MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hội nhập: Vì sao doanh nghiệp Việt vẫn “loay hoay, lúng túng”?

Dường như doanh nghiệp Việt Nam sau hai thập kỷ hội nhập tính từ thời điểm gia nhập ASEAN đến nay vẫn đang loay hoay, lúng túng trong việc tìm ra cách thức để hội nhập hiệu quả...

Đến hẹn lại lên, Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2015 chính thức được khai mạc sáng nay (27/8) tại Thanh Hóa. Với chủ đề “Kinh tế Việt Nam - Hội nhập và phát triển bền vững”, diễn đàn năm nay được kỳ vọng sẽ nhận được sự đóng góp từ các chuyên gia trong và ngoài nước, góp phần đưa Việt Nam tiến sâu hơn vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Vì sao doanh nghiệp Việt vẫn “loay hoay, lúng túng”?

Đóng góp vào tham luận tại Diễn đàn lần này, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI đã nêu thực trạng doanh nghiệp Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập và đề xuất một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong cuộc chơi đầy thử thách sắp tới.

Theo ông Tuấn, trong thời gian qua, Việt Nam đã ký kết và thực thi nhiều hiệp định mở cửa thương mại quan trọng, trong đó đáng kể là Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA), gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Sắp tới đây sẽ là những FTA thế hệ mới với một loạt các đối tác thương mại hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU… được ký kết.

Các hiệp định này mở ra con đường hội nhập thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng như toàn bộ nền kinh tế với các đối tác thương mại lớn. Đồng thời thông qua việc thực thi các cam kết trong đó, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam cũng được cải thiện mạnh mẽ, tạo điều kiện để doanh nghiệp tự do sáng tạo, kinh doanh, làm giàu cho mình và cho đất nước.

Tuy nhiên, Trưởng ban pháp chế VCCI cũng cho biết, có một thực tế đầy lo ngại là dường như những lợi ích tiềm tàng to lớn từ những Hiệp định, thỏa thuận thương mại này đã chưa được hiện thực hóa bao nhiêu trên thực tế.

Chẳng hạn, ở thị trường xuất khẩu, chỉ mới khoảng 30% hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA. Trong khi đó thị trường nội địa lại chứng kiến sự đổ bộ nhanh chóng của hàng hóa, dịch vụ nước ngoài.

“Dường như doanh nghiệp Việt Nam sau hai thập kỷ hội nhập tính từ thời điểm gia nhập ASEAN đến nay vẫn đang loay hoay, lúng túng trong việc tìm ra cách thức để hội nhập hiệu quả” – ông Tuấn nhìn nhận.

Đồng thời, ông Tuấn cũng khẳng định, lời giải cho bài toán hội nhập trước hết nằm ở doanh nghiệp, trong việc tìm biện pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập.

Dù vậy, từ góc độ khác, sự hỗ trợ từ Nhà nước là rất cần thiết để các doanh nghiệp Việt Nam, vốn còn nhỏ bé, non trẻ và yếu ớt trong cuộc chơi với các đối thủ sừng sỏ, dày dạn kinh nghiệm, có thể tồn tại, lớn lên kiên cường và cạnh tranh sòng phẳng trong nền kinh tế toàn cầu hóa này.

Doanh nghiệp cần hỗ trợ gì từ Nhà nước?

Đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, ông Tuấn chỉ ra 2 vấn đề lớn nhất mà doanh nghiệp đang cần sự hỗ trợ từ Nhà nước để hội nhập hiệu quả.

Thứ nhất, doanh nghiệp cần Nhà nước hỗ trợ về cơ chế để có các tổ chức đại diện mạnh và hiệu quả. Bởi theo ông Tuấn, số lượng các hiệp hội doanh nghiệp đang gia tăng song tính chuyên nghiệp, năng lực tài chính vẫn là vấn đề lớn, vai trò hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập và làm cầu nối giữa Nhà nước với các doanh nghiệp còn hạn chế.

Do đó, ông Tuấn đề xuất, Quốc hội và Chính phủ nên có các biện pháp nhằm tạo ra môi trường, cơ chế để các hiệp hội doanh nghiệp có không gian phát triển như sớm hoàn thiện pháp luật về Hội, chuyển giao dần các dịch vụ công trong các lĩnh vực hoạt động kinh doanh cho các hiệp hội doanh nghiệp và tăng cường hiệu quả thực thi các quy định về sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình hoạch định chính sách, pháp luật.

Bên cạnh đó, tăng cường nguồn lực, năng lực hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp, đặc biệt trong những vấn đề liên quan tới hội nhập như Đặt hàng cho Hiệp hội trong việc thực hiện những hoạt động nghiên cứu, phát triển ngành cũng như hỗ trợ doanh nghiệp (sử dụng ngân sách nhà nước)…

Vấn đề thứ 2, theo Đại diện VCCI, Doanh nghiệp cần Nhà nước thông tin, tư vấn cho doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan tới cam kết hội nhập.

Cụ thể, ông Tuấn dẫn chứng, việc thiếu thông tin cụ thể, thiếu những hướng dẫn rõ ràng, thiếu các đầu mối giải thích cam kết… được cho là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng, nắm bắt được các cơ hội to lớn mà các cam kết thương mại quốc tế mang lại.

Trong khi đó, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của một loạt các FTA thế hệ mới với phạm vi cam kết rộng, mức độ cam kết sâu, những cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp dự kiến sẽ rất lớn. Do đó, vấn đề thông tin, hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp càng cần được nhấn mạnh.

Ông Tuấn đề nghị, Quốc hội và Chính phủ nên có các biện pháp thích hợp để khắc phục những hạn chế thời gian qua, từ đó tăng cường hiệu quả thực chất của những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập như hỗ trợ về nguồn lực cho các đầu mối cung cấp thông tin; công khai minh bạch nhanh chóng và kịp thời các nội dung cam kết FTA tới doanh nghiệp…

“Các FTA thế hệ mới sẽ là một động lực mới, mang theo những cơ hội chưa từng có cho kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ phải là những người đầu tiên cần thay đổi, cải thiện năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải làm nhiều việc để doanh nghiệp giúp doanh nghiệp vững chãi trên con đường hội nhập” – ông Tuấn kết luận.

Hồng Lam

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên