DN Nhật ở Việt Nam kỳ vọng các tác động của hội nhập
70% DN Nhật Bản tại Việt Nam mong muốn việc Việt Nam gia nhập AEC và TPP sẽ tạo thuận lợi hơn trong thương mại và thuế quan. Đồng thời, có hơn 60% DN vẫn coi Việt Nam là điểm đầu tư quan trọng và có định hướng thúc đẩy sản xuất kinh doanh tại đây.
- 24-02-2016Phí “gầm bàn” khiến các nhà đầu tư Nhật Bản ái ngại
- 24-02-2016TP.HCM đề nghị vay 7,4 tỷ USD vốn ODA của Nhật Bản
- 23-02-2016Hơn 60% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam
- 23-02-2016Nhật “bật đèn xanh” mở thêm cửa cho nông sản Việt
- 22-02-2016“Quan chức Việt uống rượu xịn hơn Nhật, viện trợ cho VN làm gì nữa?"
Đây là một nội dung quan trọng trong Báo cáo của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) về khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN Nhật Bản tại Việt Nam công bố ngày 23/2. Báo cáo này dựa trên kết quả khảo sát ở phạm vi rộng tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (bao gồm Việt Nam) trong năm 2015.
JETRO cho biết cuộc khảo sát tại Việt Nam được thực hiện với hơn 9.590 DN Nhật Bản ở 20 quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng ở Việt Nam chỉ có 557 DN đưa ra trả lời hợp lệ.
Kết quả năm 2015 cũng thẳng thắn chỉ ra những rủi ro mà DN Nhật Bản tại Việt Nam phải đối mặt. Trên 60% trong số 557 công ty được khảo sát cho biết các rủi ro đang tồn tại như “Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch”, “Thủ tục hành chính phức tạp”. DN trả lời khảo sát cũng phản ánh về việc phải nộp lệ phí không chính thức, hoặc thời gian thẩm tra không rõ ràng. Một lí do DN Nhật cảm thấy rủi ro hơn đó là các quy định liên quan đến hạn chế nhập máy qua sử dụng, khiến DN lúng túng khi thực hiện.
Ngoài ra, các DN Nhật cũng cho rằng, tỷ lệ nội địa hóa không có sự thay đổi so với năm trước, cần có đối sách hiệu quả hơn để phát triển công nghiệp hỗ trợ và DN vừa và nhỏ. 65% DN trả lời gặp khó khăn trong thu mua nguyên vật liệu, linh kiện tại chỗ.
Dù còn những hạn chế, nhưng Trưởng đại diện Văn phòng tại Hà Nội của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) Atsusuke Kawada cho biết: Có tới 60% DN Nhật đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi đây là điểm đầu tư quan trọng. Khoảng 85% DN cho rằng lý do chính để mở rộng kinh doanh là “tăng doanh thu”. Còn trong ngành công nghiệp chế tạo thì khoảng 65% số DN cho rằng lý do chính là “khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao”.
Các DN cho rằng Việt Nam vẫn duy trì lợi thế về “chi phí nhân công rẻ ” dù đã tăng lên nhưng vẫn thấp thứ 3. Cụ thể nhân công trong ngành công nghiệp chế chế tạo chưa bằng một nửa Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia.
Đặc biệt, việc Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) tạo kỳ vọng cho 64% doanh nghiệp Nhật về việc đơn giản hóa các thủ tục hải quan. Ngoài ra, các DN kỳ vọng những cắt giảm về thuế nhập khẩu, thống nhất trong việc vận dụng, giải thích quy tắc nguồn gốc xuất xứ. 66% DN Nhật kỳ vọng việc Việt Nam gia nhập TPP sẽ giúp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường hàng hóa…
Đặc biệt, với lợi thế cả Việt Nam và Nhật Bản đều là thành viên của TPP, hoạt động đầu tư và thương mại giữa hai nước cũng như các nước thành viên TPP sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
“JETRO ghi nhận sự lắng nghe và những nỗ lực Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nhưng các DN Nhật Bản kỳ vọng vào cải cách mạnh mẽ để họ cảm nhận sự cải thiện rõ ràng hơn”, ông Atsusuke Kawada nói.
Báo Chính Phủ