MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Sẽ thay đổi về môi trường kinh doanh"

Trả lời báo chí mới đây, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến đã khẳng định như vậy khi Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh có hiệu lực. Hơn thế, Luật sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại DN, nâng cao trách nhiệm của chủ sở hữu cũng như người đại diện vốn tại DN.

Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2015. Luật này được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, đồng thời cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam thông qua việc tạo môi trường kinh doanh bình đẳng hơn. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại DN, nâng cao trách nhiệm của chủ sở hữu, của người đại diện vốn. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của ban điều hành DN, trong đó đối với việc quản trị về tài chính, Luật đã quy định rõ tại chương 3. DNNN sẽ có hệ thống quản trị mềm, còn từng DN tự xây dựng hệ thống quản trị riêng, đó là hệ thống quản trị cứng. Hệ thống này đảm bảo đúng nguyên tắc thị trường.

Luật đã bổ sung thêm một chương về giám sát và công khai minh bạch tin. Với việc đưa ra các nguyên tắc quản trị nói chung và hệ thống giám sát minh bạch tin thì hiệu quả của đồng vốn sẽ được thường xuyên kiểm tra, thường xuyên phản ánh cho không chỉ chủ sở hữu, cho cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tài chính mà cho toàn xã hội kiểm soát. Rõ ràng sẽ minh bạch, DN bắt buộc phải chủ động hơn, quyết liệt hơn, để đảm bảo đồng vốn hiệu quả.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh cũng được cải thiện hơn do Luật yêu cầu DN công khai toàn bộ hoạt động thường niên của DN vốn nhà nước. Chúng ta đã đi theo thị trường, bình đẳng với các thành phần khác, nói cách khác DN vốn nhà nước còn phải minh bạch hơn các DN chưa niêm yết, chưa đại chúng.

Ông có thể nói rõ hơn về việc sẽ thu hẹp các DNNN, cũng như tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia vào môi trường kinh doanh?

Luật này Chính phủ và Quốc hội đã đưa ra thông điệp tại điều 10 là nhà nước chỉ đầu tư vào những ngành nghề gì, thì có nghĩa là Nhà nước sẽ thu hẹp lại lĩnh vực can dự của mình trong DN, chỉ đầu tư vào những lĩnh vực thực sự thiết yếu, đảm bảo an toàn ninh quốc gia, an sinh xã hội, mà các thành phần kinh tế khác không muốn làm, hay chưa làm được.

Vì vậy, thị phần, môi trường kinh doanh cho các DN thuộc các thành phần kinh tế có vốn nhà nước sẽ được mở rộng, Nhà nước chủ động trả lại cho thị trường những ngành nghề mà các thành phần kinh tế khác làm được, tạo ra thị trường sự cạnh tranh tốt, tạo ra giá cả hợp lý, chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt hơn. Đây là mong muốn mà Luật này đưa ra, cùng với Luật DN, Luật Đầu tư, sẽ thay đổi hoàn toàn bức tranh về môi trường kinh doanh.

Quá trình tái cơ cấu DNNN trong năm 2014 đã tăng tốc hơn nhiều so với năm 2013, tuy nhiên vẫn còn chậm so với yêu cầu đề ra. Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh được kỳ vọng có thể giúp tăng tốc cổ phần hóa hay không, thưa ông?

Về tăng tốc, cổ phần hóa DNNN trong năm 2015, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh này cũng quy định những vấn đề mà trước đây nói là cần cổ phần hóa mới làm được, đó là xử lý tài chính, quản trị, minh bạch thông tin...

Có những DN nói rằng chúng tôi không cần cổ phần hóa, nhưng nếu Luật chính thức có hiệu lực, DN phải công khai những thông tin cụ thể, khi đó so sánh với DN thấy rằng phải đổi mới, phải thay đổi quản trị. Khi thay đổi quản trị, rõ ràng mô hình quản trị tiên tiến nhất là mô hình quản trị công ty cổ phần, là mô hình thế giới được khẳng định là tiên tiến nhất, vì minh bạch thông tin, đảm bảo lợi ích cộng đồng. Việc cổ phần khi đã thành đương nhiên thì tốc độ nhanh hơn, không đắn đo nữa.

Có ý kiến cho rằng tái cơ cấu DNNN hiện nay không chỉ là nhìn vào con số cổ phần hóa mà phải nhìn vào hiệu quả hoạt động, chất lượng quản trị, năng suất lao động. Ông đánh giá thế nào về điều này? 

Sau khi cổ phần hóa, quan trọng nhất là phải đổi mới quản trị. Vì thế, thời gian qua, đa số DN cổ phần hóa xong đều tốt hơn, vì đưa được đồng tiền gắn liền với DN, còn một số DN cổ phần hóa chạy theo phong trào, hình thức, do chuẩn bị không kỹ, không đổi mới quản trị theo thông lệ thị trường, vẫn bình mới rượu cũ, thì chất lượng đi xuống, thậm chí phá sản, giải thể. Đó là điều không tránh khỏi. Nhưng nếu đã cổ phần hóa đúng theo quy trình, chuẩn bị tốt, thì họ hoạt động tốt, đứng vững trên thị trường.

Một điểm mới của Luật là nêu nguyên tắc cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại DN phải chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại DN, đồng thời cụ thể hoá các quy định về trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước. Theo ông, điều này sẽ khắc phục những bất cập trước đây về vấn đề trách nhiệm quản lý vốn nhà nước tại DN như thế nào?

Trong Luật có một chương về quyền chủ sở hữu phân cấp. Hiện nay nhiều quan điểm cho rằng tại sao không hình thành cơ quan riêng. Nhưng cơ quan riêng đó phải đi cùng lộ trình tái cơ cấu DN, là khi chúng ta đang còn hơn 1.000 DN, tới đây năm 2015, cổ phần hóa hơn 500 DN, nghĩa là còn khoảng 500 DN. Tới đây, năm 2020, chúng ta tiếp tục giảm bớt, thì khu vực DNNN chỉ còn trên dưới 100 DN, như vậy việc quản 1.000 DN khác với quản lý 100 DN.

Cho nên đặt ra mô hình quản lý chung như cơ quan quản lý nhà nước lúc này là không phù hợp vì rõ ràng sẽ bị biến động. Vấn đề nữa là về hiệu quả, vô hình chung là không hợp lý. Đến 2020, khi đã gọn lại thì mới có thể quản lý được. Hiện nay đã có Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), quản lý phần vốn Nhà nước theo mô hình DN.

Trên thế giới mô hình này rất nhiều nước làm. Đã có mô hình rồi nên Luật không đặt vấn đề cơ quan chủ quản hay Bộ chủ quản. Chính vì vậy, Luật vẫn phải thiết kế chương 5 về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu, để làm rõ trách nhiệm của các khâu, tránh những vấn đề trước đây khi chưa có Luật, dẫn đến không rõ trách nhiệm của bộ, ngành, DN thế nào.

Xin cảm ơn ông!

Theo Minh Anh

PV

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên