“Nắm bắt cơ hội trong TPP thế nào? Tôi không biết!”
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh là Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam tham gia đàm phán TPP từ những ngày đầu, ông được rất nhiều doanh nghiệp hỏi làm thế nào để nắm bắt cơ hội trong TPP, ông trả lời “Tôi không biết!”
- 09-03-2016Nhà đầu tư Mỹ chờ TPP để rót vốn vào TP HCM
- 06-03-2016Cơ hội nào cho ngành bảo hiểm khi đón sóng TPP?
- 03-03-2016TPP: Cơ hội và thách thức đối với người lao động và tổ chức công đoàn
Trong bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ Công Thương , Trần Quốc Khánh về cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt khi gia nhập TPP do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và công ty TNHH KPMG Việt Nam phối hợp tổ chức ngày 17/3 tại TP.HCM, ông Khánh đã thẳng thắn nói với các doanh nghiệp Việt rằng: “Tôi không biết khuyên doanh nghiệp làm thế nào để nắm bắt cơ hội trong TPP?”. Doanh nghiệp phải chỉ cho tôi biết họ thuộc ngành nào, trình độ quản trị, năng lực tài chính của họ thế nào… thì tôi mới nói được.
Câu chuyện ông Khánh đưa ra: “Có một chàng trai hỏi cụ già đường từ một tỉnh nhỏ nọ đến thành phố lớn mất bao lâu? Cụ già trả lời không biết. Chàng trai đi được một đoạn cụ già mới gọi chàng trai và nói anh sẽ phải mất 2 ngày mới tới thành phố đó. Chàng trai hỏi lại, tại sao cụ không chỉ cho cháu biết luôn lúc cháu hỏi, cháu đi rồi cụ mới nói. Cụ già bảo rằng, tôi phải biết tốc độ đi của anh thế nào thì mới nói được chứ”.
Theo Thứ trưởng Khánh, cơ hội dành cho doanh nghiệp kèm cả thách thức. Có nhiều doanh nghiệp trước đây được “vỗ về” từ “bàn tay Nhà nước” nên khi hội nhập sẽ là cả một câu chuyện đối với họ.
Hội nhập là cạnh tranh sòng phẳng. Cả Chính phủ và doanh nghiệp cùng hội nhập. Nhiều doanh nghiệp Việt hỏi Nhà nước đã làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp? Tôi chưa thấy doanh nghiệp trong AmCham (Phòng Thương mại Mỹ), EuroCham (Phòng Thương mại Châu Âu), AusCham (Phòng Thương mại Australia) hỏi câu này với Chính phủ của họ. Đã có doanh nghiệp Việt nào chủ động tìm hiểu về TPP?
Doanh nghiệp bước vào thị trường với tâm thế chấp nhận cạnh tranh chủ động. Nhiều doanh nghiệp nói rằng họ “yếu” thế này thì làm sao cạnh tranh nổi với những người “khổng lồ” của thế giới.
“Xin nói người khổng lồ có việc của người khổng lồ. Không ai ăn hết miếng bánh thị trường được”, ông Khánh nói.
Những năm 1990 không ai nghĩ sẽ có những doanh nghiệp Việt lớn mạnh sở hữu những mảnh đất vàng tại Hà Nội như khách sạn Hilton Hanoi Opera, doanh nghiệp Việt đang thống lĩnh thị trường sữa Việt là CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), thống lĩnh thị trường nước chấm, gia vị Việt là tập đoàn Massan Group…
Thứ trưởng Khánh cho rằng, bước vào hội nhập doanh nghiệp Việt phải biết liên kết lại, không được cạnh tranh về giá. Vì nếu giảm giá dẫn đến hòa hoặc lỗ doanh nghiệp sẽ không có lợi nhuận để tái đầu tư. Doanh nghiệp phải cạnh tranh về chất lượng, uy tín.
Một điểm yếu là nhiều doanh nghiệp nhỏ quản trị theo kiểu “gia đình trị”. Họ cho rằng doanh nghiệp là của họ thì họ sẽ quản trị theo cách của họ. Đây là một sai lầm.
Lời khuyên của Khánh là doanh nghiệp Việt nên đi đây đó nhiều hơn. Chỉ cần doanh nghiệp miền Bắc vào đến miền Nam đã thấy doanh nghiệp ở đây có cách làm ăn khác hẳn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tận dụng được phương pháp marketing hiện đại, vì chúng ta đang ở trong thời đại kỷ nguyên số. Chẳng hạn, món ăn thuần Việt “Cá kho làng Vũ Đại” mới đầu cũng gian truân, không bán được hàng. Người chủ món cá đó trong lúc bế tắc đã tìm ra cách marketing rất hay tiếp cận và xuất khẩu món cá này sang tận Mỹ. Trong năm qua, người Mỹ đã coi doanh nghiệp “Cá kho làng Vũ Đại” là một thành công của doanh nghiệp Việt Nam.
Thời gian qua, Chính phủ cũng đã đưa ra thông điệp hội nhập kinh tế quốc tế bằng cách tái cấu trúc nền kinh tế trong nước, ổn định vĩ mô, vì một cơ thể khỏe mạnh mới nắm bắt tốt được các cơ hội.
Khi TPP được Quốc hội Việt Nam thông qua, Chính phủ sẽ xây dựng một chương trình hành động, các giải pháp để giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội trong TPP. Chính phủ sẽ thực hiện vai trò một Nhà nước kiến tạo thay vì đưa ra thật nhiều quy định, quản lý thật chặt, làm thể nào để tạo quyền lợi nhiều nhất cho doanh nghiệp.
Chính phủ sẽ thay đổi cách làm theo công thức: Công khai, minh bạch; Không phân biệt đối xử; Tăng cường tương tác với các doanh nghiệp.
Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh, Việt Nam tham gia TPP dựa trên thành quả của 20 năm đổi mới chứ không phải từ con số 0. Việt Nam tham gia TPP với nhận thức sâu sắc về TPP chứ không phải không biết. Việt Nam tham gia TPP vì lợi ích chứ không phải kiếm chỗ ngồi trong TPP.
Do vậy, cả Chính phủ, doanh nghiệp đều được đặt trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. "Chúng ta muốn thay đổi thì phải thay đổi chính bản thân mình", ông Khánh nói.
BizLIVE