Khó giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc
Chính sách biên mậu tạo ra sự nhập nhèm giữa xuất nhập khẩu chính ngạch với buôn lậu.
Trên diễn đàn Quốc hội ngày 8-6 vừa qua, đại biểu Quốc hội Mai Hữu Tín (Bình Dương) đã cung cấp số liệu về xuất nhập khẩu (XNK) giữa Việt Nam (VN) và Trung Quốc (TQ) từ nguồn Tổng cục Thống kê TQ. Qua đó cho thấy những số liệu nước bạn công bố có độ chênh lệch rất lớn so với con số mà VN đưa ra.
Cụ thể, số liệu từ cơ quan thống kê TQ thì nước này xuất khẩu vào VN 63,7 tỉ USD, cao hơn đến 45% so với con số của thống kê. Có nghĩa là năm 2014 thâm hụt thương mại của VN với TQ là 43,8 tỉ USD, cao hơn rất nhiều so với con số 28,9 tỉ USD mà chúng ta công bố, một khoảng chênh lệch gần 15 tỉ USD. Chênh lệch cao về số liệu XNK VN-TQ cho thấy một bức tranh rất đáng lo ngại về thương mại.
Xung quanh con số chênh lệch này, PV Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Ngày càng phụ thuộc sâu hơn
Ông có bình luận gì về những con số chênh lệch rất lớn được nêu ra ở trên?
TS Lê Đăng Doanh: Các số liệu XNK mà cơ quan thống kê TQ công bố là những số liệu công khai, chính thống. Vấn đề đặt ra là tại sao phía TQ và VN lại có sự khác nhau về con số nhiều thế? Nó cho thấy TQ thành công trong việc kiểm soát được tình hình XNK và thống kê được số liệu XNK qua biên giới không chính thức. Trong khi phía VN không thống kê được các số liệu trao đổi hàng hóa này.
Tại sao lại không thống kê được? Đây là dấu hỏi lớn cho các cơ quan chức năng của chúng ta. Nếu cơ quan thống kê của chúng ta không lý giải được thì đó cũng là câu trả lời!
Cũng cần nói thêm rằng con số chênh lệch thống kê XNK giữa VN và TQ khác nhau diễn ra từ lâu nay. Chẳng hạn, năm 2012, phía VN báo cáo hàng nhập từ TQ là 28,8 tỉ USD thì số liệu của phía TQ là 34 tỉ USD.
Thưa ông, thời gian qua chúng ta đề ra chính sách mở rộng thị trường, tránh lệ thuộc quá lớn vào thị trường TQ. Nhưng qua số liệu buôn bán giữa hai nước cho thấy VN ngày càng lệ thuộc vào thị trường này?
Thời gian qua chúng ta đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong việc mở rộng thị trường thông qua ký kết một loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, EU…
Tuy nhiên, TQ là thị trường lớn có sức ảnh hưởng lớn đối với kinh tế thế giới và khu vực. Do vậy, giảm bớt sự phụ thuộc vào TQ là điều rất khó khăn. Đặc biệt là khi họ kiên trì đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa biên mậu.
Nếu không kiểm soát được nhập siêu từ TQ sẽ dẫn đến VN ngày càng phụ thuộc sâu hơn vào thị trường TQ. Hiện nay chúng ta chủ yếu xuất khẩu qua TQ các mặt hàng thô, sơ chế, có giá trị gia tăng thấp và nhập khẩu các mặt hàng thành phẩm có giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, vấn đề thực sự của nhập siêu với TQ là nhập khẩu từ thị trường này trực tiếp phục vụ cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp VN. Điều này tác động lâu dài đến khả năng nâng cấp công nghệ của doanh nghiệp dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Cần xem lại chính sách biên mậu
Vậy theo ông, VN cần có giải pháp mạnh nào để giải quyết tình trạng trên?
TQ là thị trường lớn nhưng họ không sẵn sàng ký kết các hiệp định nhập khẩu gạo, cao su dài hạn với VN mà họ ký với Thái Lan và mỗi năm phía TQ mua 2,2 triệu tấn gạo từ Thái Lan.
Tôi cho rằng TQ lợi dụng chính sách biên mậu để tăng xuất khẩu sang VN và tăng xuất siêu sang VN. Chính sách biên mậu tạo ra sự nhập nhèm giữa XNK chính ngạch với buôn lậu.
Vì vậy, chúng ta cần xem lại chính sách biên mậu quy định cho phép công dân biên giới mua hàng hóa giá trị 2 triệu đồng/ngày.
Bên cạnh đó, các lực lượng kiểm soát biên giới cần tăng cường kiểm soát hàng hóa, xử lý nghiêm tình trạng buôn lậu, nhất là quyết liệt với việc xin xỏ khi bắt hàng buôn lậu.
Tình trạng buôn lậu hàng hóa giữa VN và TQ là đáng báo động. Các hoạt động buôn lậu diễn ra hằng năm, công khai nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý được. Nhiều vụ việc có biểu hiện rõ ràng, ai cũng nhìn thấy nhưng vẫn lọt qua được biên giới!
Xin cám ơn ông.
Vẫn còn cán bộ tha hóa bảo kê cho buôn lậu
Ngày 8-6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị quyết 41 về việc đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Theo đánh giá của Chính phủ, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa tạo được chuyển biến căn bản; tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi và gắn với tệ nạn tham nhũng, làm thất thu ngân sách, thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh và hội nhập quốc tế.
Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên là một số bộ, ngành, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng chưa thực sự vào cuộc, chưa huy động được sức mạnh cả xã hội vào đấu tranh chống buôn lậu, thậm chí có khi vì lợi ích cục bộ đã làm ngơ, buông lỏng quản lý và đấu tranh. Một bộ phận công chức, cán bộ tha hóa, biến chất lợi dụng chức quyền để bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu; hệ thống pháp luật còn sơ hở nhưng chậm sửa đổi, bổ sung; công tác xử lý buôn lậu, hàng giả chưa khách quan, nghiêm minh, còn nể nang, bao che…
Do vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và các địa phương củng cố lực lượng chống buôn lậu, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm các cán bộ, công chức tiếp tay, dung túng cho buôn lậu; khẩn trương xây dựng quy chế luân chuyển công tác cán bộ ở vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; quy chế này hoàn thành trước 30-9-2015.