TPHCM trên đường phát triển: Phát huy vai trò "đầu tàu"
Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng, với vai trò và vị trí đầu tàu trong nhiều lĩnh vực của đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang có nhiều nỗ lực "vì cả nước, cùng cả nước," phát huy tinh thần không ngừng đổi mới để phát triển bền vững và hội nhập quốc tế thành công.
- 13-01-2016TPHCM: Thu thuế tiêu thụ đặc biệt tăng
- 03-01-2016TPHCM nhắm đích trung tâm lớn về kinh tế, thương mại của ASEAN
- 29-12-2015Samsung “rót” thêm 600 triệu USD vào TPHCM
Nhìn nhận đúng thực tế
Qua 30 năm đổi mới, kinh tế thành phố đã từng bước thể hiện vai trò dẫn đầu. Điều này được minh chứng qua những con số ấn tượng như đóng góp thu ngân sách của thành phố vào ngân sách cả nước năm sau cao hơn năm trước.
Cụ thể, năm 2011 đóng góp vào ngân sách của thành phố chiếm 27,7%, năm 2014 chiếm 30%, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2006-2010. GDP bình quân đầu người của thành phố tăng 12%/năm, đến năm 2015 đạt 5.538 USD/người.
Vai trò, vị trí của thành phố về kinh tế đối với cả nước ngày càng khẳng định, tỷ trọng kinh tế thành phố trong nền kinh tế đất nước ngày càng cao, từ 18,3% năm 2011 tăng lên 21,5% năm 2014.
Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thành phố cũng thực hiện nhiều chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp quy hoạch phát triển, chú trọng công nghệ cao và các ngành công nghiệp trọng yếu.
Tính đến hết năm 2015, trên địa bàn thành phố có 5.765 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn hơn 40,5 tỷ USD. Tỷ trọng kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài năm 2011 chiếm 23% và ước tính năm 2015 chiếm 24,5%.
Theo ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, chỉ đạo Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, những kết quả trên đã góp phần khẳng định thành tựu chung của thành phố trong 30 năm đổi mới, một chặng đường rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển của thành phố, đánh dấu sự trưởng thành, đóng góp tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, các thế hệ lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh luôn quán triệt tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật," không tự hài lòng với kết quả đạt được nhằm tìm ra những giải pháp, hướng đi phù hợp nhất để phát triển bền vững.
Tại Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X vừa qua (tháng 10/2015), thành phố đã thẳng thắn nhìn nhận đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, trong đó hội nhập kinh tế là trung tâm, đặc biệt là quá trình thực hiện các cam kết trong Cộng đồng ASEAN, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các nước và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng... sẽ là sức ép rất lớn cả về năng lực cạnh tranh và ổn định chính trị trên địa bàn, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của thành phố.
Với gần 10 năm là người đứng đầu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đã chỉ rõ những hạn chế, tồn tại của nền kinh tế thành phố lớn nhất cả nước này, đó là tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng; chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế còn chậm.
Chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế chưa cao; tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao còn thấp; quy mô, tỷ trọng của khu vực kinh tế tập thể còn nhỏ, kết quả kết hợp phát triển với các địa phương còn hạn chế... Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; kết cấu hạ tầng vẫn còn tình trạng quá tải, cản trở tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Trần Du Lịch cho rằng, ba vấn đề lớn đang đặt ra cho bài toán phát triển của thành phố là cơ cấu kinh tế, kết cấu hạ tầng đô thị và hành chính công cần có sự đột phá.
Về lĩnh vực kinh tế, sự tồn tại lớn nhất của Thành phố Hồ Chí Minh là cơ cấu kinh tế thiếu cạnh tranh đang đối diện với thách thức trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới. Thách thức về quản lý đô thị lớn nhất của Thành phố Hồ Chí Minh là sự bất cập giữa trình độ phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội với tốc độ tăng trưởng kinh tế và yêu cầu cải thiện dân sinh.
Phát triển bền vững, vươn tầm khu vực
Đánh giá được lợi thế cùng những hạn chế của mình, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chương trình, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học-công nghệ của khu vực Đông Nam Á.”
Đại hội lần thứ X của Đảng bộ thành phố đã xác định phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh; khoa học-công nghệ, tri thức, nguồn nhân lực chất lượng cao và thông tin phải là động lực, yếu tố đầu vào, tạo ra giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ.
Cụ thể hơn, thành phố phát triển nhanh dịch vụ, nhất là các ngành có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao, các ngành công nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp công nghệ cao; tiếp tục tập trung nâng cao tỷ trọng 9 ngành dịch vụ chủ yếu.
Tiếp tục tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu trên cơ sở xác định chiến lược phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ gắn với doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ; xác định sản phẩm chủ lực để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, cung ứng cho công nghiệp chủ lực trong nước và xuất khẩu, các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn… tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng cho sự phát triển của các thành phần kinh tế.
Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung phát triển đồng bộ và quản lý hiệu quả 5 thị trường chính yếu gồm thị trường hàng hóa, thị trường tài chính, thị trường khoa học-công nghệ, thị trường bất động sản, thị trường lao động.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay, với vai trò là cửa ngõ quốc tế quan trọng của đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những cách làm, định hướng cụ thể.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố chủ động, tích cực, khẩn trương tuyên truyền sâu rộng và triển khai các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng ASEAN, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương, đa phương.
Điều chỉnh bổ sung các quy định, cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân thành phố để phù hợp với các cam kết của Việt Nam với các nước; ban hành các chính sách mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường; đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ về vốn, mặt bằng, hỗ trợ đổi mới công nghệ...
Thành phố tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, tạo vốn, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước từ nhiều thành phần kinh tế; khuyến nghị nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bằng hình thức hợp tác công tư (PPP).
Bên cạnh đó, thành phố triển khai các giải pháp đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng công tác đào tạo đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đặc biệt là các nghề tự do di chuyển lao động trong khu vực ASEAN như nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc sư, du lịch...
Bước vào giai đoạn mới, với những thuận lợi đan xen không ít khó khăn, thử thách, ông Võ Văn Thưởng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định Đảng bộ và chính quyền thành phố quyết tâm đổi mới, bám sát thực tiễn, trọng dân, dựa vào dân, phát huy sức dân để chăm lo cho dân; huy động sức mạnh tổng hợp; phấn đấu bền bỉ, đưa thành phố tiếp tục phát triển./.