kiến lý giải hiện tượng "tổng cầu" trong nền kinh tế không hoàn toàn yếu và khẳng định chỉ số giá CPI tăng thấp như hiện nay là bình thường. Xuất phát từ quan điểm cần đánh giá đúng trạng thái "tổng cầu" của nền kinh tế, làm cơ sở hoạch định các chính sách kinh tế, có ý kiến khác cần xem lại phải chăng “tổng cầu” nền kinh tế không những rất yếu mà còn phản ảnh nhiều yếu kém của nền kinh tế?

>>> Điểm sáng của nền kinh tế

Thực tế vẫn khó khẳng định nền kinh tế Việt Nam đã thoát đáy khủng hoảng hay đang hồi phục một cách chậm chạp. Các số liệu thống kê về GDP, CPI, tỷ giá hối đoái, thặng dư thương mại, dự trữ ngoại tệ ... thường dựa trên cơ sở dữ liệu thiếu nhất quán, chủ yếu để “làm đẹp” báo cáo truyền thông, nên có độ sai lệch đáng kể so các nguồn số liệu liên quan của các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế. Đây cũng là khó khăn cản bước các phân tích trái chiều, bóc trần các vấn đề của nền kinh tế hiện nay.

Trong điều kiện GDP tăng chậm, thấp nhất trong vòng nhiều năm gần đây, chỉ nên xem việc so sánh GDP với các nước khác không cùng "mặt bằng" và chuẩn mực thống kê minh bạch hơn Việt Nam là để tham khảo. Không nên ca tụng quá mức tăng trưởng GDP (5,4%) hiện nay là "điểm sáng" của nền kinh tế. Hơn 1 năm nay, có không ít các gói "kích cầu" được đưa ra nhưng thực tế các cơ quan quản lý vẫn lúng túng chưa rõ cần "đổ sâm hay truyền đạm" cho nền kinh tế. Không đơn giản vì "tổng cầu" hay cụ thể là "sức mua" quá yếu, mà nền kinh tế còn khá nhiều “bệnh nan y" cần chữa.

Xét cả về lý luận và thực tiễn, nếu chỉ nhìn vào chỉ số CPI và GDP để nói rằng tổng cầu "yếu" hay "khỏe" thì vẫn chỉ là cảm nhận định tính. Càng không đơn giản CPI tăng thấp có nghĩa tổng cầu yếu, là tăng giá để "kích cầu" lên ? Quan điểm "trọng cầu" như vậy sai lầm ở chỗ đã bỏ qua "sức mua" của nền kinh tế, làm sao "kích cầu" được khi mà nhu cầu thì có "sức mua" thì không hoặc rất yếu do sản xuất về cơ bản vẫn trì trệ, "đầu ra" của nền kinh tế vẫn khó khăn, lao động, việc làm vẫn là vấn đề nhức nhối. Bằng chứng là ở nhiều lĩnh vực ngành hàng, thị trường BĐS, du lịch, ẩm thực, thời trang ... hiện nay phải giảm giá, phá giá, tìm đủ cách khuyến mại mà tiêu thụ vẫn rất khó khăn.

Việc công bố các chỉ số lạm phát, niềm tin người tiêu dùng hay năng lực nhà sản xuất (PMI) từ phía các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước lâu nay thường dấy lên các mối hoài nghi về độ xác thực của chúng. Vấn đề là chưa có tổ chức độc lập đủ uy tín kiểm định, công bố khách quan, minh bạch các nguồn số liệu quan trọng. Thành ra mạnh ai người đó viện dẫn để minh chứng lập luận của mình. Mới đây dư luận cũng đang xôn xao về con số tỷ lệ thất nghiệp “làm nức lòng cả nước” là 1,84%, tiếc là số liệu này trái hẳn với thực trạng doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể, phá sản, kèm theo đó là lao động thất nghiệp vẫn tăng đáng lo ngại.

Hiện tượng hàng tồn kho lớn còn phổ biến hiện nay chưa hẳn do cung vượt cầu mà chủ yếu do cầu yếu quá. Nhiều lĩnh vực, ngành hàng đã phải thu hẹp sản xuất đáng kể. Số doanh nghiệp thành lập mới vẫn thấp nhiều so số doanh nghiệp dời bỏ thị trường vì nhiều lý do. Đã vậy việc "kích cầu" chủ trương thì có mà triển khai chậm, kém hiệu quả, thậm chí "kích cầu" sai địa chỉ, gây hại thêm cho nền kinh tế. Số này thường rơi vào nhóm hàng hoá tối thiết yếu còn mang tính độc quyền, mà đã là "độc quyền" thì rất khó để lỗ. Bởi vậy không nên tán dương quá mức CPI giảm là tốt, là biểu hiện đáng mừng, để rồi tìm cách tăng giá liên tục dưới danh nghĩa “kích cầu” nền kinh tế, gây thêm khó khăn cho người dân lao động thu nhập thấp..

Tóm lại, thay vì bàn cãi điều hiển nhiên "tổng cầu" đang rất yếu, lúc này cần làm rõ vì sao "tổng cầu" yếu mà "kích thế, kích nữa" không lên nổi. Phải chăng bức tranh toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể “bừng sáng” được nhờ sự chuyển biến mang tính đột phá và đồng bộ từ các nhân tố quyết định hơn là mô hình tăng trưởng, cấu trúc nền kinh tế, môi trường kinh doanh...

TS Phạm Ngọc Long

Viện trưởng Viện KH Quản trị DNNVV

hangnt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên