Hội nhập và nguồn vốn “lạ”
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng chưa từng có nhưng phần lớn các doanh nghiệp lại có quy mô nhỏ, thì liên kết là nhu cầu rất tự nhiên. Không chỉ là một khẩu hiệu, giải pháp này có khả năng tạo nguồn lực thực sự cho doanh nghiệp.
- 18-11-2015“Bơi” trong hội nhập, nông nghiệp Việt Nam cần gì và "sợ" gì?
- 18-09-2015Hội nhập nhờ… con tôm?
- 09-09-2015“Mong manh” trước hội nhập: Ngành chăn nuôi có thua trên sân nhà?
Theo Báo cáo thường niên của VCCI năm 2014, hơn 96% doanh nghiệp (DN) Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, gần 2% DN cỡ vừa, gần 2% DN lớn. Riêng DN siêu nhỏ (theo tiêu chí có dưới 10 lao động) chiếm tới 67%. Quy mô của DN càng nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp thì càng khó tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vì vậy, việc nghiên cứu lý thuyết vốn xã hội (social capital theory) và vận dụng trong việc tăng cường liên kết doanh nghiệp cũng như tham gia vào các mạng lưới xã hội là một yêu cầu cấp thiết. Chính sự có qua có lại này tạo thành các mạng lưới quan hệ chặt chẽ, giúp doanh nghiệp tận dụng ưu thế riêng có, chia sẻ thông tin và các nguồn lực, biến thách thức thành cơ hội.
Vốn xã hội là gì ?
Trong vài năm gần đây, báo chí hay dùng thuật ngữ “vốn xã hội” (VXH), nhưng thuật ngữ này nhìn chung vẫn chưa quen thuộc với nhiều người. Thật ra, khái niệm VXH (socia capital) đã được Lyda Judson Hanifan, nhà giáo dục Mỹ, lần đầu tiên đề cập ngay từ năm 1916.
Ông dùng khái niệm VXH để chỉ tình thân hữu, sự thông cảm lẫn nhau và tương tác giữa cá nhân hay gia đình. Từ đó, VXH đã được nghiên cứu và phát triển ở hầu hết các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, tâm lý, giáo dục… trên phạm vi toàn thế giới.
Nếu vốn vật chất (physical capital) nói đến các tài sản hữu hình, vốn con người (Human capital) nói đến các tài sản cá nhân như kiến thức, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn và khả năng nhận thức, thì VXH nói đến mối liên hệ nối kết giữa những con người dựa vào: Sự tin tưởng, sự hiểu biết lẫn nhau, sự có qua có lại và sự chia sẻ những giá trị đạo đức, phong cách nối kết những thành viên trong các tập đoàn, các cộng đồng lại với nhau làm cho việc phối hợp hành động có khả năng thực hiện được. Vốn xã hội không đơn thuần là sự tổng hợp những khối lượng vật chất của xã hội mà là chất xúc tác làm dính chặt những khối lượng tài sản xã hội này lại với nhau.
Về cấp độ DN, vốn xã hội của DN như là chất lượng các mối quan hệ lãnh đạo của DN; mối quan hệ của DN với các chủ thể bên ngoài; chất lượng mối quan hệ giữa các cá nhân, bộ phận chức năng bên trong DN.
Trong đó, vốn xã hội của lãnh đạo doanh nghiệp là chất lượng của các mạng lưới quan hệ của lãnh đạo: tình hữu nghị, sự hỗ trợ lẫn nhau, quyền lực, sự công nhận của xã hội và sự cam kết.
Vốn xã hội bên trong DN là chất lượng các mối quan hệ giữa nhân viên và giữa các bộ phận chức năng trong DN.
Vốn xã hội bên ngoài doanh nghiệp được các nghiên cứu đề cập như là chất lượng các mối quan hệ giữa DN với các chủ thể trong mạng lưới chiều ngang (khách hàng, nhà phân phối, nhà cung cấp, các doanh nghiệp trong cùng tập đoàn, đơn vị tư vấn, nghiên cứu, các đối thủ cạnh tranh trong cùng ngành) và mạng lưới chiều dọc (chính quyền các cấp và các công ty mẹ-con trong cùng tập đoàn).
Đương nhiên, thiết lập các mạng lưới quan hệ bên trong, bên ngoài của DN là rất cần thiết. Mạng lưới quan hệ bao gồm các mối tương tác xã hội và trao đổi xã hội, trong đó hệ các giá trị, chuẩn mực và niềm tin được hình thành, biểu lộ. Nhờ vậy, các thành viên trong mạng lưới chia sẻ trách nhiệm, nghĩa vụ và có những lợi ích ràng buộc lẫn nhau khi theo đuổi những mục đích của họ. Mạng lưới quan hệ không chỉ có chức năng gắn kết xã hội mà còn có chức năng cung cấp thông tin chính xác, góp phần làm giảm các chi phí giao dịch cho các bên tham gia mạng lưới.
Nhu cầu tất yếu
Như đã trình bày ở trên, hạn chế chung của các DN Việt Nam là đa số DN có quy mô nhỏ, vốn và công nghệ chậm cải tiến. Nhu cầu rất tự nhiên là tăng cường liên kết, chia sẻ cơ hội và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, chủ động phân định vai trò, mức đóng góp của từng đơn vị dựa trên khả năng về vốn, công nghệ... để có thể định rõ vị trí, tầm quan trọng trong chuỗi liên kết. Qua chuỗi liên kết, mỗi đơn vị sẽ từng bước tái cơ cấu để phát triển theo định hướng chuyên môn hóa cao hơn, bảo đảm tốt nhiệm vụ trong quá trình phân công lao động của ngành.
Lợi ích mang lại từ các mạng lưới quan hệ liên kết giữa các DN với nhau được nhận thấy rõ ràng. Các DN không chỉ thiết lập các mối liên kết với các đối tác mà còn đánh đổi thời gian và chi phí để quan tâm đến các lợi ích mang lại từ mạng lưới bên trong doanh nghiệp và các chủ thể bên ngoài khác. Qua các mối quan hệ liên kết chặt chẽ này, các DN nâng cao năng lực cạnh tranh với các DN ngoại khi TPP và các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực trong thời gian tới.
Lấy ví dụ ngành dệt may. Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thừa nhận “vốn mỏng đang là lực cản lớn đối với các doanh nghiệp dệt may trong việc gia tăng tỷ lệ nội địa hóa”. Do khả năng vốn của các DN “nội” thấp, nên đến nay sản xuất nguyên liệu hỗ trợ cho ngành dệt may gần như mới chỉ tập trung cho các công đoạn giá trị gia tăng thấp, các khâu có giá trị gia tăng cao như sợi, hóa chất, chất trợ nhuộm, nhuộm in hoa và hoàn tất vải vẫn phải nhập khẩu.
Chính vì vậy, rất cần liên kết tạo thành mạng lưới quan hệ giữa các doanh nghiệp là đối tác chiến lược của nhau, gắn kết trong các công đoạn từ thiết kế sản phẩm, sản xuất nguyên phụ liệu, may, xuất khẩu và marketing - phân phối nhằm khai thác và chia sẻ các nguồn lực.
Các nghiên cứu cho thấy VXH tác động có ý nghĩa đến hoạt động của DN như sự đổi mới DN, hiệu quả kinh tế, hợp tác kinh doanh. Trong đó, các nhà lãnh đạo là người thể hiện VXH nhiều nhất để góp phần nâng cao kết quả hoạt động của DN. Việc tăng cường liên kết DN Việt là một yêu cầu cấp thiết giúp DN có thể đứng vững và phát triển trước những cơ hội và thách thức mà các FTA mang lại.