MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gia nhập TPP: Bài toán nào cho dệt may Việt Nam?

Theo đánh giá của ANZ, nếu thích ứng được với những quy định nghiêm ngặt về xuất xứ hàng dệt may của Hoa Kỳ, ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong báo cáo mới cập nhật về tình hình kinh tế khu vực Mekong, Ngân hàng ANZ nhận định, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ là 2 chìa khóa quan trọng cho sự phát triển của các nền kinh tế Châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á và vùng Mekong.

Cụ thể, ANZ cho biết, trong số các nền kinh tế khu vực Mekong, Việt Nam là nước duy nhất tham gia đàm phán TPP.

Báo cáo của ANZ nhận định, những lợi ích mà TPP mang lại cho Việt Nam sẽ chủ yếu ở ngành dệt may. Trong khi đó, ngành này lại phụ thuộc vào quy định về quy tắc xuất xứ của hiệp định.

ANZ đưa ra 2 phương án áp dụng quy tắc xuất xứ của hiệp định.

Quy tắc xuất xứ “nghiêm ngặt” - quy tắc “từ sợi trở đi – yarn forward”: Theo quy tắc này, sản phẩm dệt may muốn được hưởng ưu đãi thuế quan TPP phải được sản xuất từ sợ trở đi tại quốc gia là thành viên TPP.

Quy tắc xuất xứ “linh hoạt”: Quy tắc này yêu cầu việc cắt và may sản phẩm cuối cùng diễn ra ở tại nước thành viên TPP để được hưởng ưu đãi thuế. Do đó, các nhà xuất khẩu hàng dệt may có thể linh hoạt hơn trong việc tìm kiếm các nguồn cung cấp sợi và vải từ các nước thấp hơn (bao gồm các nước không phải là thành viên TPP) và chỉ yêu cầu việc hoàn thiện sản phẩm cuối cùng diễn ra tại nước thành viên TPP.

Theo quy định của Hoa Kỳ, các sản phẩm dệt may của Việt Nam phải tuân thủ nghiêm túc quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” để tránh cạnh tranh từ các nước ngoài TPP.

Tuy nhiên, hiện nay, khoảng 80% sợi và 40% vải trong ngành dệt may của Việt Nam được nhập khẩu từ các nước không phải là thành viên của TPP. Do vậy, đây sẽ là bài toán khó mà Việt Nam cần giải quyết để có thể hưởng lợi từ TPP.

Xuất khẩu hàng dệt may của các nước thành viên TPP (Nguồn: ANZ).

Xuất khẩu hàng dệt may của các nước thành viên TPP (Nguồn: ANZ).

ANZ kỳ vọng rằng, nếu thích ứng được với những quy định nghiêm ngặt về xuất xứ hàng dệt may của Hoa Kỳ, ngành công nghiệp dệt may của Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngược lại, nếu áp dụng quy tắc xuất xứ linh hoạt, Việt Nam có thể tăng thị phần hàng dệt may trên toàn cầu nhưng sẽ phải chịu cạnhh tranh gay gắt về chi phí so với các nhà xuất khẩu dệt may lớn khác không phải là thành viên TPP như Thái Lan, Campuchia.

Theo đánh giá của ANZ, nếu theo quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt, Mexico sẽ là người chiến thắng trong "cuộc chiến" dệt may toàn cầu và Việt Nam sẽ có nguy cơ bị đe dọa. Ở chiều ngược lại, nếu áp dụng quy tắc xuất xứ linh hoạt, ngành dệt may Việt Nam sẽ “lên ngôi”.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên