TPP và những rào cản chính
Cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) diễn ra tại thành phố Atlanta, thuộc bang Georgia, Mỹ đã không thể kết thúc như dự kiến.
- 02-10-2015Đàm phán TPP được kéo dài sang cuối tuần nhằm đạt thỏa thuận cuối
- 01-10-2015TPP: Các nước đạt được tiến triển trong đàm phán về lĩnh vực ôtô
- 27-09-2015Các quan chức đàm phán của 12 nước bắt đầu vòng đàm phán TPP
- 26-09-2015Đàm phán TPP mở lại cuối tháng 9 này
Hội nghị được kéo dài đến hết ngày 2/10 để các nhà đàm phán có thêm cơ hội thu hẹp những bất đồng. Quyết định này cho thấy quyết tâm của các nhà đàm phán nhằm chốt lại Hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất thế kỷ 21 sau nhiều lần lỡ hẹn nhưng cũng cho thấy mức độ khó khăn trong việc giải quyết những rào cản còn lại.
Thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các dược phẩm sản xuất bằng công nghệ sinh học hiện là trở ngại khó tháo gỡ nhất trong đàm phán TPP. Mỹ muốn thời hạn bảo vệ bằng sáng chế càng lâu càng tốt để bảo vệ lợi nhuận cho các công ty dược phẩm của họ. Còn Chính phủ Australia, New Zealand và các nước khác đã phản đối việc kéo dài thời hạn bảo hộ do lo ngại điều này sẽ làm tăng chi phí của thuốc và những nước nghèo sẽ khó được tiếp cận.
Rào cản thứ hai trong đàm phán liên quan tới 4 nước sản xuất ô tô lớn nhất trong TPP là Nhật Bản, Mỹ, Canada và Mexico. Theo nhiều nguồn tin, Canada và Mexico muốn ô tô được miễn thuế trong TPP phải có ít nhất 45% linh kiện được sản xuất bởi các nước trong khối. Nhưng Nhật Bản lại muốn ngưỡng này phải thấp hơn, chỉ ở mức 32,5%.
Rào cản thứ ba đó là việc mở cửa thị trường đối với sản phẩm bơ sữa. Vấn đề được đặt ra là Mỹ, Canada và Nhật Bản cần mở cửa thị trường ở mức độ nào cho các sản phẩm sữa của Australia và New Zealand. Australia và New Zealand yêu cầu phải tăng thêm hạn ngạch đối với sản phẩm bơ sữa và coi đây là vấn đề sống còn trong đàm phán.