Doanh nghiệp Việt "sợ" gì khi vào TPP?
Cộng đồng doanh nghiệp đều tỏ ra lạc quan khi cho rằng hầu hết các cam kết sẽ mang lại những tác động tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- 11-12-2015Vào TPP: Lo cho nông nghiệp
- 10-12-2015TPP sẽ “kéo” các nhà đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam
- 10-12-2015Cảnh báo nguy cơ “trượt đích" TPP của dệt may
Theo đánh giá của Vietnam Report, với một nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới với các doanh nghiệp hướng xuất khẩu và tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 134 tỉ USD trong 10 tháng đầu năm 2015 thì việc tham gia hiệp định TPP có tác động rất đáng kể.
Trong khảo sát của Vietnam Report với các doanh nghiệp lớn trong Bảng xếp hạng VNR500 cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đều tỏ ra lạc quan khi cho rằng hầu hết các cam kết đều mang lại những tác động tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Yếu tố cạnh tranh lành mạnh cũng như việc xóa bỏ thế độc quyền ở một số mặt hàng đặc thù và phân khúc thị trường đặc biệt là điều khiến các doanh nghiệp cho rằng sẽ tạo ra ảnh hưởng tích cực nhiều nhất với gần 90% số doanh nghiệp đồng tình với quan điểm trên.
Yếu tố tiếp đến mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cho rằng sẽ có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh là các cam kết về DNNN. Cụ thể các cam kết về DNNN sẽ phải cạnh tranh theo nguyên tắc bình đẳng, công bằng với các DN tư nhân.
Thực tế quá trình cổ phần hóa DNNN hiện nay đang là một trong những động thái tích cực của Chính phủ trong việc tạo ra một sân chơi công bằng hơn giữa các thành phần doanh nghiệp, giúp chuyển dịch một số nguồn lực từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước sang khu vực tư nhân và FDI.
Tuy nhiên, cho đến nay việc cổ phần hoá chủ yếu được tiến hành đối với các doanh nghiệp Nhà nước quy mô nhỏ, giảm mạnh số lượng doanh nghiệp Nhà nước. Số doanh nghiệp Nhà nước còn lại chưa cổ phần hoá và sẽ cổ phần hoá tiếp lại là những doanh nghiệp quy mô lớn, chủ yếu là Tập đoàn Kinh tế và Tổng công ty.
Bên cạnh đó, khi nền kinh tế hội nhập sâu rộng, việc tập trung phát triển giá trị gia tăng từ các doanh nghiệp trong các nhóm ngành kinh tế sáng tạo như viễn thông, công nghệ thông tin và giảm sự phụ thuộc vào các ngành khai thác tài nguyên như khoáng sản, xăng dầu là vô cùng quan trọng.
Theo xếp hạng của Vietnam Report, ngành khoáng sản xăng dầu đứng thứ 2 trong số các ngành có tỷ lệ doanh nghiệp nhiều nhất trong bảng (14,4%) tuy nhiên ngành này lại dẫn đầu về tỷ lệ doanh thu toàn bảng so với các ngành còn lại (31,6%).
Ngoài ra, Vietnam Report cũng cho rằng, trong bối cảnh kinh tế hội nhập rõ ràng như vậy, vai trò hỗ trợ của Chính phủ cũng rất quan trọng. Chính phủ cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao tính hiệu lực của các văn bản chính sách. Đây cũng là 2 mong muốn được các doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất khi được hỏi về các giải pháp cần Chính phủ ưu tiên để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập TPP và mở rộng thị trường xuất khẩu
Thời gian vừa qua, Chính phủ và Nhà nước đã thực hiện tương đối tốt các chính sách đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô như kiềm chế lạm phát, quản lý tỷ giá lãi suất... tạo ra một môi trường kinh doanh tương đối ổn định cho các doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, việc làm này cần được phát huy hơn nữa nhằm giúp cho các doanh nghiệp trong nước hoạt động ổn định, tăng tính cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, tính hiệu lực và minh bạch của các quy định, chính sách vẫn luôn là vấn đề nan giải trong mối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.