MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghị quyết 19 và chuyện cái lốp xe dính sơn

Việt Nam hôm nay không chỉ là thành viên Cộng đồng kinh tế ASEAN mà còn có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó có 20 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới… Do đó, yêu cầu của Thủ tướng phải mở rộng so sánh Việt Nam ra ngoài tương quan của khu vực để cải cách mạnh mẽ hơn nữa là quyết tâm nhận được sự đồng thuận rất cao.

 

Nói tới câu chuyện về quyết tâm của Chính phủ Việt Nam đối với công tác cải cách hành chính, tôi bất chợt nhớ tới chuyện kể của công dân Mỹ, ông Cummings Timothy – vốn là lái xe chở xi măng cho một DN sản xuất xi măng thuộc Bang Ohio.

Sòng phẳng kiểu Mỹ

Ông Cummings Timothy đã kể với tôi một câu chuyện liên quan đến thủ tục hành chính xảy ra với ông gần đây trên đất Mỹ. Đó là lần ông đi xe trên đường cao tốc, khi về nhà, ông thấy lốp xe ô tô của mình dính sơn phản quang mới sơn trên đường. Ông Cummings Timothy đã không hài lòng và lập tức gọi điện phản ánh tới Văn phòng Thống đốc Bang Ohio. Một công chức của Văn phòng thống đốc bang hẹn lịch sáng hôm sau đến nhà ông làm việc.

Đúng hẹn, sáng hôm sau vị công chức kia đến nhà gặp hỏi xem ông đã đi trên con đường nào? Vào thời gian nào? Cùng với đó, vị công chức này chụp ảnh vết sơn trên lốp xe của ông Cummings Timothy. Sau đó, vị công chức gọi điện cho chủ đầu tư con đường cao tốc đến làm việc với ông Cummings Timothy. Ngay ngày hôm sau, chủ đầu tư con đường đã mua một lốp mới đến thay cho ông Cummings Timothy cùng một thư xin lỗi của Văn phòng Thống đốc Bang.

Ông Cummings Timothy chia sẻ, tôi đi trên đường thì tôi phải trả phí cho nhà đầu tư. Chủ đầu tư con đường sơn đường chưa khô mà để xe tôi đi vào là lỗi của họ nên phải bồi thường tôi. Văn phòng thống đốc bang là cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm giám sát nên khi để người dân chưa hài lòng về dịch vụ trên địa bàn mình quản lý thì phải xin lỗi tôi. Đây là cách xử lý sòng phẳng trên nước Mỹ.

Những so sánh cần thiết

Trở lại với hai Nghị quyết 19/NQ-CP (về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia), Chính phủ đặt ra mục tiêu, thủ tục hành chính của Việt Nam phải đạt ở nhóm 6 quốc gia đứng đầu của ASEAN (ASEAN – 6) vào cuối năm 2015. Tiến tới, hết năm 2016, Việt Nam sẽ đứng ở nhóm ASEAN – 4.

Với Nghị quyết 19, đây là lần đầu tiên, Chính phủ quyết định lấy phương pháp đánh giá độc lập từ bên ngoài làm căn cứ đo lường và định vị năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh Việt Nam. Việc so sánh sẽ không chỉ dừng lại giữa “ta với ta” như lâu nay, mà quan trọng hơn là so sánh “chúng ta” với khu vực và quốc tế, trước mắt với ASEAN – 6 để xác định vị trí của mình trong mối tương quan chung.

Năm 2015, theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới (WB) thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 3 bậc, từ vị trí 93 lên vị trí 90/187 nền kinh tế. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố báo cáo về Chỉ số cạnh tranh giai đoạn 2015 – 2016 thực hiện tại 140 nước cũng cho thấy: Vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu tăng 12 bậc từ vị trí 68 năm ngoái lên 56.

Chia tay người công nhân về hưu Cummings Timothy, tôi cứ băn khoăn, những kết quả cải cách hành chính của Việt Nam trong năm qua là rất lớn. Tuy vậy, câu chuyện về cái lốp xe dính sơn của ông Cummings Timothy và cách xử lý đơn giản, nhanh gọn của họ có đáng để chúng ta nhìn nhận lại không?

Theo Bá Tú

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên