MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường tới sân bay Long Thành dự kiến đã hoàn thành

Ngày 19/12, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tổ chức họp báo công bố sẽ thông xe kỹ thuật và khai thác tạm đoạn từ đường Vành đai 2 (quận 9, TP.HCM) đến Quốc lộ 51, thuộc dự án đường cao tốc Bắc-Nam đoạn TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây, kể từ ngày 30/12.

Việc thu phí sẽ được thực hiện ngay sau khi thông xe. Cụ thể, mức cước phí như sau: Xe dưới 12 chỗ ngồi, xe có tải trọng dưới 12 tấn và xe buýt vận tải hành khách công cộng: 40.000 đồng; xe từ 12-30 ghế ngồi, xe có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn: 60.000 đồng; xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe có tải trọng từ 4 đến dưới 10 tấn: 80.000 đồng.

Như vậy, đoạn đường cao tốc này chỉ cho ô tô khách và ô tô tải dưới 10 tấn lưu thông.
Các loại xe không được tham gia giao thông trên đường cao tốc gồm: xe máy chuyên dùng, xe có trọng tải 10 tấn trở lên, người đi bộ và súc vật...

Ông Mai Tuấn Anh - Tổng giám đốc VEC giải thích lý do chưa cho xe có trọng tải từ 10 tấn trở lên, xe container; xe rơ moóc lưu thông là vì đường Vành đai 2 và các đường nhánh kết nối với đường cao tốc phía Q.9 chưa hoàn chỉnh.

Hơn nữa, vòng xoay đường Vành đai 2 có bán kính hạn chế, rất khó cho những chiếc xe vận tải quá dài lưu thông.

Theo VEC, đoạn đường sẽ cho xe lưu thông với tốc độ tối đa là 100km/ giờ (trong điều kiện thời tiết xấu là 80km/giờ), tốc độ tối thiểu 60km/ giờ; khoảng cách an toàn tối thiểu 80m (với tốc độ lưu hành 100 km/ giờ).

Tốc độ này áp dụng chung cho cả 2 làn đường, không phân biệt làn bên trong và bên ngoài.
Trung tâm điều hành đường cao tốc có hệ thống thông tin liên lạc trực 24/24 giờ, cùng với 2 xe cứu hộ giao thông, 1 xe cứu hộ y tế và 1 xe tuần tra giao thông, tất cả đều trực 24/24 giờ.
Theo ban quán lý dự án, phần còn lại đường cao tốc đang thi công gồm đoạn từ (Quốc lộ 51, thị trấn Long Thành đến Dầu Giây dài 31km sẽ hoàn thành vào tháng 12/2015 và đoạn từ nút giao thông An Phú Q.2 đến đầu tuyến đường cao tốc ở Q.9 dài 4 km sẽ hoàn thành vào tháng 2/2015.
Sơ đồ hướng dẫn lưu thông vào đường cao tốc đoạn TP.HCM-Long Thành
Sơ đồ hướng dẫn lưu thông vào đường cao tốc đoạn TP.HCM-Long Thành

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng đã đồng ý chủ trương thông xe, khai thác tạm thời và thu phí trên đoạn này.

Dự án sân bay Long Thành

Tháng 10 vừa qua, Cục hàng Không dân dụng Việt Nam đã chính thức công bố danh mục và lộ trình đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trong lĩnh vực hàng không, bao gồm 4 cảng hàng không và 2 cơ sở công nghiệp hàng không, trong đó có cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được quy hoạch để đầu tư xây dựng với chức năng trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á, có khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không lớn trên thế giới, tiếp nhận được các máy bay A380-800 hoặc tương đương, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Trong giai đoạn 1 từ năm 2015 đến 2020 sẽ đầu tư xây dựng 2 đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, khu điều hành khai thác, khu quản lý hoạt động bay, khu phụ trợ, nhà ga hành khách công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, khu công nghiệp hàng không và thành phố sân bay phát triển theo nhu cầu. Tổng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn 1 là 151.695 tỷ đồng.

Ngành hàng không cũng sẽ thực hiện hai dự án về công nghiệp hàng không bao gồm xây dựng cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng máy bay tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Khu công nghiệp hàng không tại Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho rằng: “Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây mới sẽ khắc phục những hạn chế mà sân bay Tân Sơn Nhất không thể đáp ứng trong điều kiện lưu lượng hành khách ngày càng tăng trong tương lai”.

Theo Nguyễn Ngân

cucpth

Đất Việt

Trở lên trên