MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPP chuyến ra khơi mới của doanh nghiệp Việt

Cơ hội sẽ mở ra với Việt Nam nếu DN chuẩn bị một hành trang tốt để bước những bước vững chắc, thậm chí là “nhảy múa” trên những bậc cầu thang ấy còn nếu không sẽ mãi là bậc cuối cùng.

Năm 2014, nói đến cơ hội và thách thức của Doanh nghiệp Việt Nam khi hội nhập không thể không nhắc đến TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương), một hiệp định mà theo các chuyên gia là sẽ đánh dấu một mốc quan trọng trong hành trang hội nhập với thế giới của Việt Nam.

Có thể ví von rằng, WTO là một sân chơi rộng rãi với 150 thành viên (vào thời điểm Việt Nam gia nhập) còn TPP như một cầu thang với 12 bậc mà Việt Nam với trình độ phát triển đang ở mức thấp nhất là bậc cuối cùng. Cơ hội sẽ mở ra với Việt Nam nếu DN chuẩn bị một hành trang tốt để bước những bước vững chắc, thậm chí là “nhảy múa” trên những bậc cầu thang ấy còn nếu không sẽ mãi là bậc cuối cùng.

Nói về cơ hội và thách thức của DN Việt trước thềm TPP, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam PGS, TS. Trần Đình Thiên chia sẻ, Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp nhất trong số 12 nước tham gia đàm phán tham gia TPP. Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nhận định, chúng ta sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia TPP, nhưng nếu điều này đúng cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam là nước có thách thức lớn nhất, bởi nguyên lý đơn giản là không thể được hưởng lợi nhiều nhất mà không bị trả giá cao nhất. Và thách thức trước giờ G.  đã được các DN Việt Nam nhận diện rõ ràng để chuẩn bị đối mặt với chặng đường mới.

Cơ hội càng nhiều, thách thức càng lớn

Trong số các ngành hàng, dệt may là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam có quyền lợi đáng kể trong TPP bởi riêng Hoa Kỳ đã chiếm 43% tổng kim ngạch XK của ngành, còn Nhật Bản chiếm 11%. Hiện dệt may đang chịu khoảng 1.600 dòng thuế thì có tới 1.000 dòng thuế từ Hoa Kỳ và khi thực hiện theo TPP nhiều dòng thuế sẽ giảm về 0%.

Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) khẳng định, TPP đang chiếm 60% tổng kim ngạch XK của ngành Dệt may. Do đó, khu vực kinh tế này đặc biệt quan trọng với ngành cả trong hiện tại và tương lai. Và tất nhiên, để có được những lợi ích từ TPP, ngành dệt may phải đối mặt với những thách thức nhất định về quy tắc xuất xứ, vấn đề cắt giảm thuế và năng lực cạnh tranh lâu dài.

Tuy nhiên, mặt tốt của vấn đề là việc áp đặt quy tắc xuất xứ buộc các DN phải tăng đầu tư vào khâu “thượng nguồn” như sợi, dệt, nhuộm, vải, tạo tiền đề phát triển bền vững. Đây là tác động khách quan khiến DN Việt Nam nhanh chóng phải quan tâm nhiều hơn đến nền tảng phát triển bền vững của ngành Dệt may.

Đứng ở nhóm các ngành gặp nhiều thách thức, ngành chăn nuôi được đặt trong tình thế sống còn. PGS. TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, TPP đối với ngành Chăn nuôi Việt Nam là thách thức lớn. Ngành Chăn nuôi có 3 phân ngành chính là lợn, gà và bò.

Chăn nuôi gà Việt Nam không có khả năng cạnh tranh, kể cả gà thịt và gà đẻ trứng nên rất dễ bị xóa sổ. Một DN chăn nuôi gà cũng cho biết, chi phí sản xuất 1kg thịt gà (hơi) hiện khoảng 60.000 đồng. Giá bán nguyên con ra thị trường là 70.000 đồng/kg. Giá bán đã qua giết mổ là 110.000 đồng/kg. Trong khi gà NK chỉ có giá dưới 100.000 đồng/kg. Như vậy, gà NK càng nhiều, DN trong nước càng khó cạnh tranh.

