MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Việt làm bằng 1/18 người Singapore: Thủ tướng nói gì?

Theo Thủ tướng, để nâng cao năng suất lao động, phải thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển hài hòa giữa các ngành, vùng …

Nội dung đáng chú ý:

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có văn bản trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, trong đó có vấn đề năng suất lao động của Việt Nam.

- Theo Thủ tướng, năng suất lao động của Việt Nam tuy có bước cải thiện nhưng vẫn còn rất thấp trong ASEAN.

- Thủ tướng khẳng định, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cả cấp thiết trước mắt cũng như cơ bản lâu dài để nâng cao năng suất lao động.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có văn bản trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII. Trong đó, Thủ tướng đã trả lời các vấn đề về nợ công, nợ xấu, nâng cao năng suất lao động, lạm phát cấp phó…

Trả lời chất vấn của các đại biểu Võ Kim Cự, Lê Đắc Lâm, Vũ Tiến Lộc về tình hình và giải pháp nâng cao năng suất lao động, Thủ tướng khẳng định, năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng đánh giá trình độ phát triển của nền kinh tế.

“Năng suất lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có 3 yếu tố chính là cơ cấu kinh tế ngành và nội ngành, trình độ công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động được tính bằng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) chia cho tổng số lao động làm việc trong nền kinh tế” – Thủ tướng cho biết.

Theo Báo cáo công bố ngày 19/8/2014 của ILO và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về năng suất lao động của ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2007 - 2013 đã có bước thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực.

Năm 2007 năng suất lao động của các nước ASEAN gấp 2,12 lần so với Việt Nam (9.173 USD/4.322 USD tính theo sức mua tương đương - PPP), đến năm 2013 khoảng cách này đã thu hẹp còn 1,98 lần (10.812 USD/5.440 USD). Trong đó, so với Singapore giảm từ 21,3 lần xuống còn 18 lần; so với Thái Lan từ 3 lần xuống còn 2,7 lần; so với Philippines từ 2 lần xuống còn 1,8 lần.

Báo cáo cho thấy năng suất lao động của Việt Nam tuy có bước cải thiện nhưng vẫn còn rất thấp trong ASEAN. Trong cơ cấu kinh tế, ngành nông nghiệp có tốc độ tăng giá trị gia tăng thấp so với công nghiệp, dịch vụ và chỉ chiếm tỷ trọng 18,4% trong GDP (năm 2013) nhưng lại sử dụng đến 47% tổng lao động xã hội (tỷ lệ này ở Thái Lan là 39%, Indonesia 35%, Trung Quốc 34%, Philippines 32%, Malaysia 11%, Hàn Quốc 6,5%, Singapore 1%).

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ của nước ta khoảng 18,2%, trong khi lao động qua đào tạo có chứng chỉ của Singapore là 61,5%, Hàn Quốc là 62%. Nếu tính cả số đào tạo dưới 3 tháng của nước ta là 49% năm 2013 so với Malaysia là 62%, Philippines 67%. Kỹ năng của người lao động trực tiếp nước ta nhìn chung không kém lao động các nước nhưng còn hạn chế về kỷ luật lao động; đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật được đào tạo cơ bản, có trình độ cao còn thiếu; năng lực quản trị doanh nghiệp còn yếu.

Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới toàn cầu (GII) năm 2014 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), chỉ số đổi mới công nghệ nước ta đứng thứ 71/143 nền kinh tế, tăng 5 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN, tăng 1 bậc so với năm 2013. Tuy nhiên, việc nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ ở nước ta còn nhiều hạn chế.

Trình độ cơ khí hóa, tự động hóa, tin học hóa của các ngành kinh tế còn thấp. Theo điều tra doanh nghiệp năm 2012, khoảng 57% doanh nghiệp chế biến, chế tạo có công nghệ thấp, 31% có công nghệ trung bình, 12% có công nghệ cao. Đầu tư xã hội cho đổi mới nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ của nước ta còn thấp so với nhiều nước trong khu vực.

Trong giai đoạn 2011 - 2013, tỷ trọng đầu tư cho khoa học công nghệ so với GDP chỉ khoảng 0,4%. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học trên 1 người dân ở nước ta năm 2012 là 3,1 USD trong khi của Thái Lan là 22 USD, Malaysia là 86 USD và của Singapore là 1.340 USD.

Ngoài ra còn có một số yếu tố khác ảnh hưởng đến năng suất lao động như sản xuất công nghiệp theo phương thức gia công là chủ yếu, công nghiệp hỗ trợ còn kém phát triển; sản xuất nông nghiệp phần lớn là bán nguyên liệu và xuất khẩu thô; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện...

Theo Thủ tướng, để nâng cao năng suất lao động, phải thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, đẩy mạnh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển hài hòa giữa các ngành, vùng, khuyến khích mạnh các ngành kinh tế có công nghệ, giá trị gia tăng cao; tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thủ tướng khẳng định, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cả cấp thiết trước mắt cũng như cơ bản lâu dài. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nêu trên, đặc biệt là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phát triển mạnh kinh tế tư nhân - coi đây là động lực, là giải pháp chủ yếu - để khẩn trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực.

>>>Năng suất lao động Việt Nam bằng 1/3 Thái Lan

Thảo Anh

Trịnh Hường

Chinhphu.vn

Trở lên trên