TPP và 3 kịch bản cho kinh tế Việt Nam
Theo kết quả của nhóm nghiên cứu VEPR, Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều về mức tăng GDP thực tế và tổng phúc lợi (tính theo phần trăm thay đổi) sau khi tham gia TPP.
- 26-05-2015TPP sẽ tác động tích cực đến các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu
- 25-05-2015TPP có thể làm dược phẩm trở nên đắt hơn
- 20-05-2015Hỏi đáp từ A đến Z về TPP
TPP đang đến gần?
Tại Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2015, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đánh giá, quá trình hội nhập của Việt Nam vào kinh tế thế giới, đặc biệt khi thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức.
Các tác động kinh tế từ việc tham gia TPP cho thấy, hàng rào thuế quan đối với hàng hóa sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn và các hàng rào phi thuế quan sẽ được cắt giảm nhằm thuận lợi hóa thương mại. TPP được kỳ vọng tự do hóa không chỉ đối với hàng hóa, dịch vụ mà còn với đầu tư và dịch chuyển lao động.
Tuy nhiên, để tận dụng được các cơ hội và vượt qua được những thách thức, giúp Việt Nam thực sự hòa nhập với thế giới, Việt Nam sẽ rất cần các thay đổi căn bản về cơ cấu kinh tế, thể chế và chính sách điều hành.
Xét trong tương quan thương mại của Việt Nam với các nước thành viên TPP, xuất khẩu liên tục tăng nhanh song tỷ trọng lại không ổn định, hiện ở mức 38-39% tổng kim ngạch xuất khẩu. Mỹ và Nhật Bản hiện là 2 thị trường chính của hàng xuất khẩu Việt Nam sang các nước TPP.
Về nhập khẩu, tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam từ các nước TPP giảm dần (chiếm 23% tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2014), thay vào đó là nhập khẩu từ Trung Quốc (29,6%). Đối tác nhập khẩu chính trong nhóm TPP là Malaysia, Singapore, Nhật Bản và Mỹ.
Trong khi đó, về cơ cấu thương mại, Việt Nam xuất khẩu tập trung vào những mặt hàng thâm dụng lao động như quần áo và may mặc, giày dép, đồ nội thất...
Trong thương mại với các nước TPP, mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam là hàng may mặc, với kim ngạch xấp xỉ 7,3 tỷ USD và mức thuế phải chịu khá cao (10,8%). Mức chịu thuế cao nhất nằm ở mặt hàng gạo (33,5%) và sản phẩm sữa (22,3%). Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu của 2 mặt hàng này lại không đáng kể.
3 kịch bản cho kinh tế VN
Theo kết quả của nhóm nghiên cứu VEPR, Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều về mức tăng GDP thực tế và tổng phúc lợi (tính theo phần trăm thay đổi) sau khi tham gia TPP.
Cụ thể, VEPR đưa ra ba kịch bản cho kinh tế Việt Nam khi gia nhập TPP.
Kịch bản 1: Dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan giữa các nước TPP.
Kịch bản 2: Dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan giữa các nước TPP + 7% cắt giảm hàng rào phi thuế quan cho các nước TPP.
Kịch bản 3: Dỡ bỏ hoàn toàn thuế quan giữa các nước TPP + 7% cắt giảm hàng rào phi thuế quan cho toàn bộ 23 nước/khu vực.
Trong cả 3 kịch bản, Việt Nam đều là nước có thay đổi GDP thực tế theo phần trăm cao nhất trong 12 nước thành viên TPP, tăng từ 1,03% đến 2,11%, chủ yếu nhờ tăng đầu tư và tiêu dùng.
Mức tăng này tương đương với giá trị tuyệt đối là 1,4 tỷ USD đến 2,9 tỷ USD, khá thấp so với con số của Nhật Bản, Canada (trong cả 3 kịch bản) và Mĩ (trong 2 kịch bản thuận lợi hóa thương mại dịch vụ).
Mức tăng GDP thực tế của Việt Nam đạt được chủ yếu do gia tăng mạnh trong tiêu dùng và đầu tư. Việt Nam có mức tăng đầu tư nổi bật nhất so với các nước còn lại. Điều này hàm ý gia nhập TPP sẽ giúp thúc đẩy sự hình thành vốn cố định của Việt Nam.
Về nhập khẩu, tính theo phần trăm, Việt Nam là nước có mức tăng nhập khẩu lớn nhất (11%) với giá trị tăng thêm khoảng 13,3 tỷ USD. Trong khi đó, Nhật Bản là nước có lượng tăng nhập khẩu lớn nhất với hơn 33 tỷ USD tăng thêm.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam sẽ sụt giảm từ 2,2 đến 3,1 tỷ USD tùy theo từng kịch bản. Nguyên nhân của sự sụt giảm xuất khẩu là do việc dỡ bỏ thuế quan và sự cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài và nội địa khiến giá thế giới giảm.