MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Không tạo được thị trường nội địa cho 90 triệu dân thì phải để FDI nhảy vào"

PGS.TS Vũ Trọng Khải - nguyên Hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, nếu chúng ta không thể tạo ra thị trường nội địa cho 90 triệu dân thì phải nhường cơ hội cho doanh nghiệp FDI nhảy vào.

Chia sẻ về những thách thức mà nền nông nghiệp và người nông dân Việt Nam phải đối diện khi hội nhập, PGS.TS Vũ Trọng Khải - nguyên Hiệu trưởng Trường cán bộ quản lý Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhận định, nếu chúng ta không thể tạo ra thị trường nội địa cho 90 triệu dân thì phải nhường cơ hội cho doanh nghiệp FDI nhảy vào.

Theo ông Khải, hội nhập kinh tế quốc tế là một tiến trình tất yếu, khách quan để tồn tại và phát triển. Do vậy, không thể chấp nhận hội nhập kinh tế như là một cách “đà điểu vùi đầu vào cát” để tránh nguy hiểm, rủi ro, cầu may để tồn tại.

Trong khi đó, thực trạng nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay không chỉ lạc hậu về mọi mặt mà điều nguy hiểm hơn sự lạc hậu là nó đang đầu độc người dân bằng các loại nông sản không an toàn.

“Nếu không khắc phục nông nghiệp Việt Nam chẳng những không tận dụng được cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại mà còn bị những thách thức của tiến trình hội nhập quốc tế nhấn chìm. Khi đó, tổn thất của ngành nông nghiệp, nông dân và cả nền kinh tế Việt Nam đều hết sức to lớn” – ông Khải lo lắng.

Ông Khải cho rằng, điểm yếu lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay là không có chiến lược sản phẩm nông nghiệp quốc gia theo vùng nông nghiệp sinh thái. Nông sản chủ lực có khối lượng và giá trị cao hiện nay ở những vùng nông nghiệp dường như là kết quả của quá trình tự phát.

Chẳng hạn, vùng đồng bằng Sông Cửu Long (Tây Nam Bộ), vốn là vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi nhất cho sự phát triển của nghề trồng lúa nước, hiện đang cung cấp tới 90% lượng gạo xuất khẩu hàng năm. Khối lượng lúa được sản xuất và xuất càng ngày một tăng nhưng khối lượng lúa sản xuất và xuất cảng tăng tỉ lệ nghịch với thu nhập của nông dân và tỉ lệ thuận với ô nhiễm môi trường.

"Hiện nay, người dân Philipines mua gạo Việt Nam với giá rẻ, chỉ bằng 2/3 giá gạo tiêu thụ trong nước. Vô tình, chúng ta, trước hết là nông dân Việt Nam đang phải “bất đắc dĩ làm nghĩa vụ quốc tề về an toàn lương thực” - ông Khải nêu thực tế.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng, người nông dân vẫn đang sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, áp dụng công nghệ cũ kỹ vừa cho năng suất lao động và năng suất nông sản thấp, với giá thành sãn xuất cao, vừa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.

Nông dân Việt Nam hiện nay vẫn là “nông dân cha truyền con nối”, nên “lão nông mới tri điền”. Mỗi nông hộ sản xuất tự phát theo hội chứng đám đông, hay theo tín hiệu thị trường của thương lái, không phải là mắt khâu của chuỗi giá trị ngành hàng từ trang trại đến bàn ăn.

Trong khi đó, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản với công nghệ lạc hậu và kinh doanh theo kiểu “ăn đong”, “có gì mua nấy”, “có gì bán nấy”, không phải là người tổ chức, lãnh đạo chuỗi giá trị ngành hàng. Vì thế, hầu như các mặt hàng nông sản của Việt Nam đều chưa có thương hiệu.

Các hợp tác xã trong nông nghiệp cũng chủ yếu được thành lập để phục vụ sản xuất của các nông hộ nhỏ lẻ, ở một vài khâu dịch vụ đầu vào. Hợp tác xã trong nông nghiệp chưa phải là một tổ chức kinh tế của nông dân sản xuất hàng hóa lớn, đủ khả năng mặc cả ở cả đầu vào và đầu ra của sản xuất nông nghiệp.

Người nông dân cha truyền con nối hiện nay không có nhu cầu và khả năng gia tăng quy mô đất đai, để tạo lập các trang trại sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao. Do đó, cầu thị trường đất nông nghiệp còn thấp.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, một sai lầm quan trọng nữa là Việt Nam chủ trương và thực hiện đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao, thay vì đầu tư phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao.

“Tất cả các nước phát triển hiện nay đều là những nước có nền công nghệ cao, dù GDP nông nghiệp chỉ chiếm vài phần trong GDP cả nước. Vô hình chung, chúng ta thừa nhận một cách vô thức sự tồn tại hợp pháp một nền nông nghiệp không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm" - ông Khải cho biết.

Do đó, ông Khải cho rằng, điều quan trọng khi xác định chiến lược sản phẩm quốc gia theo vùng kinh tế - sinh thái là trước hết xác định thị trường, khách hàng mục tiêu - tiêu thụ nội địa hay xuất cảng, ở những mức độ khác nhau của mỗi loại nông sản, chứ không phải chạy theo doanh số xuất cảng như hiện nay.

“Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần tạo ra một đội ngũ nhân công có đầy đủ kỹ năng, tay nghề, đủ năng lực đứng ra mặc cả với doanh nghiệp mua bán vật tư nông sản, tham gia liên kết trong chuỗi giá trị ngành hàng. Ba vấn đề lớn nhất mà nông dân không thể giải quyết được là thị trường, vốn và khoa học công nghệ thì cần doanh nghiệp đứng ra giải quyết” – ông Khải khẳng định.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên