GS. Nguyễn Mại: Cần coi việc phát triển 1 triệu DN trong 5 năm tới là đại sự
Để có một hệ thống DN đủ sức vươn ra thị trường thế giới, cần có kế hoạch xây dựng 1 triệu DN trong 5 năm tới theo khuyến nghị của GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
- 18-04-2015TPP mở ra định hướng phát triển mới cho doanh nghiệp Việt Nam
- 24-02-2015Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần doanh nghiệp tự khẳng định mình
- 02-10-2014Tổng thư ký VCCI: Chúng ta đang có “bức tranh” không cân đối trong việc sắp xếp, phát triển doanh nghiệp
Nền kinh tế đang bước vào giai đoạn mới hội nhập sâu rộng, đòi hỏi đặt ra những yêu cầu mới cho phát triển. Cùng với đổi mới thể chế kinh tế, vấn đề phát triển đội ngũ DN đủ lớn và mạnh để tham gia hội nhập là rất cần thiết để tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế.
Theo đó, để thực hiện được mục tiêu xây dựng 1 triệu DN đến năm 2020, GS. Mại khuyến nghị cần có các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần đánh giá lại đầy đủ thực trạng của DN. Thực tế hiện nay vẫn chưa có thống kê đầy đủ và chính xác về số lượng DN. Do đó, GS. Mại cho rằng cần có điều tra thực chất sức khỏe của DN, trên cơ sở phân loại tiêu chí vốn, ngành nghề, lĩnh vực, tình trạng kinh doanh.
Thứ hai, cùng với việc khuyến khích phát triển DN nhỏ và vừa, cần chú trọng phát triển các DN khởi nghiệp. Mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã gặp 400 DN khởi nghiệp đã cho thấy tầm quan trọng của cộng đồng này. Nhiều ý kiến cũng đánh giá tiềm năng DN khởi nghiệp của Việt Nam rất lớn, đặc biệt là tiềm lực của sinh viên ra trường làm khởi nghiệp.
“Tôi lấy dẫn chứng từ trường hợp của VinaGame, thành lập cách đây 10 năm nhưng đến nay, vốn hóa trên thị trường được đính giá là 1 tỷ USD. Do đó, cần coi trọng DN khởi nghiệp. Tôi đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư nên khuyến khích mạnh mẽ DN khởi nghiệp”, GS. Nguyễn Mại khuyến nghị.
Thứ ba, cần xây dựng các tập đoàn kinh tế mạnh, khoảng từ 15 – 20 tập đoàn lớn đến năm 2020. GS. Nguyễn Mại cho rằng không phải chỉ khuyến khích tập đoàn kinh tế tư nhân, mà cần phải khuyến khích cả DNNN hoạt động kinh doanh hiệu quả như Viettel.
Dẫn ra ba trường hợp DN được xem là có quy mô tại Việt Nam như VinGroup hiện có vốn hóa 1,5 tỷ USD; Tập đoàn FPT là 860 triệu USD; Ngân hàng BIDV cũng chỉ được đánh giá là ngân hàng nhỏ so với các nước trong khu vực… GS. Mại cho rằng quy mô của DN Việt Nam còn quá nhỏ so với thế giới.
Do đó, GS. Nguyễn Mại cho rằng nếu không có chiến lược để thúc đẩy và phát triển các tập đoàn, thì khó có thể phát triển các tập đoàn mạnh.
Thứ tư, cần có chính sách liên kết DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và DN trong nước. Theo GS. Nguyễn Mại, các DN đã làm rất tốt việc kết nối hai khu vực DN FDI với DN nội địa, song Việt Nam lại chưa làm tốt để phát triển công nghiệp phụ trợ, giúp DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Dẫn chứng từ Sungsung, hiện nay đầu tư vào Việt Nam với 2 nhà máy, vốn đầu tư là 10 tỷ USD, song tập đoàn này đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, với mức thu nhập bình quân 11 triệu đồng/tháng.
Dự kiến trong năm nay, Samsung xuất khẩu khoảng 32 tỷ USD, chiếm 18% giá trị kim ngạch xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, giá trị gia tăng mà Samsung mang lại cho Việt Nam theo GS. Nguyễn Mại là 30%. Do đó, làm thế nào để kết nối giữa DN trong nước và Samsung trong phát triển công nghiệp phụ trợ sẽ tạo ra cơ hội lớn cho DN phát triển.
Thứ năm, cần hình thành được thị trường khoa học công nghệ đúng nghĩa trong 5 năm tới. Theo GS. Nguyễn Mại, hiện ở Hải Phòng đã bước đầu hình thành thị trường này, song chưa tốt lắm.
Do vây, GS. Mại kỳ vọng việc hình thành thị trường khoa học công nghệ trong 5 năm sẽ góp phần làm cho các sáng chế phát minh được vận hành, đưa ra thị trường để thúc đẩy và khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghệ.