MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: “Tài liệu hội nhập dày cộp đọc không nổi, phải có sổ tay cho doanh nghiệp”

Lưu ý nhỏ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về việc Bộ Công Thương phải xây dựng “sổ tay” thông tin về hội nhập cho doanh nghiệp song lại nhận được nhiều sự quan tâm nhất.

Chia sẻ và đưa ra những định hướng chỉ đạo cho Bộ Công Thương trong Hội nghị Tổng kết năm của ngành Công Thương sáng nay 31/12 tại Hà Nội, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cần phải hết sức quan tâm đến doanh nghiệp để nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh trong hội nhập.

Theo Thủ tướng, năm 2015 qua đi với rất nhiều khó khăn và thách thức, tuy nhiên nền kinh tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, mặc dù còn đó là những khó khăn, hạn chế yếu kém.

Với mức tăng GDP 6,68% trong năm nay, Thủ tướng đánh giá cao mức tăng trưởng của sản xuất công nghiệp với 9,8%, trong khi năm 2014 là 7,6%. Đây là đóng góp quan trọng vượt trội, cho thấy ngành công nghiệp chế biến chế tạo đi đúng hướng, chuyển dịch cơ cấu tích cực.

Cần tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong hội nhập

Đối với hoạt động xuất khẩu, mặc dù không đạt chỉ tiêu đề ra là 10%, song với sự tăng trưởng ấn tượng của những ngành xuất khẩu chính dệt may, da giày đã ngày càng giúp Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu có tên trên bản đồ thế giới.

Đặt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng, tạo ra vị thế mới nhưng đồng thời cũng là khó khăn, thách thức, Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Bộ Công Thương trong việc đàm phán thành công những FTA mới. Do đó, không có cách nào khác hội nhập vừa hợp tác, vừa cạnh tranh phát triển một cách chủ động tích cực để tận dụng cơ hội.

Dẫn chứng từ ngành dệt may, Thủ tướng cho biết hiện nay có tới hơn 17% hàng dệt may xuất khẩu vào Hoa Kỳ bị mất thuế với khoảng 1,7 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương được ký kết, đi vào thực hiện thì dệt may có thể tiết kiệm được 1,1 tỷ USD tiền thuế.

Do đó, vấn đề quan trọng nhất là cần phải tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các lĩnh vực trong ngành Công Thương phải phấn đấu cao hơn để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn mức Quốc hội đề ra là 6,7% trong năm 2015 và nhiệm kỳ 2016-2020 bình quân là 6,5-7%.

Theo đó, các vấn đề mà ngành Công Thương phải thực hiện, trước hết là Bộ Công Thương cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách, chiến lược của các ngành để tạo thuận lợi cho công nghiệp, thương mại phát triển bền vững hơn. Đây là nền tảng rất quan trọng để hoàn thiện cơ chế thị trường, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, đối với công nghiệp phụ trợ, Thủ tướng cũng yêu cầu cần hoàn thiện hơn nữa cơ chế chính sách để thúc đẩy ngành và thu hút đầu tư và đặc biệt là thúc đẩy DN nhỏ và vừa phát triển. Hiện Nghị định mới về công nghiệp hỗ trợ đã ban hành, song Thủ tướng cho rằng để thúc đẩy phát triển toàn diện thì các chính sách cần tập trung vấn đề thuế, đất đai, nhân lực, hành chính…

Đẩy mạnh xuất khẩu, không quên nội địa

Thứ ba, tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu, bởi thị trường quyết định sản xuất. Hiện thị trường trong nước không đáp ứng nhu cầu sản xuất nên việc mở thị trường xuất khẩu rất quan trọng. Theo đó, Bộ Công Thương cần phải sớm tháo gỡ vướng mắc khó khăn, tạo mọi điều kiện mở thị trường cho những mặt hàng ta có thế mạnh như dệt may, da giày, nông sản, đồ gỗ…

Đồng thời, cần chú ý đến việc ứng phó với các hàng rào kỹ thuật khi xuất khẩu, do những yêu cầu khắt khe của nước nhập khẩu đặt ra trên cơ sở đáp ứng yêu cầu về sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm. Chú trọng tuyên truyền cho người dân và DN hiểu về các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia, những thuận lợi, khó khăn, định hướng sản xuất…

“Không phải ký kết xong là xong, mà vấn đề đặt ra là DN tái cơ cấu thế nào để hội nhập. Thời gian qua đã chứng minh, người dân và DN khi đã hiểu rõ về hội nhập thì rất sáng tạo, đủ sức tham gia vào hợp tác cạnh tranh trong thị trường quốc tế. Hiệp định rất nhiều, nên tóm tắt, thông tin về thuận lợi, khó khăn gì thì cần làm sổ tay. Công nghệ thông tin đã có rồi, đưa lên mạng đọc cho rõ ràng, chứ tôi đọc tài liệu dày cộp cũng không nổi” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ tư, Thủ tướng yêu cầu chú trọng phát triển thị trường trong nước, là thị trường thuận lợi với 92 triệu dân. Với GDP bình quân đầu người năm nay là 2.109 USD/người, tăng 57 USD nên Thủ tướng cho rằng đây là thị trường tiềm năng. Do đó, cần phải tích cực phát huy hiệu quả “Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đi liền phát triển hệ thống thương mại, có hàng rào kỹ thuật bảo vệ thị trường và sản xuất trong nước.

Thứ năm, đối với hoạt động sắp xếp tái cơ cấu ngành công thương, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tái cơ cấu theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả sức cạnh tranh từng ngành và lĩnh vực. Theo đó, cần nâng cao năng suất hiệu quả quản trị của DN, những ngành nghề lĩnh vực nào không cần vốn Nhà nước nắm giữ thì bán. Đối với những DN đã tái cơ cấu, cần tiếp tục hơn nữa để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên