MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành dệt may không dễ hưởng lợi từ TPP

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương dự kiến sẽ kết thúc đàm phán ngay trong năm 2013. Cùng với các cơ hội, ngành dệt may VN còn đối diện với nhiều thách thức có thể lớn hơn cả khi VN tham gia WTO.

Trao đổi với chúng tôi, nguyên giảng viên Đại học Kyushu Nhật Bản, TS Phan Minh Ngọc nói:

- Ngành dệt may VN đang có doanh số hơn 17 tỉ USD, và theo một số dự báo, VN có thể tăng được doanh thu từ dệt may lên 30 tỉ USD vào năm 2025. Nhưng cũng rất có thể VN sẽ không đạt được mục tiêu này nếu doanh nghiệp và cơ quan chức năng VN không cùng nhau hóa giải những thách thức.

* Thưa ông, những cơ hội đối với ngành dệt may khi tham gia TPP là gì?

- Xuất khẩu hàng dệt may hiện đã chiếm hơn 15% tổng doanh số xuất khẩu của cả nước, vì vậy sự phát triển của ngành này sẽ có tác động đáng kể đến nền kinh tế VN. Doanh thu và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may của VN được kỳ vọng sẽ còn tăng mạnh vì khi TPP được ký kết, mức thuế xuất khẩu hàng dệt may của VN vào thị trường Mỹ (đang chiếm đến 44% tổng xuất khẩu dệt may của VN năm 2012) sẽ được hạ từ mức trung bình khoảng 17% hiện nay xuống 0%!

Một số dự báo cho thấy VN sẽ tăng được doanh thu xuất khẩu hàng dệt may lên tới 30 tỉ USD vào năm 2025 trong khuôn khổ TPP. Tất nhiên, những dự báo này dựa trên những giả định đơn giản rằng năng lực sản xuất dệt may của VN sẽ tăng theo đúng chiến lược mà các cơ quan chức năng vạch ra, cũng như đại bộ phận hàng dệt may của VN sẽ được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào các nước thành viên TPP.

* Nhưng muốn hưởng ưu đãi, sản phẩm dệt may VN sẽ phải đảm bảo xuất xứ nguyên liệu từ các nước TPP?

- Quy tắc về nguồn gốc sợi, theo tôi, là trở ngại chính trong khuôn khổ TPP. Để được hưởng thuế nhập khẩu 0%, hàng dệt may của VN phải sử dụng sợi và các sản phẩm từ sợi có xuất xứ từ các nước TPP. Trong khi năng lực sản xuất sợi của VN và các nước TPP chưa đáp ứng được nhu cầu. Đặc thù ngành dệt may lại thường xuyên thay đổi mẫu mã, vật liệu theo mùa, nên việc đáp ứng được quy tắc xuất xứ sợi là không đơn giản và tốn kém. Đây là vấn đề mà cả doanh nghiệp và cơ quan đang có vai trò đi đàm phán TPP cần tính toán để nhận được tối đa lợi ích từ TPP.

Ngoài ra còn có rất nhiều trở ngại khác. Chẳng hạn như thủ tục hành chính, chi phí lưu giữ đầy đủ sổ sách chứng từ..., theo yêu cầu của TPP, có thể lớn hơn cả phần thuế được cắt giảm trong TPP. Điều này sẽ làm nản lòng các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp thà chấp nhận nộp thuế để đưa được hàng của mình đến thị trường tiêu thụ nhanh nhất và đỡ phiền phức.

* Nhiều chuyên gia cho rằng môi trường kinh doanh cần phải cải thiện hơn nữa, nếu không nhiều doanh nghiệp sẽ lại gặp khó như lúc chúng ta mới vào WTO?

- Năng lực quản lý yếu kém, thiếu hụt lao động (kể cả lao động phổ thông), năng suất lao động thấp, thiếu vốn đầu tư và công nghệ... sẽ là những yếu tố kìm hãm việc tăng năng lực sản xuất cũng như xuất khẩu của doanh nghiệp VN trong khuôn khổ TPP. Đặc biệt, yếu tố môi trường kinh doanh không thân thiện với nhà đầu tư sẽ làm tăng chi phí, giảm khả năng cạnh tranh và tận dụng được các cơ hội trong TPP. Chưa kể các chi phí không chính thức, thủ tục hành chính rườm rà, đặc biệt là thủ tục hải quan hay bị kêu là mất thời gian... sẽ khiến doanh nghiệp VN thua thiệt. Những trở ngại này không phải chỉ trên lý thuyết mà là ý kiến của phần lớn công ty dệt may xuất phát từ thực tế hoạt động hằng ngày nêu ra.

* Như vậy, ngành dệt may VN khó tận dụng tốt nhất những cơ hội khi tham gia TPP nếu không có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ, thưa ông?

- Ngay cả trong nước, nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết không dễ xin được đất đai để làm nhà xưởng vì các địa phương xem đây là ngành có giá trị gia tăng thấp, nên không mấy mặn mà cấp đất. Vấn đề môi trường cũng là yếu tố khó khăn đối với những ngành sản xuất gây ô nhiễm như nhuộm, mà ngành nhuộm chính là yếu tố quyết định đến năng lực sản xuất cả ngành dệt may.

Ngoài ra, khả năng các nước nhập khẩu hàng dệt may của VN sẽ không dễ dàng ngồi nhìn hàng dệt may VN tung hoành. Chẳng hạn, các công ty dệt may của Mỹ có thể sẽ vận động hành lang để chính phủ nước này đưa ra các hàng rào kỹ thuật và thương mại phi thuế quan, các yếu tố về nhân quyền, môi trường, lao động... để cản trở xuất khẩu dệt may của VN.

Nhiều chuyên gia hi vọng với thời gian ân hạn ba năm (như phía Mỹ đề xuất) hoặc năm năm (như phía VN đề xuất) cho việc áp dụng quy tắc nguồn gốc sợi là đủ để cho các doanh nghiệp đầu tư vào các ngành kéo sợi, dệt, nhuộm, đáp ứng đủ nhu cầu vải đầu vào cho ngành may. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng khoảng thời gian 3-5 năm may ra chỉ đủ để xây một nhà máy, chứ chưa nói đến cả một chuỗi, một loạt các nhà máy theo nhu cầu.

Theo Cẩm Văn Kình

khanhnt

Tuổi trẻ

Trở lên trên