Đối với chăn nuôi lợn, dù Việt Nam có ưu thế bởi người dân có thói quen sử dụng thịt tươi, tuy nhiên xu hướng tiêu dùng này cũng sẽ nhanh chóng thay đổi và người dân chuyển dần sang việc sử dụng thịt đông lạnh...

Đối với chăn nuôi bò, hiện thịt bò NK từ Mỹ, Australia hay từ các nước ASEAN đã có giá rất cạnh tranh do quy mô chăn nuôi của các nước lớn, trong khi chăn nuôi bò tại Việt Nam quy mô nhỏ, giống chất lượng kém, do đó rất khó để nói về khả năng cạnh tranh thắng lợi của ngành chăn nuôi bò của Việt Nam.

Như vậy, với quy mô sản xuất nhỏ, không đồng đều, số lượng DN lớn ít, ngành Chăn nuôi đang cần phải chuẩn bị với tốc độ và chất lượng nhanh hơn các ngành khác bởi nhiều thành viên TPP, đặc biệt là Mỹ, Canada, Australia, New Zealand là các nước có thế mạnh về XK sản phẩm chăn nuôi, trong khi các sản phẩm của Việt Nam có chất lượng kém và chưa XK được vào các thị trường lớn do “vướng” về quy mô và các rào cản kỹ thuật.

Sắm sửa hành trang

Phân tích về lĩnh vực nông nghiệp, PGS, TS. Trần Đình Thiên cho biết, cạnh tranh trong lĩnh vực này là cực kỳ khốc liệt. Vấn đề mà sản xuất nông nghiệp của Việt Nam phải đối mặt là quy định các nông hóa phẩm phải có bảo hộ sáng chế, vì vậy chi phí sản xuất sẽ cao trong khi hiện nay người nông dân vẫn đang phải gánh chi phí rất lớn cho thuốc bảo vệ thực vật, thú y... Ngoài ra, việc sử dụng những sản phẩm có bảo hộ sở hữu trí tuệ trong TPP cũng khắt khe hơn, chưa kể theo đề xuất sử dụng chỉ dẫn địa lý của TPP, thương hiệu ai đăng ký trước sẽ được bảo hộ trước.

Với TPP, các ngành hàng của Việt Nam đều gặp ít nhiều thách thức. Ví như ngành dược, gỗ, nông nghiệp- những ngành phải đối diện với thách thức lớn hay những ngành cơ hội và thách thức ngang bằng như thủy sản, dệt may… thì đều cần sự chủ động, nỗ lực rất nhiều từ phía DN.

Từ nay đến khi TPP kết thúc đàm phán và tính từ thời điểm chờ Quốc hội của 12 nước thành viên TPP phê chuẩn, thông thường phải kéo dài 12- 18 tháng, khoảng thời gian này vẫn còn đủ để các DN Việt Nam huy động nguồn lực, gia tăng đầu tư vào các khâu có tính quyết định trong việc phát triển lâu dài, bền vững.

TPP với những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Singapore được kỳ vọng là một hiệp định mẫu mực của thế kỷ 21 với những cam kết mạnh, toàn diện, những quy định về tự do hóa thương mại cao hơn và có tác động lớn yêu cầu DN Việt càng phải nâng cao chất lượng hội nhập.

Với TPP, DN nước ta lại một lần nữa ra biển lớn, hy vọng với lần sắm sửa hành trang kỳ này, khi DN đã có ít nhiều kinh nghiệm bởi đây không phải là chuyến đầu ra khơi, DN Việt sẽ có chuyến đi thuận buồm, xuôi gió.

Hồ Huệ

thunm

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên