[Trực tiếp họp Quốc hội]: "Làn sóng" hội nhập sẽ khiến phát triển dồn ép và thách thức kinh tế vĩ mô
Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương quản lý nghiêm các dự án xây dựng trái phép góp phần cho công tác quản lý được hiệu quả hơn.
- 02-11-2015[Trực tiếp Quốc hội chiều ngày 2/11]: Nỗi lo chưa hội nhập đã bị doanh nghiệp FDI lấn át
- 02-11-2015Thủ tướng: Chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng
- 02-11-2015[Trực tiếp họp Quốc hội]: Hội trường tiếp tục nóng với vấn đề trốn thuế gây thất thu ngân sách
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, sáng nay (ngày 3/11) Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016.
10h30p Quốc hội tiếp tục thảo luận
Đại biểu Phùng Văn Hùng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng mở đầu phát biểu sau giờ nghỉ giải lao đã khẳng định, không có tăng trưởng kinh tế thì không có phát triển.
Theo Đại biểu Hùng, đề án tái cơ cấu nền kinh tế với 3 mũi nhọn là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã kịp thời bịt những lỗ hổng trong phát triển kinh tế. Đây có thể coi là một thành công nhờ đóng góp của môi trường kinh tế vĩ mô ổn định; doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
“Nợ xấu đã bớt xấu đi rất nhiều, từ 17% xuống còn 3%. Tôi đánh giá rất cao vai trò của VAMC trong việc xử lý nợ xấu thời gian qua. VAMC đã khoanh nợ xấu lại để tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đến với nhau” – Đại biểu Hùng cho biết.
Bên cạnh đó, việc tăng cường thu hồi nợ, chuyển nợ xấu thành vốn góp cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc mua lại các ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng cũng là việc làm kịp thời và cần thiết mà nhiều nước trên thế giới đã làm.
Ở đây, ngân hàng Nhà nước đóng vai trò bảo lãnh, mua lại ngân hàng yếu kém, không có khả năng trả nợ. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành tái cơ cấu nợ, sắp lại cơ cấu, tổ chức ngân hàng yếu kém để đi vào hoạt động hiệu quả hơn. Sau đó, ngân hàng Nhà nước sẽ bán lại những ngân hàng này, nhưng không phải với giá 0 đồng nữa.
“Trong điều kiện không được sử dụng được vốn ngân sách Nhà nước thì đây là cách làm hữu hiệu nhằm tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém” – Đại biểu Phùng Văn Hùng cho biết.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Hùng, việc lãi suất cho vay giảm mạnh trong những năm gần đây đã “kéo” lạm phát giảm. Để đạt được kết quả này là nhờ đóng góp rất lớn của ngành ngân hàng trong việc khơi thông luồng tín dụng.
Cùng với những kết quả tích cực đã đạt được của thị trường tài chính, thị trường bất động sản cũng dần ấm lên. Trong 2 năm trở lại đây, thị trường bất động sản đã phục hồi, tồn kho bất động sản giảm. Tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, việc sử dụng gói 30 nghìn tỷ đạt nhiều kết quả tích cực.
“Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam, vốn đăng ký và vốn giải ngân đều tăng so với cùng kỳ. Khu vực FDI luôn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kingh tế. Đầu tư của khối FDI đóng góp tích cực vào xuất khẩu, tăng trưởng. Có thể nói, thu hút đầu tư nước ngoài là điểm sáng của kinh tế Việt Nam” – Đại biểu cho biết.
Tuy nhiên, Đại biểu cũng thẳng thắn thừa nhận, dù nền kinh tế đã phục hồi nhưng yếu tố vững bền chưa cao. Doanh nghiệp tư nhân còn yếu và bị chèn lần bởi khối FDI và doanh nghiệp Nhà nước, bội chi ngân sách lớn, bong bóng bất động sản có nguy cơ bùng phát, đội ngũ lao động chất lượng cao còn yếu…
Do vậy, Đại biểu kiến nghị trong thời gian tới cần triển khai quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực đồng bộ; tăng cường đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống của nông dân… để thúc đẩy tăng trưởng.
Một số đại biểu khác chia sẻ, mục tiêu phát triển của nước ta trong giai đoạn mới là xây dựng Việt Nam thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại với 3 đột phá chiến lược là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, trên thực chất, tái cơ cấu trên cả 3 lĩnh vực ưu tiên vẫn chỉ là phương tiện, chứ chưa đi vào bản chất. Cái quan trọng ở đây là người ta đầu tư vào ngành nào, lĩnh vực cụ thể nào thì chúng ta lại chưa quan tâm đề cập đến.
Tái cơ cấu trong bối cảnh hội nhập sâu rộng đòi hỏi những bước đi cụ thể hơn, chứ không phải là tái cơ cấu chung chung.
“Hơn 20 năm trước, khi chúng ta đặt câu hỏi: Việt Nam nên sản xuất gì? Ông Lý Quang Diệu đã từng đặt câu hỏi: Không phải Việt Nam có thể sản xuất gì, mà là thế giới cần gì? Tức là kinh tế thị trường sẽ quyết định đến chiến lược và mục tiêu sản xuất. Bởi cái chúng ta nên quan tâm là thị trường cần gì, chứ không phải tôi có thể sản xuất gì” – vị đại biểu này nhấn mạnh.
Về tài nguyên, giá dầu giảm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam. Để gia tăng năng suất lao động đòi hỏi nâng cao tiêu chuẩn lao động. Năm 2016 là năm Việt Nam thực hiện tăng trưởng và hội nhập sâu rộng, đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
Phát biểu gần kết thúc phiên thảo luận buổi sáng, Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo – Đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc thẳng thắn đánh giá, trong thời gian qua, vấn đề xử lý thuế đối với doanh nghiệp Nhà nước chưa được xử lý nghiêm túc, mua sắm công còn tràn lan, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.
Về hội nhập và phát triển bền vững, Đại biểu cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành nước công nghiệp hiện đại. Để trở thành nước công nghiệp hiện đại, thành phần nòng cốt của nền kinh tế phải chuyển dịch từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân.
Việt Nam đang chuyển hướng, từ tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, làn sóng mới của các hiệp định thương mại tự do (FTAs) sẽ dẫn đến phát triển dồn ép tạo ra những thách thức cho kinh tế vĩ mô.
Theo dự báo của Ngân hàng thế giới (WB), khi TPP có hiệu lực, GDP của Việt Nam có thể tăng trưởng từ 8-10%. Nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng này, Việt Nam cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu các ngành kinh tế mũi nhọn.
Nguồn lực phải dịch chuyển nhanh chóng sang hướng hỗ trợ những doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao, những ngành công nghiệp mũi nhọn như dệt may, công nghiệp hỗ trợ…
Trên cơ sở đó, Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cũng kiến nghị, trong thời gian tới cần nâng cao năng suất lao động, coi đây là động lực phát triển kinh tế sâu rộng. Tận dụng nỗ lực hội nhập quốc tế để cải thiện môi trườg đầu tư, kinh doanh. Điều chỉnh chính sách, tạo ra sân chơi minh bạch cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực và đầu tư cơ sở hạ tầng…
11h30p Quốc hội kết thúc phiên thảo luận sáng.
Chiều nay, Quốc hội cũng sẽ thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; Việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; việc phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế; phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên.
_________________________________________
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã đại diện ngành trả lời câu hỏi của đại biểu về một số vấn đề. Đầu tiên là sai phạm tại dự án số 8B Lê Trực.
Người đứng đầu ngành xây dựng cho biết, sai phạm này đã gây bức xúc trong xã hội và người dân. Ngay sau khi nhận được phản ánh Bộ Xây dựng đã phối hợp với UBND TP Hà Nội để kiểm soát, rà soát.
Công trình này được UBND TP Hà Nội cho phép với phía trước cao 44cm, phía sau cao 53 m. Xây dựng trái phép cao 69m, vượt quá so với Sở xây dựng HN cho phép.
Thường trực Chính phủ đã họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi nghe các báo cáo của UBND thành phố Hà Nội thì Thủ tướng đã kết luận
Khẳng định vụ việc sai phạm này là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thể hiện sự hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Đồng thời, Thủ tướng cũng khẳng định chủ đầu tư là công ty may Lê Trực là có sai phạm...
Để giữ nguyên kỷ cương của pháp luật, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội rà soát các sai phạm
Yêu cầu chủ đầu tư dự án trình cơ quan có thẩm quyền phương án khắc phục hậu quả và đảm bảo an toàn, mỹ quan trong việc xây dựng
Từ sai phạm tại 8B Lê Trực, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư xây dựng, đặc biệt là các đô thị. Quan tâm công tác quy hoạch, cụ thể hóa quy hoạch chung, quản lý không gian đô thị 1 cách hài hòa, hiệu quả, đảm bảo cảnh quan kiến trúc.
Với trách nhiệm là cơ quan quản lý thống nhất, Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương quản lý nghiêm các dự án xây dựng trái phép gây bức xúc góp phần cho công tác được hiệu quả hơn...
Trong khi đó, vấn đề về ứng dụng khoa học công trong phát triển kinh tế cũng được Đại biểu Lê Bộ Lĩnh – tỉnh An Giang cũng đề cập trong phiên thảo luận sáng nay.
Theo đại biểu Lĩnh, trình độ công nghệ thấp so với các nước có mức thu nhập trung bình thấp. Trong 10 chỉ tiêu liên quan đến ứng dụng công nghệ của Việt Nam như tính sáng tạo, chi đầu tư cho công nghệ.. chúng ta đều tụt hạng.
Đại biểu cho rằng hai vấn đề lớn hiện nay là cần gắn kết phát triển công nghệ với chiến lược phát triển kinh tế quốc gia như các chương trình tăng trưởng xanh, chiến lược phát triển kinh tế vùng... Khi khoa học công nghệ chưa nằm trong tâm điểm của phát triển thì rất khó biến khoa học công nghệ thành động lực phát triển.
“Phải đưa khoa học công nghệ vào doanh nghiệp, gắn khoa học công nghệ vào thực tiễn, khuyến khích thúc đẩy đưa công nghệ vào doanh nghiệp, kể cả DN nước ngoài và DN trong nước. Đồng thời tăng cường khả năng thu hút vốn từ ngân sách Nhà nước, xây dựng các quỹ khoa học công nghệ trong doanh nghiệp” – Đại biểu tỉnh An Giang cho biết.
Bên cạnh đó, một nội dung quan trọng cũng được đại biểu Lê Bộ Lĩnh đề cập trong phiên thảo luận sáng nay đó là phát triển vùng và liên kết vùng. Đại biểu nhấn mạnh, phát triển vùng ở nước ta đều đã có quy hoạch song cần có sự đánh giá cụ thể.
Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng này chiếm trên 50% sản lượng lúa cả nước và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu; trên 50% sản lượng thủy sản xuất khẩu… nhưng sự phát triển hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng.
Do đó, Đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có hạ tầng giao thông. Đây là vùng đáng để thực hiện chính sách nông nghiệp đặc thù, thống nhất. Bên cạnh đó, cần một thiết chế quản lý phát triển vùng.
Giải đáp thắc mắc của các Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận sáng nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, Bộ Nông nghiệp và Chính phủ hết sức chia sẻ với những khó khăn mà bà con nông dân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp suốt một năm qua.
Hạn hán và hiện tượng El Nino đã làm cho nhiều loại cây trồng nông nghiệp của nước ta bị ảnh hưởng, nắng nóng ảnh hưởng đến năng suất nhiều nơi. Thị trường tiêu thụ nhiều loại nông sản gặp khó khăn, như lúa gạo cà phê, ca cao, cá tra…
Bộ trưởng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2015, ngành nông nghiệp tăng trưởng bình quân 2,1%, thấp hơn 3% của năm 2014. Lĩnh vực chăn nuôi và lâm nghiệp phát triển với tốc độ cao hơn. Sản lượng nông lâm thủy sản tăng nhưng những mặt hàng chủ lực đều tăng chậm so với cùng kỳ. 5 mặt hàng chủ lực tăng nhưng cũng không kéo lại được sự sụt giảm mạnh của kim ngạch xuất khẩu.
Bộ trưởng nhấn mạnh, để tiếp tục phát huy khả năng phát triển sản xuất để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, chúng ta cần tập trung khắc phục khó khăn về hạn hán, khắc phục thị trường xuất khẩu cho nông sản. Bên cạnh đó, đẩy mạnh mở cửa thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng chủ lực như lúa gạo, cà phê, thủy sản…
Về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết, mục tiêu của tái cơ cấu là nâng cao đời sống và thu nhập của nông dân, cải cách chính sách và nguồn lực. Chính phủ đã ban hành chính sách đổi mới với hầu hết các lĩnh vực. Các Bộ đã quyết liệt mở cửa thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nông dân.
“Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn đã tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với ngành nông nghiệp Việt Nam” – Tư lệnh ngành nông nghiệp cho biết.
Đồng thời, tại phiên thảo luận này, Bộ trưởng Cao Đức Phát chia sẻ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ Nghị định ban hành chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng, nhiều doanh nghiệp đã có đóng góp vào ngành nông nghiệp, cải tạo giống nông nghiệp. Áp dụng các quy trình sản xuất, cơ giới hóa nông nghiệp được đẩy mạnh, khuyến khích đầu tư tư nhân. Cơ cấu sản xuất đang chuyển dịch theo hướng tiếp tục phát huy lợi thế. Có khoảng 200.000 ha diện tích lúa sang trồng cây khác có giá trị hơn.
Đồng thời, các lĩnh vực sản xuất khác cũng đang có xu hướng chuyển dịch theo hướng hiệu quả.
Đối với tái cơ cấu ngành chăn nuôi, Bộ trưởng nhấn mạnh, tái cơ cấu chủ yếu là theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả để có thể cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, áp dụng con giống mới vào sản xuất, nuôi trồng.
Lĩnh vực thủy sản tiếp tục phát triển đánh bắt xa bờ, phát triển nuôi tôm công nghiệp và thâm canh bền vững, tập trung phát triển trồng rừng cỡ lớn.
Về giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp sẽ tiếp tục nghiên cứu ban hành các chính sách mạnh mẽ hơn, nhất là chính sách về đất đai, vốn…; xây dựng các công trình dự án, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Về vấn đề lưu hành phân bón giả và kém chất lượng, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, theo NĐ202/2013, Bộ Nông nghiệp quản lý phân bón hữu cơ và phân bón khác. Nước ta cần nhiều loại phân bón là do có nhiều cây trồng, nhiều loại phân bón với tỷ lệ phối trồng khác nhau.
Hiện nay đang lưu hành 5300 tên phân bón, trong đó có 261 loại phân hữu cơ vi sinh, còn lại là phân vô cơ. Suốt 2 năm qua, Bộ Nông nghiệp đã siết chặt tình hình, quy chuẩn từng loại phân bón, yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo điều kiện kinh doanh. Đến 1/2/2016, doanh nghiệp nào không đạt yêu cầu sẽ bị đóng cửa.
Về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Nông nghiệp nhận thức rõ yêu cầu bức thiết và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy tỷ lệ vi phạm còn cao, chưa cải thiện so với năm 2014.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định, việc dùng chất cấm trong chăn nuôi còn nguy hiểm hơn cả ma túy. Do đó, ông đề nghị người nông dân dừng ngay việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và bảo vệ chất lượng hàng hóa của mình.
Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn Tp HCM) thì đánh giá cao những kết quả đạt về kinh tế - xã hội đã đạt được trong giai đoạn 2011 – 2015.
Ông cho rằng, điểm tích cực nhất trong lĩnh vực đối nội đó là ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định hệ thống ngân hàng tránh nguy cơ đổ vỡ. Kinh tế đối ngoại cũng phát triển toàn diện, như quan hệ xuất khẩu, đầu tư và hội nhập
Đồng thời, cải cách thể chế nổi bật là sửa một loạt các luật như nhà ở, đầu tư… những “cái được lớn nhất” đã tạo giai đoạn ổn định cho một thời kỳ phát triển mới.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, nếu nhìn tổng thể 5 năm thì có 9/21 không đạt và các chỉ tiêu không đạt lại chủ yếu là chất lượng tăng trưởng. Ông đặt vấn đề: Liệu trong 5 năm tới chúng ta có đạt được mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước không?
Và ông cho rằng, muốn làm được điều này nền kinh tế cần phải có động lực tăng trưởng mới…
9h30p Quốc hội nghỉ giải lao
Tiếp tục cập nhật...