Phát hành trái phiếu quốc tế: NĐT chờ đợi ở lãi suất
Cơ hội của nhà đầu tư (NĐT) trước quyết sách phát hành trái phiếu quốc tế (TPQT) trong thời gian tới sẽ thế nào là điều mà NĐT đặc biệt quan tâm.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), nợ trong nước của Việt Nam tăng nhanh trong giai đoạn 2010 - 2014, từ 23,1% GDP lên 31,7%GDP, trong khi nợ quốc tế duy trì ổn định ở mức 27 - 28% GDP.
Tận dụng điều kiện thuận lợi về nền kinh tế, tháng 11/2014, Việt Nam đã phát hành TPQT kỳ hạn 10 năm với tổng giá trị 1 tỷ USD (lãi suất 4,8%/năm) để tái cơ cấu các khoản vay cũ.
Trong kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc phát hành thêm 3 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Tại sao lại phải phát hành trái phiếu?
Dựa trên đánh giá của WB, nợ trong nước tăng mạnh trong những năm gần đây do Chính phủ liên tục phát hành trái phiếu, tăng bình quân khoảng 20% mỗi năm trong giai đoạn 2010 - 2014.
Từ đầu năm 2015, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã tổ chức 112 phiên đấu thầu với giá trị đấu thầu là 216.500 tỷ đồng và thu về hơn 120.000 tỷ đồng. Tỷ lệ trúng thầu từ mức cao, khoảng 71% trong năm 2014 giảm về 56% trong năm 2015.
Theo đó, có hai nguyên nhân chính, (1) tác động của Thông tư 36 và Nghị quyết 78 khiến nhu cầu đầu tư trái phiếu chính phủ giảm; (2) nhu cầu đầu tư tư nhân tăng trưởng khiến các ngân hàng ưu tiên vốn cho khu vực này.
Có thể thấy, sự suy giảm trong vay nợ trong nước trong bối cảnh nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng tăng cao và ngân sách khó khăn là một trong những động cơ để Chính phủ tính đến phương án phát hành TPQT.
Ngoài ra, với tỷ lệ nợ công cao (khoảng 62% GDP năm 2015), áp lực chi trả nợ gốc và lãi vay trong thời gian tới cũng là nguyên nhân buộc Chính phủ phải tìm nguồn tài trợ từ bên ngoài.
Theo thống kê của một tổ chức chứng khoán, khoản nợ TPCP đáo hạn năm 2016 khoảng 167.000 tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2015) và lãi vay phải chi trả khoảng 62.100 tỷ đồng.
Trong đó, 84% nợ gốc đến hạn là nợ trong nước do KBNN phát hành hoặc bảo lãnh phát hành trong giai đoạn trước. Như vậy, áp lực trả nợ đang là một bài toán mà Bộ Tài chính (BTC) phải tìm nhiều phương án để giải quyết trong năm 2016.
Nhìn chung, lợi ích nhận được trong trường hợp Việt Nam phát hành TPQT thành công chỉ mang ý nghĩa trong ngắn hạn, giúp giải quyết một phần khó khăn trước mắt. Trong khi đó, những rủi ro tiềm tàng được đẩy vào tương lai và có khả năng gây bất ổn cho nền kinh tế.
Trong năm 2016, khoản nợ vay đến hạn và lãi suất phải trả đến từ nợ bằng USD chỉ khoảng 483 triệu USD.
Rõ ràng, con số 3 tỷ USD được đề xuất có khả năng không chỉ dùng để trả nợ vay quốc tế mà còn dùng cho mục đích đảo nợ vay trong nước (mục đích vay đầu tư không được đưa ra khi thảo luận trước Quốc hội).
Tổng khoản nợ vay và lãi vay phải trả năm 2016 là khoảng 229.000 tỷ đồng, cho dù phát hành thành công, việc phát hành TPQT chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu chi trả nợ vay năm sau.
Lợi ích tiếp theo là chuyển đổi cơ cấu vay nợ theo kỳ hạn. Hiện tại, khoảng 66% trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính phủ bảo lãnh có kỳ hạn từ 5 năm trở xuống, phát hành TPQT kỳ hạn 10 năm sẽ giúp kéo dài kỳ hạn trả nợ.
Nhờ đó, BTC sẽ không phải "chạy" để trả nợ từng năm như hiện nay. Đây là mặt được nhất nếu phát hành TPQT.
Khả năng thành công đến đâu?
Dù vậy, khi phát hành TPQT, tỷ trọng nợ vay nước ngoài tăng lên có thể khiến cho Việt Nam dễ bị tác động bởi các cú sốc kinh tế bên ngoài.
Đồng thời, nợ vay quốc tế trông có vẻ rẻ nhưng thực chất không rẻ khi tính thêm rủi ro biến động tỷ giá. Trong lần phát hành gần nhất, Việt Nam đã vay được mức lãi suất khá thấp, khoảng 4,8%/năm.
Tuy nhiên, với điều kiện hiện tại thì lãi suất dự kiến của đợt phát hành sắp tới có thể cao hơn do phải tính đến lộ trình tăng lãi suất của FED. Ngoài ra, việc đồng tiền Việt Nam mất giá khoảng 5% trong năm nay khiến cho khoản vay phát hành năm 2014 không còn rẻ.
Chính sách điều hành tỷ giá đã khá "căng" trong năm 2015 do sự tăng giá của đồng USD và thâm hụt thương mại quay trở lại.
Vay nợ quốc tế bằng USD có thể bổ sung nguồn ngoại tệ trong ngắn hạn, nhưng đồng thời cũng là một cái "gông" mới "tròng" lên sự linh hoạt trong điều hành tỷ giá của Việt Nam.
Thông thường, các nền kinh tế tương tự Việt Nam chủ yếu huy động nguồn vốn trong nước.
Thống kê của Moodys cho thấy giá trị trái phiếu nội địa tại các thị trường mới nổi đã tăng 14,4% trong giai đoạn 2010 - 2014 trong khi TPQT tại các thị trường này chỉ tăng 2,3%.
Hiện tại, Việt Nam đã đến ngưỡng cảnh báo về rủi ro nợ công, do đó, vay trong nước dù sao vẫn an toàn hơn là vay quốc tế.
Theo Citibank, lãi suất bình quân trái vphiếu chính phủ tại thị trường châu Á khoảng 6,18%/năm, kỳ hạn bình quân là 12,65 năm. Đối với Việt Nam, lãi suất vay bình quân TPQT là 6,1%/năm, kỳ hạn 10 năm.
Dựa trên xếp hạng tín nhiệm, trái phiếu chính phủ Việt Nam được xếp vào loại rủi ro cao, thể hiện qua mức CDS (giá của hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng của trái phiếu chính phủ) thuộc top 15 thế giới.
Tuy nhiên, việc phát hành TPQT của Việt Nam vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều NĐT. Trong lần phát hành gần nhất, hơn 84% đối tượng quan tâm TPQT của Việt Nam là các công ty quản lý quỹ và khối lượng đăng ký gấp 10 lần khối lượng gọi thầu.
Do đó, sự quan tâm của giới đầu tư đối với trái phiếu chính phủ Việt Nam trong lần phát hành sắp tới vẫn lớn, dựa trên triển vọng nền kinh tế ổn định cùng với những đánh giá tích cực sau khi Việt Nam gia nhập TPP.
Tuy nhiên, các NĐT cũng có thể đòi hỏi lãi suất cao hơn mới tính đến chuyện đầu tư...
Doanh nhân Sài Gòn